Chiều 26/5/2016, tại cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã diễn ra hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch liên tịch tuyên truyền, vận động và giám sát thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020 giữa UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Đức – Phó
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh mục đích của kế
hoạch liên tịch nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách
nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực
phẩm và cộng đồng dân cư trên địa bàn Thành phố, tạo chuyển biến căn bản trong
sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn
hóa: Nhân dân Thủ đô là người sản xuất thực phẩm an toàn, tiêu dùng thực phẩm
an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân,
nâng cao uy tín trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo dư luận xã hội
mạnh mẽ biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế
biển, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời, kiên quyết phê phán và xử lý
theo quy định của pháp luật những hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực
phẩm không an toàn.; điều chỉnh, hoàn thiện công tác quản lý an toàn thực phẩm
của TP và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật
nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ
đô; Phát huy vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội,
đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý
nhà nước về thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, góp
phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược quốc gia đảm bảo an toàn
thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020.
Đồng chí Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
Đã có 13 ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành,
MTTQ và đoàn thể vào dự thảo kế hoạch liên tịch. Các ý kiến đưa ra đều nhằm
nâng cao công tác tuyên truyền, vận động đến từng cá nhân, hộ gia đình gắn với
xây dựng và nhân rộng những mô hình hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh
để biểu dương và tạo sự lan tỏa trong xã hội, đồng thời nêu cao sự phối hợp
giữa các ngành để thực hiện tốt kế hoạch liên tịch bảo đảm an toàn thực phẩm
cho nhân dân Thủ đô.
Đồng chí Bùi Thị Bích Hằng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP đóng góp ý kiến vào dự thảo
Hội nghị đã nhất trí mục tiêu phấn đấu năm
2017, 100% khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận
động và kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, 50% số hộ sản xuất nông
nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất kinh doanh
thực phẩm an toàn. Tất các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn
được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm; năm 2019,
70% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký cam kết
và ít nhất 50% số hộ được công nhận sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; 100%
số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công
nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; năm 2020, 90% số hộ sản xuất
nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và trên 70% số hộ
được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã,
doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản
xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Dự kiến trong năm 2016-2017, TP chọn huyện
Thanh Trì, quận Nam Từ Liêm làm điểm để nhân rộng trên toàn địa bàn TP.
Kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Đức –
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và đề nghị bộ phận
soạn thảo kế hoạch tiếp tục chỉnh sửa bản dự thảo kế hoạch liên tịch, nâng cao
và phát huy sự đóng góp tích cực của toàn hệ thống chính trị, bảo đảm an toàn
thực phẩm cho nhân dân thủ đô
Hà Phương