Sáng ngày 18/02/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của MTTQ quận, huyện, thị xã và các tổ chức thành viên đối với dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm trong những năm qua, điều này được thể hiện thông qua Hiến Pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng các nhiệm kỳ, các Chỉ thị, Nghị quyết,kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ. Việc kết hợp các nội dung liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở để tổng hợp chung, giảm bớt các văn bản dưới Luật, giải quyết được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, quy định thống nhất là một trong những mong muốn của các cấp, các ngành và Nhân dân.
Đ/c Phan Văn Dưỡng – Trưởng ban chính sách pháp luật Liên đoàn lao động Thành phố phát biểu.
Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 07 chương, 59 điều, trong đó tập trung vào 06 điểm mới như: Quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ công dân, cán bộ, công chức, người lao động trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; bổ sung, đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin; quy định quyền của Nhân dân được đề xuất,đưa ra các nội dung để Nhân dân bàn; Nghị quyết của cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố; quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng; quy định trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận hội nghị Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu. Các ý kiến đã phản ánh một cách toàn diện và đề cập sâu sắc đến các nội dung cụ thể trong dự thảo Luật; đặc biệt là sự cần thiết trong việc ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở để khắc phục các tồn tại, hạn chế của pháp luật, tạo ra quy định thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và cũng mong muốn cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo trong kết cấu, văn phong của Luật đảm bảo khoa học; tránh lẫn lộn giữa Luật và hướng dẫn; làm rõ các khái niệm đã đề cập trong dự thảo Luật; làm rõ vai trò, trách nhiệm, điều kiện thực hiện của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội xã hội nghề nghiệp, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; bổ sung chương, điều khoản cụ thể quy định về quyền giám sát, quyền thụ hưởng của Nhân dân; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong vấn đề thông tin, thảo luận, tiếp thu các ý kiến góp ý của Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; việc thực hiện cơ chế đối thoại định kỳ ở cơ sở; thể chế hóa nội dung dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân thụ hưởng trong thực tiễn và sớm đưa Luật thực hiện dân chủ cơ sở khi ban hành đi vào cuộc sống nhanh, hiệu quả, dễ thực hiện.
Nguyễn Ngọc Thành