Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí với báo cáo
tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của Ban Thường trực UB MTTQ
Thành phố. Cụ thể, sau gần 20 năm triển khai tổ chức thực hiện điều 9
Hiến pháp năm 1992 và hơn 10 năm thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, các cấp
uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân
dân của Thủ đô đã nâng cao hơn nhận thức về vị trí, vai trò của MTTQ
Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tổ chức Mặt trận được củng cố, mở rộng,
phương thức hoạt động có nhiều đổi mới. Đặc biệt các hoạt động hướng
mạnh về cơ sở, thực hiện tốt phương châm gần dân, sát dân, nắm vững tâm
tư nguyện vọng của nhân dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng
mắc trong đời sống nhân dân; phát huy dân chủ, tích cực tham gia xây
dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân,
do nhân dân và vì nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có
hiệu quả, hiệu lực.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Hiến
pháp 1992 và Luật MTTQ trên địa bàn Thủ đô cũng còn bộc lộ một số mặt
hạn chế như công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp, Luật, Điều lệ
MTTQ Việt Nam... chưa được thường xuyên, sâu rộng nên nhận thức của một
số cán bộ, đảng viên và một số ít cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò,
vị trí, chức năng nhiệm vụ của MTTQ chưa đầy đủ; thiếu quan tâm phối
hợp, đảm bảo điều kiện hoạt động của MTTQ. Đặc biệt vai trò giám sát,
phản biện xã hội của MTTQ ở một số nơi còn nhiều hạn chế. Việc giải
quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, kiến nghị của cử tri có nơi, có lúc
chưa thực sự quan tâm. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động và chế độ đãi
ngộ, điều kiện làm việc còn hạn chế cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả công
tác Mặt trận.
Phân tích sâu hơn về mối quan hệ giữa UB MTTQ thành phố với các Sở, Ban
Ngành, ông Nguyễn Vĩnh Oánh, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ nhiệm Hội
đồng tư vấn Pháp luật thành phố để nghị UB MTTQ thành phố cần phải tăng
cường, mở rộng mối quan hệ với các cơ quan sở, ngành, nhưng tránh trường
hợp “mặt trận – trận nào cũng có mặt”. Thay vào đó, MTTQ phải luôn thể
hiện ý chí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị với đặc thù là
“liên minh chính trị, chính trị-xã hội tự nguyện”.
Để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt để MTTQ nâng cao trách nhiệm phát
huy dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia giám
sát và phản biện xã hội về những vấn đề, nội dung liên quan đến chủ
trương, chính sách pháp luật, các chương trình, đề án, dự án v.vv..., UB
MTTQ thành phố Hà Nội đề nghị Nhà nước, Chính phủ và Ủy ban Trung ương
MTTQ Việt Nam phối hợp nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chế về giám
sát, phản biện xã hội để từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả. Cần
phải bổ sung vào Điều 9, Hiến pháp nhiệm vụ “phản biện xã hội” của MTTQ
Việt Nam. Nội dung “Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức thành
viên hoạt động có hiệu quả”, đề nghị điều chỉnh thành “Nhà nước đảm bảo
điều kiện để MTTQ và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả”.
Đồng ý với kiến nghị trên, ông Trần Nhật Quang, Phó Chủ tịch UB MTTQ
quận Ba Đình cho rằng không thể nói “tạo điều kiện” mà phải “đảm bảo
điều kiện bằng pháp lý”. Có như vậy thì cán bộ mặt trận vừa yên tâm công
tác vừa có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cá nhân ông Đoàn Vũ
Dũng, Phó Chủ tịch UB MTTQ huyện Thanh Trì kiến nghị không nên bỏ cụm từ
“lao động công ích” ở điều 80-chương II của Hiến pháp quy định về
“Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” mà Ủy ban MTTQ thành phố kiến
nghị bỏ, vì hiện nay ở nông thôn, nông dân vẫn tham gia lao động công
ích như đào mương, đắp đường, chống úng, chống lụt... Khi ấy rất cần lao
động công ích để huy động sức dân./.
Thanh Bình