Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Chiến thắng vĩ đại từ tinh thần đại đoàn kết (báo Đại Đoàn Kết) 27/04/2015)

27/04/2015 - 08:10 AM
Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết để làm rõ thêm ý nghĩa của sự kiện lịch sử trọng đại này cũng như khẳng định nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay là phải huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vươn lên, làm cho đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.



Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
Ảnh: Hoàng Long 

Như một giấc mơ 

PV: Thưa Chủ tịch, 40 năm đã qua kể từ ngày chiến thắng lịch sử 30-4-1975, hẳn Chủ tịch chưa quên cảm xúc của mình về ngày ấy?

Chúng ta chiến thắng vì đã kiên cường sức mạnh nội tại và tận dụng được sức mạnh thời đại. Đó chính là những bài học lịch sử của chiến thắng 30-4.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân:Cảm xúc về ngày 30-4-1975 chắc chắn là cảm xúc riêng của những người cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể. Đối với tôi đó là một ngày hết sức đặc biệt, như một giấc mơ bởi vì tôi sinh ra ở miền Nam, năm 1954 tập kết ra Bắc và đến năm 1964, ba má lại trở vào miền Nam để chiến đấu, thành ra xa cách, biệt tin. Từ năm 1964, mong mỏi trong tôi là được biết tin ba má mình còn sống hay không. Và cũng không nghĩ rằng đời mình sẽ đánh giặc xong, mà vẫn nghĩ chắc đời con mình sẽ tiếp nối cuộc chiến này. Vì vậy, khi nghe tin chiến thắng, chúng tôi như òa khóc, phần vì hiểu rằng mình chắc không phải đánh giặc nữa, phần vì mong sớm nhận được tin của ba má.  Lúc đó, tôi cũng muốn nhanh được về miền Nam để biết mặt ông bà vì tôi đi tập kết từ năm 1 tuổi.  Xa cách đến nỗi, quê ở miền Nam nhưng đến lúc đó cũng không có khái niệm là quê miền Nam mà nghĩ mình quê miền Bắc, bởi được đồng bào miền Bắc nuôi nấng, trưởng thành. Cho nên, ngày 30-4-1975 đối với tôi là ngày ngoài cả mong đợi. "Ngày đi như trong đêm mơ”, "Vui sao nước mắt lại trào”, đó chính là cảm xúc của tôi. Và trong giây phút thiêng liêng đó, ai cũng nghĩ đến Bác Hồ, thương Bác vô cùng vì Bác đã không chứng kiến được ngày chiến thắng ấy.

Đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc giải phóng 

Thưa Chủ tịch, trong cao trào đồng khởi của đồng bào miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20-12-1960) nhằm đoàn kết toàn dân đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ nguỵ quyền, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Chủ tịch đánh giá thế nào về những đóng góp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong chiến thắng 30-4-1975, đặc biệt là giai đoạn 1954-1975?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, lúc đó tôi còn rất nhỏ nên không hiểu gì nhưng qua tìm hiểu lịch sử thì biết rằng Hiệp định Giơnevơ ký có quy định đến tháng 7-1956 sẽ tổng tuyển cử nên khi gia đình tôi tập kết ra Bắc, đồng bào giơ lên hai ngón tay để tin chắc hai năm sau sẽ quay về. Nhưng tổng tuyển cử đã không xảy ra.

Đối với đồng bào cán bộ miền Nam không ít có phần lúng túng. Trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy, Diệm thực hành để ngăn chặn không cho bầu cử. Vậy làm thế nào để thống nhất? Có thống nhất được không? Đấy là câu hỏi rất lớn.

Một tháng sau khi hết thời hạn Hiệp định Giơnevơ tháng 8-1956, đồng chí Lê Duẩn được Đảng phân công trở lại miền Nam có viết Đề cương cách mạng Miền Nam xác định con đường cách mạng miền Nam là đấu tranh hòa bình nhưng phải tiến tới thống nhất đất nước, giành lại độc lập dân tộc đánh đuổi xâm lược của Mỹ và lật đổ chế độ của Ngô Đình Diệm. 

Một con đường căn bản là phải phát triển một Mặt trận Dân tộc thống nhất. Trong đó yêu cầu phải xây dựng khối liên minh công nông khơi dậy lòng yêu nước của các tầng lớp tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, trí thức lôi cuốn họ tham gia phong trào dân tộc dân chủ bồi dưỡng nâng cao ý thức chính trị, phát triển phong trào đấu tranh của các tầng lớp công thương, tăng cường đoàn kết với tôn giáo đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo. Đi sâu vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chính sách đoàn kết các dân tộc anh em trong Mặt trận dân tộc thống nhất phát huy năng lực to lớn của thanh niên và phụ nữ.

