Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm về phương pháp phản biện xã hội

04/06/2013 - 12:00 AM


Toàn cảnh Hội nghị

Ngày 23- 5, Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm về phương pháp phản biện xã hội đối với quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Ông Nguyễn Xuân Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực và bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Qua gần một năm triển khai thực hiện phản biện xã hội, toàn TP hiện có 5/29 quận, huyện đã tổ chức thực hiện phản biện gồm: Từ Liêm, Thanh Xuân, Ứng Hòa, Long Biên, Gia Lâm. 24 quận, huyện còn lại chưa tổ chức phản biện xã hội sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành trong năm 2013. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung trong phương pháp bản biện xã hội, gồm: Góp ý về công tác chỉ đạo của cấp ủy Đảng với công tác phản biện xã hội; công tác phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền; nhiệm vụ và công việc của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, lắng nghe ý kiến phản biện xã hội và những kết quả đạt được của 5 địa phương đã tổ chức thành công. 
Trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện về phản biện xã hội, đại diện Uỷ ban MTTQ huyện Từ Liêm, đơn vị đầu tiên thực hiện việc này cho biết: Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Uỷ ban MTTQ TP, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ huyện đã chủ trương báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy và trao đổi thống nhất với HĐND, UBND huyện. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo, các đồng chí trong HĐND, UBND đồng tình ủng hộ và nhất trí phối hợp, tạo điều kiện để Uỷ ban MTTQ huyện xây dựng quy chế phối hợp và kế hoạch liên tịch tổ chức hội nghị phản biện xã hội theo tinh thần chỉ đạo hướng dẫn của Uỷ ban MTTQ TP.
Chia sẻ về cách thực hiện của địa phương mình, bà Trần Thị Xuân, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ quận Thanh Xuân cho rằng: Phản biện xã hội là một nhiệm vụ mới, rất khó đối với MTTQ quận. Do vậy, Ban Thường trực đã tiến hành xây dựng dự kiến, tiến trình tổ chức thực hiện một cách kỹ lưỡng. Bước đầu là phổ biến nội dung Quy chế tập trung vào các nội dung như: Khái niệm phản biện xã hội; các chủ thể trong hoạt động phản biện xã hội; hình thức phản biện xã hội đến ủy viên Uỷ ban MTTQ quận, thành viên hai Ban Tư vấn của MTTQ quận, Thường trực MTTQ phường. Đồng thời, rà soát trên địa bàn phường những người có kinh nghiệm, kiến thức về kinh tế, tài chính, giáo dục và đào tạo, y tế, chính sách xã hội và am hiểu tình hình thực tế của quận để khi cần sẽ liên lạc, đặt vấn đề tham gia hoạt động phản biện xã hội của MTTQ quận. Đây chính là khâu chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm, trách nhiệm, tâm huyết chuẩn bị sẵn sàng tham gia phản biện xã hội. 
Ông Đinh Hạnh, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa Uỷ ban MTTQ TP lại cho rằng: Một số quận, huyện bước đầu đã làm tốt. Việc xác định vấn đề phản biện xã hội là cần thiết, vấn đề mang tính khách quan, mang bản chất của Nhà nước ta là của dân, do dân, vì dân. Mặc dù TP Hà Nội là địa phương làm điểm của cả nước về phản biện xã hội nhưng còn nhiều vấn đề người dân bức xúc thì chưa làm được. Cái chưa làm được này xuất phát từ ngay trong chính nội dung, phương pháp, đối tượng thực hiện…
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự, thay mặt Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Điệp hoan nghênh, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự. Uỷ ban MTTQ TP cũng đã xác định đây là một việc làm khó nên buổi tọa đàm đã tập trung vào việc trao đổi phương thức, cách thức triển khai phản biện như thế nào để phù hợp và có kết quả. Ngoài ra Ban Thường trực MTTP còn muốn lắng nghe ý kiến của những quận, huyện, thị xã chưa tổ chức được hội nghị phản biện xã hội để tìm ra nguyên nhân, hướng giải quyết phù hợp./.

N. Phượng
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020