Chị Nhàn (người ngồi ghế) cùng đoàn từ thiện Trung tâm thẩm mỹ Nhàn salon
Hà Nội tặng quà Hội người mù Sơn Tây
Hợp tác xã Tình thương - Hội Người mù Sơn Tây được
thành lập từ năm 1996, với chức năng dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm cho
người khuyết tật còn khả năng lao động nhẹ. Đến nay Hợp tác xã đã mở
được 15 lớp học chữ, học nghề cho 750 lượt người, dạy nghề làm chổi
chít, chổi tre, tăm tre, đũa tre, tẩm quất, xoa bóp cổ truyền..., năm
2011 cùng với Hội Người mù lập dự án vay vốn Ngân hàng Chính sách được
280 triệu đồng cho 22 hộ vay, tạo việc làm cho 70 lao động. Với hình
thức sản xuất tập trung và bán tập trung đã sản xuất được 312.000 chổi
chít, 220.000 gói tăm, tạo việc làm cho 25 lao động, thu nhập 500.000 –
700.000 đồng /người/tháng; với dịch vụ bấm huyệt xoa bóp cổ truyền tạo
việc làm cho 28 lao động thu nhập từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng/người/
tháng.
Sau lần giao dịch với nhân viên bán tăm của HTX Tình thương, chị Nhàn -
Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Nhàn salon Hà Nội với tấm lòng nhân ái, cảm
thông chia sẻ, chị đã tổ chức đoàn cán bộ nhân viên của Trung tâm lên
thăm cơ sở. Chị và anh, chị em trong đoàn đã hết sức xúc động và khâm
phục trước những hoàn cảnh, và ý chí vươn lên hoà nhập cộng đồng của
những con người đang phải chịu những thiệt thòi và khó khăn do tật
nguyền. Cùng với số quà bằng hiện vật trị giá gần 3 triệu đồng, ngay tại
đây đoàn đã đóng góp được 9,5 triệu đồng trực tiếp ủng hộ HTX và Hội.
Thay mặt Trung tâm, chị Nhàn cũng hứa sẽ quan tâm, tạo điều kiện cả về
vật chất và kinh phí giúp đỡ Hội thường xuyên hơn, coi đó là thực hiện
đạo lý, trách nhiệm xã hội của Trung tâm.
Hành động từ thiện, nhân đạo dù nhỏ nhưng là nguồn động viên lớn giúp
cho những người đang phải chịu những thiệt thòi do tật nguyền tự tin
vươn lên hoà nhập cộng đồng, góp phần giúp người nghèo vươn lên thoát
nghèo. Đảng, Nhà nước ta luôn có chính sách an sinh xã hội, quan tâm trợ
giúp người nghèo, người khuyết tật. Phát huy truyền thống dân tộc, xã
hội ta đã có nhiều, thật nhiều đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm luôn quan
tâm làm từ thiện. Mong sao công tác từ thiện nhân đạo trở thành nét văn
hoá của mỗi đơn vị, tổ chức, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân. Đúng như bài
“Bao giờ từ thiện trở thành văn hoá Việt” (của tác giả Thạch Giản, đăng
trên Báo điện tử Vietnamnet ngày 25/5/2011) đã nêu: "Làm từ thiện là để
thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tăng mức công bằng xã hội, do đó tăng
sự đồng thuận trong dân chúng, tăng ổn định xã hội. Từ thiện là tiêu chí
đánh giá trình độ văn minh của một dân tộc".
Dương Quang Minh – UB MTTQ Sơn Tây