Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội vào Dự thảo “Quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng thành phố Hà Nội”

16/12/2015 - 03:33 PM

Thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 04/3/2014 của Thành uỷ Hà Nội về việc triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI); Thực hiện Quy chế phối hợp số 03/QCPH-HĐND-UBND-UBMTTQ ngày 30/01/2015 về phối hợp tổ chức phản biện xã hội và Chương trình phối hợp công tác số 02/CTrPH ngày 30/01/2015 giữa Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND và Uỷ ban MTTQ Thành phố Hà Nội, ngày 11/12/2015, tại cơ quan Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý kiến phản biện xã hội (PBXH) vào Dự thảo“Quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng thành phố Hà Nội”.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ TP; Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP; Đào Ngọc Triệu - Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Thị Liên - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; Tô Văn Động-TUV, Giám đốc  Sở Văn hoá và Thể thao (VHTT) TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội, Liên hiệp các Hội KHKT TP; các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Hội đồng tư vấn Uỷ ban MTTQ TP; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, lãnh đạo phòng VHTT của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Ông Phạm Lợi – Nguyên Chủ tịch UB MTTQ TP cho rằng: Bộ quy tắc lên đưa xuống lấy ý kiến nhân dân tại các Hội nghị đại biểu nhân dân trước khi ban hành (ảnh: Ngọc Lâm)

Tại hội nghị, đồng chí Tô Văn Động - TUV, Giám đốc  Sở VHTT TP Hà Nội trình bày báo cáo về việc lập bộ “Quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”. Với ý thức xây dựng và tinh thần trách nhiệm cao, tại hội nghị đã có 11 ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận, phân tích của các đại biểu về sự phù hợp của bộ quy tắc với truyền thống, lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội; về sự cần thiết xây dựng bộ quy tắc; về bố cục và các tiêu chí của dự thảo; về tính khoa học, khách quan, tính khả thi và tính kế thừa của dự thảo.

Ông Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm UB VHGD TTN và NĐ của Quốc hội, nguyên GĐ sở VHTT cho rằng nên xây dựng bộ quy tắc chung, ngắn gọn; quy tắc cụ thể nên để cho các đơn vị tự xây dựng trên cơ sở bộ quy tắc chung (ảnh: Ngọc Lâm)

Đa số các đại biểu cho rằng nội dung của dự thảo Tờ trình là cần thiết và cấp bách đối với việc phát triển văn hóa và xây dựng con người thanh lịch ở Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần “lấy dân làm gốc”, nên thu thập các ý kiến người dân trên từng địa bàn dân cư, để người dân đưa ra ý kiến đóng góp, xây dựng vào bộ quy tắc, đồng thời để tuyên truyền, phổ biến, như vậy mới xây dựng được một bộ quy tắc chuẩn, ngắn gọn, dễ dàng được áp dụng vào cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Tiến Dũng - Hội đồng Lý luận TW thẳng thắn cho rằng những việc không được làm nên đưa ra các chế tài đi kèm, cần bổ sung, như vậy mới có sức răn đe với người dân, bộ quy tắc mới đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, khi đã xây dựng hoàn chỉnh bộ quy tắc thì việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi người dân của Thủ đô là rất quan trọng, cần phải làm tập trung.

Đồng chí Nguyễn xuân Điệp – Phó Chủ tịch TT Ủy ban MTTQ TP phát biểu kết luận Hội nghị (ảnh: Ngọc Lâm)

Phát biểu, kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phản biện thẳng thắn, thể hiện tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao của các đại biểu tham dự hội nghị; đồng thời đề nghị Ban Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban MTTQ TP tiếp thu toàn bộ ý kiến phản biện của các đại biểu dự hội nghị; tổng hợp sớm gửi Thường trực UBND TP, Sở VHTT tiếp thu, chỉnh lý./.

Phùng Long - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020