Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của Thành phố Hà Nội

23/11/2021 - 07:10 AM
Sáng 22/11, đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và đồng chí Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của Thành phố Hà Nội. Tham dự hội nghị có Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Thành phố Hoàng Thành Thái; Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố; các nhà khoa học, chuyên gia, các thành viên Hội đồng tư vấn của Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố; đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã.
Tại hội nghị Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Thành phố Hoàng Thành Thái cho biết: dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù của Thành phố Hà Nội hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ sau khi thoát nghèo, thoát cận nghèo để phù hợp với quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 và chuẩn trợ giúp xã hội của Thành phố. Theo đó, áp dụng đối với 3 đối tượng: Thứ nhất, trẻ em dưới 13 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng và người mắc bệnh hiểm nghèo. Thứ hai, người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân. Thứ ba, thành viên hộ nghèo sau khi được công nhận thoát nghèo, thành viên hộ cận nghèo sau khi được công nhận thoát nghèo.
Về chính sách, sẽ có các hình thức: Hỗ trợ hàng tháng; hỗ trợ về y tế và hỗ trợ về giáo dục. So với các quy định trước, Dự thảo Nghị quyết mới bổ sung đối tượng “trẻ dưới 13 tuổi” và sửa đổi điều kiện hưởng từ “hộ nghèo, hộ cận nghèo” thành “hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo”, theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 8.940 người được hưởng, tăng 420 người so với hiện tại.
Sửa điều kiện hưởng từ “người thuộc hộ nghèo là người già yếu không có khả năng tự phục vụ” thành “người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ”, theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 799 người thụ hưởng, không thay đổi so với hiện tại.
Đồng thời, bổ sung đối tượng “thành viên hộ cận nghèo, thoát cận nghèo”, theo đó, dự kiến số người hưởng chính sách năm 2022 khoảng 23.124 người, tăng khoảng 12.620 người so với hiện tại, trong đó, có khoảng 6.000 người là đối tượng mới đề xuất và 6.620 người tăng so do điều chỉnh chuẩn nghèo.
Dự kiến, kinh phí thực hiện 1 năm (kể từ 2022) dự kiến 378 tỷ đồng, tăng 220 tỷ đồng so với hiện tại. Kinh phí từ ngân sách quận, huyện, thị xã đảm bảo theo phân cấp.
Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị
 
Tại hội nghị đã có 11 ý kiến phát biểu tập trung vào các vấn đề như: Nâng mức tuổi được hưởng chính sách đối với trẻ em từ dưới 15 tuổi thay vì dưới 13 tuổi; làm rõ các đối tượng ung thư, suy tim, bệnh hiểm nghèo khác để thống nhất trong hỗ trợ; tăng mức hỗ trợ đối với nhóm đối tượng thứ 2 và có mức hỗ trợ BHYT đặc biệt đối với các đối tượng mắc bệnh đặc biệt; đối với chính sách hỗ trợ giáo dục, cần nghiên cứu có mức hỗ trợ riêng với những đối tượng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, kiến nghị có chính sách với những người cao tuổi ngoại tỉnh cư trú trên địa bàn; miễn giảm trợ giá điện nước, môi trường cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; việc xây dựng Nghị quyết cần có những tiêu chí rõ ràng hơn và cần minh bạch, công khai trong lộ trình thực hiện, tiêu chuẩn đánh giá và tăng cường giám sát từ cơ sở để tránh tiêu cực; hỗ trợ di chứng về bệnh sau khi mắc Covid-19; bổ sung hỗ trợ mai táng đối với người không có người thân thích, rõ thời gian thực hiện và mang tính dài hơi để đảm bảo tuổi thọ của chính sách…
Thay mặt đơn vị biên soạn đề tài, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hoàng Thành Thái cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu và khẳng định nếu không làm kịp thời và không đưa ra các chính sách phù hợp sẽ khiến nhiều đối tượng gặp khó nhăn, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng chí cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để nghiên cứu, chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình HĐND Thành phố.
 
Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu kết luận tại hội nghị
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố khẳng định những chính sách đặc thù của Thành phố thời gian qua đã thể hiện được tính nhân văn và phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố, đồng thời cảm ơn các đại biểu đã có các ý kiến rất sâu sắc, có ý nghĩa. Đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các luật điều chỉnh liên quan đến dự thảo Nghị quyết, không bỏ sót nội dung, không làm khó cơ sở để ai cũng có thể hiểu và tiếp cận được. Ngoài ra, tiến hành rà soát, đánh giá, phân tích, tổng hợp số liệu về hộ nghèo chính sách một cách chính xác đúng đối tượng, đảm bảo an sinh của Thành phố; tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu để tổng hợp, bổ sung trình HĐND Thành phố tại kỳ họp tới.
Nguyên Ngọc Thành
 
 
 

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020