Xem lại những điều đồng chí Lê Duẩn viết cách đây nửa thế kỷ vẫn hết sức thời sự. Nhưng đó là tư tưởng từ một người lãnh đạo của Đảng còn việc hiện thực hoá thì phải có một tổ chức – Một tổ chức làm nhiệm vụ liên minh công nông, tập hợp hết các giới, khơi dậy phong trào của các tầng lớp ở đô thị, nông thôn chỉ có thể là Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Đây chính là hiện thực hóa đường lối cách mạng của Đảng. 

Vai trò đầu tiên là biến một đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực thông qua việc tập hợp lực lượng nhân dân tất cả các vùng miền. Chính nhờ việc tập hợp này từ ngày 20-12-1960 - chỉ sau một năm phong trào đấu tranh chính trị phát triển, nhân dân có sáng kiến đấu tranh chính trị kết hợp với binh vận, từ đó vũ trang cục bộ và tạo ra phong trào đồng khởi. Chính quần chúng đã chứng minh rằng từ lực lượng chính trị đấu tranh, binh vận có thể hình thành lực lượng vũ trang nhỏ để có thể đánh địch và chiếm lại từng phần đất, dần dần hình thành một lực lượng kết hợp chính trị, binh vận vũ trang. Đến cuối năm 1964 đã cơ bản phá tan được chiến lược ấp chiến lược của Mỹ ngụy. Bằng phong trào đồng khởi đã phá tan được sự cô lập của địch để từ đó cách mạng chuyển sang một giai đoạn khác buộc Mỹ phải nhảy vào nhiều hơn để tiến hành chiến tranh đặc biệt.

Khi có Mặt trận Dân tộc thống nhất, cuộc đấu tranh tạo ra một tình thế mới là vùng giải phóng từ năm 1965. Như vậy, sau 5 năm có Mặt trận Dân tộc giải phóng, với sự kết hợp đấu tranh ở miền Nam và chi viện của miền Bắc từ chỗ đấu tranh trong lòng địch chúng ta có vùng riêng của mình. Mặt trận làm nhiệm vụ quản lý chính quyền ở vùng giải phóng.

Và sau cuộc tổng tiến công năm 1968 chúng ta làm thay đổi tình thế, Mỹ buộc phải đàm phán để rút quân. Nhưng đàm phán với ai ?

Đây là điều đặc biệt của chúng ta. Chúng ta yêu cầu phải có Mặt trận Dân tộc giải phóng thì mới đàm phán. Sau đó tại phiên đàm phán đầu tiên tại Paris (1968), Mặt trận Dân tộc giải phóng đã thể hiện như một chính quyền nhân dân ở địa bàn. Đây là dấu mốc rất quan trọng tạo ngọn cờ cho người nước ngoài, đặc biệt là người dân miền Nam thấy rằng mình có đại diện rồi. 

Sau đó chúng ta tiếp tục phát động đấu tranh chính trị, binh vận vũ trang cùng với lực lượng chủ lực miền Bắc vào để tạo nên chiến thắng 30-4-1975.

Chính vì vậy, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là kết quả của một đường lối cách mạng đúng đắn nhưng trong đó sáng kiến của nhân dân là rất quan trọng, phát triển từng bước qua Mặt trận đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ba bài học đáng nhớ 

PV: Chủ tịch đánh giá thế nào về ý nghĩa của chiến thắng 30-4 trong bối cảnh hiện nay? 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta ai cũng đều thấy rằng, tồn tại trong chiến tranh không phải là quy luật của loài người. Mà quy luật chung là tồn tại trong hòa bình. 

Đất nước ta đã trải dài qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với bao đau thương, mất mát. Đến 30-4-1975 chúng ta chiến thắng. Đó là cuộc chiến thắng của ai với ai? Đó chính là chiến thắng của những người chân đất trước một đế quốc mạnh bậc nhất thế giới. Chúng ta đã chiến thắng vì kết hợp được truyền thống đánh giặc của dân tộc, trí tuệ của Đảng và Bác Hồ nên cách mạng ta có sức mạnh vượt bậc. Bài học đầu tiên tôi thấy là một nước có thể yếu kém về vật chất nhưng không được để lạc hậu về trí tuệ. Bài học thứ hai là tại sao chân đất lại có thể thắng được giặc chân giày? Tại sao gậy tầm vông lại chiến thắng được đại bác, máy bay? Đó là nhờ đại đoàn kết. Tuy nghèo khó nhưng khi đại đoàn kết sẽ thành sức mạnh lớn hơn rất nhiều. Bài học thứ ba là nếu chúng ta chỉ bằng sức lực của riêng mình thì không thể thắng được. Chúng ta đã có sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Nếu một dân tộc có một đường lối đúng, có con đường chính nghĩa và tận dụng sức mạnh thời đại thì có thể chiến thắng mọi kẻ thù. Chúng ta chiến thắng vì đã kiên cường sức mạnh nội tại và  tận dụng được sức mạnh thời đại. Đó chính là những bài học lịch sử của chiến thắng 30-4.

