Ứng cử công bằng (Báo ĐĐK)

01/04/2016 - 02:42 PM

Năm 1946, khi chuẩn bị cho Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng bố cáo “Tìm người tài đức” trên báo Cứu Quốc. Ngày nay, trong điều kiện công nghệ hiện đại, thông tin rộng rãi và thông suốt, việc phát hiện và tìm người tài đức không khó. Vấn đề chỉ còn là việc tạo ra cơ chế để người tài đức sẵn lòng gánh vác việc chung.

Cho đến thời điểm này, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 đã tiến hành xong vòng Hiệp thương lần thứ 2. Ghi nhận đây là kỳ bầu cử có số lượng người tự ứng cử nhiều nhất từ trước tới nay, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 do Ủy ban TWMTTQ VN tổ chức, rất nhiều ý kiến cho rằng việc để đảm bảo dân chủ, lựa chọn được người tài đức, phải tạo điều kiện công bằng cho người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.

Trong xu thế dân chủ ngày càng được mở rộng, việc ngày càng có nhiều hơn những người tự ứng cử là tín hiệu mừng vào thời điểm hiện nay. Danh sách được thông qua tại các hội nghị Hiệp thương vòng 2 vừa qua cho thấy rõ danh sách những người tự ứng cử đã tăng lên đáng kể so với nhiều kỳ bầu cử trước. Thay vì thờ ơ đứng ngoài, nhiều nhân sĩ trí thức đã thể hiện sự quan tâm đến việc dân, việc nước bằng hành động cụ thể là tự ứng cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Trên tất cả các diễn đàn, các hội nghị chuẩn bị cho kỳ bầu cử, quan điểm lan tỏa là đảm bảo dân chủ và công bằng. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, khẳng định: Không có bất cứ phân biệt nào giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử, kể cả việc tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động cũng như vận động tranh cử qua các cơ quan truyền thông đều bình đẳng. Ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam cũng đã nhiều lần cho biết: Không có sự phân biệt giữa người ứng cử và người tự ứng cử: “Người tự ứng cử đương nhiên bình đẳng cùng những người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu”.

Đảm bảo dân chủ công bằng trong bầu cử đã được quán triệt thành quan điểm thông suốt của kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 lần này. Nhưng để thực hành dân chủ là việc không dễ. Vẫn còn không ít việc, không ít nơi mà cung cách thực hiện vẫn cho thấy có những sự phân biệt dễ làm hiểu sai một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. Như tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 của Ủy ban TWMTTQ VN, nhiều đại biểu bức xúc về phát ngôn “có thế lực đứng sau người tự ứng cử”. Thiếu tướng Lê Mã Lương bức xúc cho rằng không nên nói một cách chung chung như vậy. “Nếu chỉ ra được thì nói, còn không thì không nên nói”. Còn theo ông Nguyễn Túc, việc đưa những thông tin thế lực phản động đứng sau người tự ứng cử  sẽ ảnh hưởng, hạn chế đến việc làm chủ của dân, và xúc phạm người tự ứng cử. 

Đó là một trong những ví dụ cho thấy nếu không thận trọng, không thay đổi những định kiến có sẵn, dư luận nhân dân sẽ thiếu niềm tin vào chủ trương đảm bảo công bằng dân chủ trong bầu cử, dẫn đến những suy diễn sai lệch.

Như vậy, trước hết phải dần dần thay đổi quan niệm về người tự ứng cử, để mọi người có đủ tiêu chuẩn và điều kiện dám ứng cử một cách thoải mái. Theo ông Lê Truyền: Việc thay đổi quan niệm phải bắt đầu từ những người làm công tác bầu cử; rồi thay đổi cả trong nhân dân để mọi người tự xét tiêu chuẩn, điều kiện của mình để tự ứng cử một cách bình thường. Khi đã thành danh sách rồi, tự ứng cử hay giới thiệu cũng đều gọi là người ứng cử đại biểu QH cho dân chủ, bình đẳng.

Gần đây, đã xuất hiện những thông tin mang tính phán xét về tư cách, nhân thân một số người tự ứng cử trên các phương tiện thông tin. Theo chúng tôi, đây cũng là việc làm thể hiện định kiến. Đảm bảo dân chủ công bằng trong bầu cử, người tự ứng cử hay được giới thiệu ứng cử cũng sẽ trải qua công tác sàng lọc theo đúng tiêu chuẩn, qui định của bầu cử. Công bằng là ai đáp ứng được những điều kiện ấy đều được hiệp thương giới thiệu. Cuối cùng, nếu đã qua được các vòng hiệp thương, thì chính lá phiếu cử tri sẽ quyết định.

Nói công bằng trong bầu cử là không phân biệt cả ở 2 phía. Đảm bảo không có đặc quyền hơn từ phía những người được giới thiệu ứng cử thì đồng thời cũng không phải tự ứng cử là được ưu tiên, chiếu cố để chứng tỏ là có dân chủ. Không phải không có sự thật là nhiều người ỷ vào thế tự ứng cử để xét nét qui trình thực hiện rồi nếu thấy không đúng theo nguyện vọng của mình (nhưng đúng với qui định về bầu cử) thì lại cho rằng như thế là chưa dân chủ. Cho nên cần coi trọng việc lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú, ai được ai không thì dân đều biết. Với điều kiện phải mở rộng số lượng cử tri tham dự các cuộc lấy ý kiến ở nơi cư trú, phải khuyến khích và tạo điều kiện để cử tri thoải mái và thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình. Phải làm sao để nhân dân hiểu trách nhiệm của nhân dân trong việc xây dựng chính quyền vì dân, do dân và của dân được thể hiện ở việc nhân dân tự chọn ra những người đại diện cho quyền lực của mình. Không phải ở đâu nhân dân cũng hiểu rằng đây là nhân dân tự xác định quyền của mình, để trao quyền lực cho những người mình bầu bằng những lá phiếu. Và khi đã trở thành đại biểu nhân dân rồi, thành đại biểu Quốc hội, hay đại biểu HĐND,  thì họ đều là người thuộc cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân do người dân ủy quyền. 

Trong điều kiện thông tin ngày nay, càng minh bạch thì càng tạo ra hiệu quả tốt hơn. Minh bạch thông tin bầu cử, minh bạch thông tin về người ứng cử (bao gồm cả người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử), cung cấp đầy đủ những thông tin của những người ứng cử cho cử tri biết thì lựa chọn của cử tri càng sáng suốt. 

Ứng cử công bằng như nhau, mục đích cuối cùng quan trọng nhất là bầu ra một Quốc hội chất lượng, hiệu quả. Cho nên, cho dù là được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử, tiêu chí đầu tiên vẫn là đủ tiêu chuẩn và điều kiện. Ứng cử công bằng là cả người được giới thiệu và người tự ứng cử đều hiểu trách nhiệm nặng nề của một đại biểu dân cử để coi đó là một việc nghiêm túc, nó không phải là một “phép thử dân chủ” đối với người tự ứng cử, đồng thời cũng không phải là một chỗ ngồi chỉ để lấy danh đối với người được giới thiệu ứng cử.  Ứng cử công bằng là cả 2 bên nếu cảm thấy mình đủ tiêu chuẩn và đủ điều kiện làm nhiệm vụ đại biểu hãy ra ứng cử. Đại biểu Quốc hội là thực quyền và quyền lực ấy phải được thực thi nghiêm túc và hiệu quả. Ứng cử hay tự ứng cử đều được đảm bảo công bằng như nhau nhưng cũng đòi hỏi tiêu chuẩn và trách nhiệm công bằng như nhau. 


Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020