(HNM) - Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Trong các văn kiện Đại hội XII, tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện sinh động và một lần nữa khẳng định giá trị to lớn đối với con đường đi lên của dân tộc.
1. Hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều nội dung, nhưng xuyên suốt, có ý nghĩa hạt nhân là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân thực hiện tư tưởng cốt lõi này.
Báo cáo các văn kiện của Đảng tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH)...". Nghị quyết Đại hội đồng thời chỉ rõ mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 5 năm tới là: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới".
Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn phải làm cho đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Bởi theo Người, "CNXH là làm sao cho dân giàu nước mạnh"; "CNXH là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy", "xây dựng CNXH là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc". Thấm nhuần tư tưởng của Người, 30 năm đổi mới, Đảng ta đã nỗ lực chèo lái con thuyền đất nước vượt qua bao sóng gió để giữ vững độc lập dân tộc, dấn bước trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa, đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Tiếp nối thành quả đó, các văn kiện Đại hội XII của Đảng thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân đẩy nhanh, đẩy mạnh công cuộc đổi mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Nghị quyết Đại hội XII ngoài vạch ra những mục tiêu tổng quát, còn đề ra các chỉ tiêu rất cụ thể vì dân sinh như: Nâng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 3.200-3.500 USD; tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch ở thành thị là 95%, ở nông thôn là 90%; có 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số; giảm mỗi năm 1-1,5% hộ nghèo…
Không chỉ coi tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho hành động, Đảng ta vận dụng tư tưởng của Người một cách sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Văn kiện Đại hội XII của Đảng thể hiện bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng về nhiều mặt, nhất là về đường lối phát triển kinh tế. Lần đầu tiên, Đảng ta khẳng định: "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định: Đây là nhận thức lý luận mới của Đảng ta về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vừa đáp ứng yêu cầu phổ biến của kinh tế thị trường thế giới, vừa thể hiện tính đặc thù của CNXH Việt Nam.
2. Một biểu hiện nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh trong văn kiện Đại hội XII của Đảng là về nội dung xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng cách mạng chân chính, bộ tham mưu sáng suốt và kiên cường của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Để xứng đáng là người lãnh đạo sự nghiệp cách mạng to lớn của giai cấp và của dân tộc, Đảng phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn, đổi mới bản thân mình. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhằm làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh cả về ba mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức; làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực trước những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của tư tưởng của Người về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Sau hơn 4 năm đi vào đời sống, Nghị quyết đã tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội; tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, suy thoái trong Đảng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn còn hạn chế. Trước thực tế đó, Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: "Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm".
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm Đại hội xác định cho nhiệm kỳ mới, nhiệm vụ thứ nhất là "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".
Có thể nói, Đại hội XII của Đảng thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện, trong đó có thành công về văn kiện Đại hội. Đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ bế mạc: "Các văn kiện Đại hội XII đã tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta". Điều này càng tiếp thêm niềm tin đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng ta trong nhiệm kỳ mới. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Hiền Lương