Vậy bài học đó phát huy trong bối cảnh hiện nay là gì? Thứ nhất, nếu trong chiến tranh, thế giới giúp chúng ta giành lại độc lập, hòa bình thì ngày nay là khả năng đồng thuận với các quốc gia. Mỗi quốc gia đều phải lo lợi ích của chính mình, lo độc lập, chủ quyền, lo hạnh phúc của người dân nhưng không được xâm phạm lợi ích, quyền lợi của người khác. Như vậy chúng ta có thể kết hợp được với nhau về mặt chính trị, tư tưởng. Thứ hai, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta phải biết tận dụng thời cơ của toàn cầu hóa về thị trường, công nghệ, vốn, nhân lực cũng như gắn kết khu vực. Đây là thời cơ rất đặc biệt, mở ra cơ hội cho một nước dù xuất phát có thể thấp hơn nhiều nước khác thì vẫn có thể vươn lên nhanh chóng. Thứ ba là đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay cả bây giờ, dù GDP đầu người đã hơn 2.000USD thì bài học này vẫn hết sức quan trọng, cần phát huy trong điều kiện hiện nay. 



Sài Gòn ngày giải phóng 30-4-1975
Ảnh tư liệu

Tổ quốc luôn sẵn sàng đón những người con đi xa trở về

PV : Thưa Chủ tịch, kể từ ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, 40 năm đã trôi qua, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc đã được thực hiện như một sự thúc giục của lương tâm. Nhưng không phải là không còn những tiếng nói định kiến. Vậy Mặt trận sẽ làm gì để góp phần xóa bỏ những định kiến đó, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc?

Chúng tôi mong tất cả bà con ta ở nước ngoài, nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì bây giờ hãy về. Tổ quốc, đất mẹ luôn luôn sẵn sàng đón những người con đi xa trở về. Rất nhiều người khi trở về, thấu hiểu thực tiễn thì không cần nói gì nhiều, họ đều cố gắng làm gì đó cho quê hương. Hãy xây thêm một viên gạch, hãy trồng thêm một cây xanh, góp thêm một sáng kiến để cho đất nước chúng ta ngày càng mạnh thêm.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân:Một đất nước có chiến tranh, chia thành hai phe là điều không ai mong muốn. Điều đó gây khổ đau rất nhiều. Nhưng đó là thực tế lịch sử. Từ năm 1946, Bác Hồ đã nói một điều vô cùng ý nghĩa khi chúng ta vừa giành chính quyền từ cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8. Bác nói "Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tinh thần nhân ái mà cảm hóa họ, có như thế mới thành đoàn kết. Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang”.

Tôi nghĩ rằng, cách nhìn của Bác, lời dạy của Bác từ đó đến nay đã thấm trong lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ cũng như nhân dân cả nước. Cho dù có lúc đứng đối diện với nhau, cho dù có những khi đã chĩa súng vào nhau, dù mỗi bên đều đã  mất mát người thân của mình nhưng nhớ lại lời dạy của Bác, chúng ta đều một gốc cả, đều là con cháu vua Hùng, đều có lòng yêu nước. Bác đã nói "ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”, đó chính là điểm tựa của chúng ta để cùng hướng về quê hương.

Vua Hùng đã có từ 4000 năm trước, nhưng 4.000 năm sau, con cháu Việt Nam vẫn về giỗ Vua Hùng. Điều này càng trở nên cháy bỏng với những đồng bào xa Tổ quốc mà chưa từng một lần về giỗ Tổ Hùng Vương. Quê hương đối với đồng bào ta ở nước ngoài đã thấm vào máu thịt, trong mọi thế hệ. Chúng tôi mong tất cả bà con ta ở nước ngoài, nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì bây giờ hãy về. Tổ quốc, đất mẹ luôn luôn sẵn sàng đón những người con đi xa trở về. Về để nhìn lại làng quê của mình đã thay đổi thế nào, gặp lại họ hàng của mình để thấy họ nay đã phát triển ra sao. Rất nhiều người khi trở về, thấu hiểu thực tiễn, không cần nói gì nhiều, họ đều cố gắng làm điều gì đó cho quê hương. Hãy xây thêm một viên gạch, hãy trồng thêm một cây xanh, góp thêm một sáng kiến để cho đất nước chúng ta ngày càng mạnh thêm.

