Sáng
ngày 24/8, đoàn giám sát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TP Hà Nội do
đồng chí Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP làm Trưởng đoàn
đã làm việc với UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì về việc tuyên
truyền, vận động và giám sát đảm bảo ATTP năm 2017. Tham dự có các đồng chí: Vũ
Văn Nhàn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Huy Chương - UVTV,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; các thành viên đoàn giám sát của TP; đại
diện các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện Thanh Trì.
Đ/c Nguyễn
Đình Đức – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP
phát biểu tại buổi làm việc
Thanh Trì là huyện ven đô, có tốc
độ đô thị hóa nhanh. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 6349,1ha; trong
đó đất nông nghiệp là 3256,5ha gồm 1642,9ha lúa, 779,8ha thủy sản, 636,8ha rau
màu và 104,8ha cây ăn quả. Huyện có 3 làng nghề sản xuất thực phẩm. Hệ thống
chợ được đầu tư đồng bộ gồm 28 chợ đang hoạt động, có tổng số 15.155 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Một số xã được TP quy hoạch vào vùng
sản xuất rau an toàn cung cấp cho thị trường địa phương và các vùng lân
cận với diện tích 147,5 ha; trong đó, diện tích sản xuất
theo tiêu chuẩn VietGAP là 32 ha. Huyện đã triển khai thực hiện thí điểm
mô hình trồng rau hữu cơ 1,15ha tại xã Duyên Hà, rau thủy canh với diện tích
2.300m2 tại xã Yên Mỹ. Duy trì và mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản với quy mô
235 ha tập trung tại các xã: Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Đại Áng, Tả Thanh Oai… Cơ sở giết mổ
lợn tập trung tại xã Vạn Phúc hoạt động ổn định với công suất giết mổ bình quân
1.800 con/ngày đêm.
Ngày
06/9/2016, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và UBND huyện đã ký kết kế hoạch số 200
về phối hợp tuyên
truyền, vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 – 2020. Năm 2016 và 8
tháng đầu năm 2017, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện đã ban hành 63 văn bản, kế
hoạch, quyết định có liên quan đến công tác VSATTP. Hàng năm, MTTQ đưa công tác
VSATTP vào nội dung Hội nghị đại biểu nhân dân bàn xây dựng đời sống văn hóa ở
cơ sở, gắn với tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố
văn hóa.
UBND,
Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các ngành, đoàn thể huyện đã làm tốt công tác tuyên
truyền về VSATTP như: Tổ chức trên 40 hội nghị tuyên truyền về VSATTP cho hơn 4
nghìn lượt người nghe; phát 5.500 tờ rơi phòng chống ngộ độc rượu, ký cam kết tới 985 hộ gia đình
không kinh doanh, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu không nhãn mác, không
kinh doanh rượu khi không có giấy phép kinh doanh. Huyện cũng biên soạn 16 bài
tuyên truyền phòng chống ngộ độc rượu, tổ chức diễn đàn
khuyến nông với chủ đề “ Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh
trong chăn nuôi góp phần đảm bảo VSATTP”, 03 lớp huấn luyện nông dân theo
chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, 04 lớp tập huấn về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm,
ATTP cho gần 400 người chăn nuôi, 05 lớp tập huấn về trồng lúa theo phương pháp
cải tiến cho gần 500 người cấy lúa, 04 lớp tập huấn về sản xuất rau theo tiêu
chuẩn VietGAP cho gần 200 người, tập huấn kiến thức ATTP cho 954
người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các làng nghề. Toàn
huyện có 5.708 cơ sở ký cam kết theo quy định tại Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày
27/12/2014 của Bộ NN-PTNT đạt tỷ lệ 58%; hướng dẫn cho 352 hộ tiểu thương
trong các chợ hoàn thiện hồ sơ ký cam kết ATTP và hoàn thành trong tháng
9/2017…
Bên
cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cấp phép cho các hộ gia đình
sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng được UBND huyện quan tâm. Từ đầu năm 2016
đến nay, toàn huyện đã tập huấn kiến thức ATTP, làm thủ tục cấp phép đủ điều
kiện VSATTP cho 21 cơ sở kinh doanh ăn uống, 45 bếp ăn tập thể, đưa tổng số cơ
sở thực phẩm được cấp giấy chứng nhận, bản cam kết đủ điều kiện ATTP do ngành y
tế quản lý theo phân cấp đạt 1241/1527 (81,3%) . Năm 2016 đã kiểm tra, giám sát, xét nghiệm, xử phạt hành
chính : 5076 lượt,
phát hiện 721 lượt cơ
sở vi phạm ATTP, xử
phạt hành chính: 142.400.000 đồng, trị giá hàng tiêu hủy trên 7 triệu đồng. 8
tháng đầu năm 2017 kiểm tra 2.920 lượt cơ sở, đạt 2.488/2.920
(85,2%), vi phạm: 91 cơ sở, xử phạt hành chính: 172.050.000 đồng, tiêu hủy sản
phẩm trị giá 27.901.000 đồng. Qua các năm, công tác ATTP được triển khai đồng
bộ, chặt chẽ từ huyện tới xã, thị trấn trên địa bàn huyện không có vụ ngộ độc
nào xảy ra.
Để thực hiện tốt việc thực hiện
chính sách pháp luật về ATTP, huyện
Thanh Trì kiến nghị TP triển khai mô hình thanh tra VSATTP trên địa bàn huyện
theo Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 02/12/2015
của UBND TP Hà Nội về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành
ATTP tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của TP Hà Nội, bố trí cán
bộ chuyên trách về công tác công thương, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp
và ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn cấp xã, thị trấn, tổ chức tập huấn,
hướng dẫn cụ thể về phân cấp quản lý ATTP ba lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công
thương tại tuyến huyện và xã, thị trấn.
Phát
biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Đình Đức -Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt
Nam TP ghi nhận, đánh giá cao việc thực hiện của Ban Chỉ đạo (BCĐ) huyện Thanh
Trì đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các quyết định, kế hoạch, công văn liên
quan đến công tác đảm bảo VSATTP. Các thành viên BCĐ đã thực hiện tốt chức năng
của mình, quan tâm thực hiện tốt trong công tác phối hợp, công tác thanh kiểm
tra được thực hiện thường xuyên, việc thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều
kiện VSATTP đạt tỷ lệ cao. Đồng chí đề nghị trong thời gian tiếp theo, các cấp
ủy huyện Thanh Trì cần ban hành văn bản đạo về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về
công tác VSATTP. MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận đẩy mạnh hơn
nữa công tác tuyên truyền, vận động đến người dân để nâng
cao nhận thức về ATTP. Từ đó có hành vi đúng đắn trong sản
xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn. Đồng thời, tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra giám sát đến cùng, quan tâm nâng cao trình độ
chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở cấp xã trong công tác kiểm tra và xử
lý các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm./.
Nguyễn Thị Thắm