Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Quận Cầu Giấy tổ chức Hội nghị góp ý vào Dự thảo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở.

07/03/2022 - 06:47 PM
Từ ngày 11 đến ngày 28/02/2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quận Cầu Giấy đã tổ chức Hội nghị góp ý vào Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đã có 8/8 phường (215/215 ban CTMT địa bàn, 8/8 Ban thanh tra nhân dân) tổ chức, các tổ chức thành viên MTTQ quận, hai Ban tư vấn DC-PL và Ban VH-XH của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận. Trong thời gian thực hiện, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các Ban CTMT đã lồng ghép với việc tổ chức Hội nghị đại biểu Nhân dân năm 2022; việc triển khai thực hiện nghiêm túc đảm bảo các nội dung đề ra, đã có 1.165 ý kiến tham gia đóng góp.
Hội nghị tại Tổ dân phố 27 phường Nghĩa Đô

Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được áp dụng đối với công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đơn vị hành chính cấp xã; cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương; người lao động, tổ chức đại diện người lao động, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động;

Các đại biểu tham gia Hội nghị đã có ý kiến tham gia đóng góp đều thống nhất cho rằng việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là thật sự cần thiết nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp quy định; đồng thời, giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các đại biểu cho rằng trên cơ sở tập hợp và kế thừa từ Pháp lệnh 34 và 2 Nghị định 04 và 145, nên dự thảo Luật cần thể hiện rõ các quy định bảo đảm thực hiện dân chủ một cách thực chất để phát huy sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị nói chung; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng với tư cách là trung tâm của khối đại đoàn kết theo tinh thần đại hội XIII của Đảng "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt để Nhân dân làm chủ". Đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa trách nhiệm của từng chủ thể trong việc tổ chức và bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm đảm bảo tính hiệu lực, khả thi của dự án Luật, tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát quá trình thi hành Luật, khắc phục dân chủ hình thức trong tổ chức thực hiện. Bởi vì sau khi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được thông qua và triển khai thực hiện, thì Mặt trận có trách nhiệm rất quan trọng: vận động nhân dân thực hiện dân chủ, chỉ đạo hoạt động của hai Ban Thanh tra Nhân dân và Giám sát đầu tư của cộng đồng, tiếp nhận, tổng hợp ý kiến phản ảnh của nhân dân về thực hiện dân chủ để chuyển đến cấp có thẩm quyền; và đặc biệt là thực hiện chức năng giám sát xã hội trong việc thực hiện chính sách pháp luật về dân chủ ở cơ sở.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã đóng góp, tham gia ý kiến về những điều khoản cụ thể trong Dự thảo Luật, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận đã tổng hợp ý kiến tham gia góp ý tại Hội nghị để chuyển đến Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội./.
Ủy ban MTTQ Việt Nam quận
 

 
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020