Chưa bao giờ chúng ta có điều kiện thuận lợi như bây giờ để tạo sự đồng thuận cao nhất với đồng bào ta ở nước ngoài trong việc dựng xây đất nước. Thực tế, mấy chục năm qua đồng bào ta trở về rất nhiều. Chúng ta có hơn 4 triệu kiều bào, mỗi năm  khoảng nửa lượt triệu người đi về. Trong đó có 4.500 dự án  của kiều bào đầu tư về Việt Nam, mỗi năm có từ 10-11 tỷ USD kiều hối  gửi về. Đó là nguồn lực rất lớn, đồng thời là tình cảm, là ý chí của bà con kiều bào. Ở nhiều nước, hội sinh viên con em gốc Việt dù không biết tiếng Việt nhưng họ vẫn luôn tự hào giới thiệu mình là người Việt Nam. Điều đó cho thấy nguồn cội thiêng liêng đến thế nào.

Huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vươn lên

Thưa Chủ tịch, phát huy tinh thần chiến thắng 30-4 trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cần thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng gì?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2014, MTTQ Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8, trong đó xác định 5 chương trình hoạt động. Bên cạnh họat động rất căn bản truyền thống vẫn phải làm tốt hơn đó là vận động để nhân dân hiểu đúng đường lối chính sách của Đảng, có đồng thuận từ đó phát huy sáng kiến để thực hiện, do vậy, trong công tác truyền thông của Mặt trận cần nhấn mạnh việc phản ánh tiếng nói của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp. Phương châm là nói cho nhân dân nghe về đường lối của Đảng, tình hình của đất nước nhưng nghe nhân dân nói và chuyển những tiếng nói nhân dân tới chính quyền các cấp, trong đó có việc quan trọng là lắng nghe tiếng nói của người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhiệm vụ thứ hai là trước thách thức của quốc tế và trong nước muốn tăng tốc sự phát triển bền vững có hiệu quả cao hơn thì phát huy sáng kiến của nhân dân, tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua để người dân phát huy sáng kiến, góp phần xây dựng đất nước, làm cho cuộc sống người dân tốt hơn.

Nhiệm vụ thứ ba là phát huy dân chủ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt trong vai trò giám sát và phản biện xã hội với sự phát triển của đất nước theo yêu cầu của Hiến pháp 2013. Đây là một trách nhiệm thiêng liêng và người nào làm công tác Mặt trận, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, Liên đoàn lao động đều có một vinh dự, sứ mạng là thực hiện trách nhiệm giám sát phản biện như Hiến pháp yêu cầu.

Nhiệm vụ nữa là Mặt trận làm thế nào để xây dựng tổ chức vững mạnh thực sự từ cơ sở nhằm đáp ứng mong mỏi của nhân dân cũng như của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng cần tăng cường tuyên truyền về thành tựu 40 năm qua của đất nước ta.

Tôi vừa dự kỷ niệm 40 năm chiến thắng tại Trà Vinh, có một điều được nhìn thấy rất rõ chưa cần so với năm 1975 mà  chỉ so với năm 1997, khi tái lập tỉnh Trà Vinh thì năm 2014, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã tăng gấp 5 lần, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng. Trước đây ở miền Tây Nam Bộ, muốn gặp ai thì phải qua phà, còn bây giờ khắp nơi đã hiện diện những cây cầu vĩ đại, giấc mơ hàng trăm năm của đồng bào giờ đã thành hiện thực. Ai nghĩ rằng Cà Mau, Bạc Liêu sẽ có điện gió, nhưng giờ 20 quạt gió đã đi vào hoạt động và còn tiếp tục làm nữa. Như vậy, một đất nước ra khỏi chiến tranh thu nhập chỉ 78 USD, sau 40 năm tất cả đã thay đổi. Nhiệm vụ Mặt trận đặt ra lúc này là phải huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vươn lên, làm cho đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Trong ngày kỷ niệm thiêng liêng và đáng nhớ của cả dân tộc, Chủ tịch muốn nhắn nhủ điều gì với người dân Việt Nam trong và ngoài nước?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Nhân ngày 30-4-2015, chúng ta hãy cùng cầu chúc cho linh hồn các liệt sĩ trở về để thấy được sự phát triển của đất nước, thấy sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã được đền đáp. Chúng ta cầu chúc cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã đi xa, tên tuổi của các Mẹ đã được khắc ghi ở khắp nơi trên đất nước này. Cùng với đó hãy chăm sóc thật tốt những Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Và hãy thắp một nén hương cho hơn 300.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy. 

Chúng ta cũng gửi tới bạn bè quốc tế- những người đã góp phần tạo nên chiến thắng 30-4 lời tri ân. Việt Nam luôn ghi nhớ tấm lòng của họ đã hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. 

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Dạ Yến- Vũ Mạnh (theo báo Đại Đoàn Kết)
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020