Ủy ban MTTQ TP tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

24/03/2015 - 03:41 PM

Thực hiện Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25/12/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Căn cứ kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 12/01/2015 của UBND TP Hà Nội “Về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trên địa bàn TP”, sáng  ngày 19/3/2015, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Dân chủ và Pháp luật Ủy ban TW MTTQ Việt Nam; Ban Dân vận Thành ủy; Ban Pháp chế HĐND TP; Sở Tư pháp; các tổ chức thành viên; Hội Luật gia; Đoàn Luật sư; các nhà khoa học, chuyên gia luật; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP và lãnh đạo Ủy ban MTTQ 30 quận, huyện, thị xã. Đồng chí Bùi Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP chủ trì hội nghị.

Đ/c Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP chủ trì hội nghị

Hội nghị nhằm thu thập các ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý để hoàn thiện báo cáo về việc lấy ý kiến đóng góp với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với mục tiêu xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự là một luật lớn, luật gốc,  tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và nhân dân, có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế của đất nước.

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự lần này sẽ ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bao gồm 6 phần, 26 chương, 712 điều, trong đó có nhiều nội dung mới như: Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, áp dụng pháp luật dân sự, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, thời hiệu, thời điểm xác lập quyền sở hữu, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự…

           Tại hội nghị, phần lớn đại biểu đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật nêu trên; đồng thời tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào 10 nội dung trọng tâm về: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự;  hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; hình thức sở hữu; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu. 

Những vấn đề có ý kiến khác nhau đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) như: Phạm vi điều chỉnh và bố cục dự thảo Bộ luật Dân sự, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, trách nhiệm của tòa án và cơ quan có thẩm quyền khác trong việc bảo vệ quyền dân sự; việc sử dụng một số thuật ngữ trong dự thảo Bộ luật Dân sự… cũng được các đại biểu phân tích và đóng góp ý kiến tại hội nghị. Một số đại biểu đề nghị bổ sung, giải thích từ ngữ, việc sử dụng các thuật ngữ còn chưa rõ nghĩa…

Kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ Ban MTTQ TP cảm ơn các đại biểu khách mời đã đến dự và ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu. Tất cả các ý kiến tham gia góp ý sẽ được Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP tổng hợp gửi về đến cơ quan chức năng xem xét, bổ sung nhằm hoàn thiện Bộ luật Dân sự theo hướng sát với tình hình thực tế, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân./.

Nguyễn Thị Thanh Vân - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020