Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc

28/11/2023 - 12:09 PM

Đoàn kết là một truyền thống quý báu, là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, 20 năm qua, Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Thành phố phối hợp với UBND Thành phố tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có nhiều đóng góp quan trọng tạo nên những thành tựu và kết quả nổi bật của Thủ đô.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 1
Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 2

Năm 2023, lần đầu tiên, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với UBND Thành phố tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo quy mô cấp thành phố. Tối 18/11, Ngày hội đã gây ấn tượng với nhân dân bằng phần trình diễn “Vũ điệu kết đoàn”- Tác phẩm hiệu triệu tình đoàn kết dân tộc do Bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó chủ tịch Thường trực Quốc Hội sáng tác.

Đây là cách làm mới, sáng tạo của thành phố Hà Nội trong việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết tòa dân tộc, thông qua đó củng cố thêm sức mạnh đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 3
“Vũ điệu kết đoàn” tại không gian văn hóa phố đi bộ Trịnh Công Sơn. 

Khi âm nhạc của “Vũ điệu kết đoàn” vang lên tại không gian văn hóa phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ)- nơi diễn ra Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp Thành phố, cảm xúc rộn ràng lan tỏa tới nhiều người. Từ lãnh đạo Trung ương đến Thành phố, từ cán bộ, chiến sĩ đến người dân; từng tốp người với những trang phục riêng, tốp diện áo dài, tốp mặc áo cờ đỏ sao vàng, tốp mặc áo của các đồng bào dân tộc… cùng tạo thành những vòng tròn lớn, nhỏ tham gia “Vũ điệu kết đoàn”. Những vòng tròn đại đoàn kết cứ thế được tạo nên thể hiện cho tinh thần đồng tâm hiệp lực của Đảng và nhân dân.

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, khi Quận vinh dự được Thành phố lựa chọn để tổ chức chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023. Bên cạnh việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, Quận tích cực luyện tập điệu múa “Vũ điệu kết đoàn”. Đây là điệu múa có sự tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân Tây Hồ đông nhất từ trước đến nay. Trong các buổi tập, đồng chí Bí thư Quận ủy cũng như các đồng chí Thường trực Quận ủy thường xuyên trực tiếp đến động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân tập luyện. Việc được tham gia “Vũ điệu kết đoàn” trên “sân nhà” trong sự kiện đặc biệt của Thành phố khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân vô cùng tự hào.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 4
 1.200 diễn viên không chuyên thực hiện “Vũ điệu kết đoàn”

Để chuẩn bị cho “Vũ điệu kết đoàn”, trong nhiều ngày, 1.200 diễn viên không chuyên đến từ 8 phường và khối cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, Đoàn thanh niên quận Tây Hồ đã tích cực tập luyện vũ điệu. Không chỉ đơn thuần thực hiện các động tác múa, 1200 cán bộ và nhân dân Tây Hồ đã tạo thành bốn cánh hoa tượng trưng cho sự may mắn, niềm tin, hy vọng và năm hình tròn tượng trưng cho sự thống nhất, bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 5
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã thông báo số liệu ghi nhận thực tế và công bố quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với màn múa “Vũ điệu kết đoàn” có số người đông nhất từ trước tới nay

Tại Ngày hội, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) Nguyễn Thị Tường Vân thay mặt Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã thông báo số liệu ghi nhận thực tế và công bố quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với màn múa “Vũ điệu kết đoàn” có số người đông nhất từ trước tới nay.

Màn múa “Vũ điệu kết đoàn” không chỉ đơn thuần là một sản phẩm nghệ thuật kết tinh những nét đẹp văn hóa của các dân tộc, mà còn là tình đoàn kết, sự gắn bó giữa các dân tộc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Mỗi dân tộc tượng trưng cho một bức tranh rực rỡ sắc màu, tụ hợp về bên “Vũ điệu kết đoàn” lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới, truyền cảm hứng kết nối đồng bào các dân tộc cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng lòng chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước phát triển cường thịnh.

Chia sẻ về những kỳ vọng sau 20 năm tổ chức ngày Hội đại đoàn kết dân tộc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Sỹ Trường cho hay: "Trước đây ngày hội đại đoàn kết dân tộc của Hà Nội mới tổ chức tại khu dân cư, có nơi nâng lên là cấp xã để tôn vinh việc làm, mô hình của người dân địa phương. Năm 2023 là năm đầu tiên TP Hà Nội tổ chức ngày Hội đại đoàn kết dân tộc cấp Thành phố. Đây là dịp kỷ niệm 93 năm thành lập MTTQ và 20 năm ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Thành phố tổ chức ngày hội này với sự tham gia của các sở, ban ngành và nhân dân, đó là thể hiện tinh thần đoàn kết. Là dịp để Thành phố báo cáo với nhân dân những điểm nổi bật trong thời gian qua, đặc biệt tạo không khí phấn khởi của nhân dân để chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng Đại hội  Đại biểu MTTQ".

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 6

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 7

 

Theo đồng chí Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là giải pháp trọng tâm trong công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở; ngày càng thể hiện rõ hơn trách nhiệm, vai trò liên minh chính trị, từng bước khẳng định vị trí trung tâm, cầu nối mật thiết của tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp với nhân dân.

"Ngày hội cũng chính là phương thức quan trọng trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hóa dân tộc; khơi dậy sức mạnh, ý chí, quyết tâm cống hiến vì đất nước của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tham gia xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn trong thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô và bảo vệ Tổ quốc"- Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 8
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới dự và chung vui trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân liên địa bàn phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ngày hội còn có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết tình làng nghĩa xóm, tối lửa, tắt đèn có nhau có từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam; vừa động viên, khuyến khích mọi người dân tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân, tương ái trong từng cộng đồng khu dân cư; vừa giúp nhau giải quyết khó khăn trong đời sống hàng ngày. Từ nhiều năm nay, Ngày hội đã trở nên thường xuyên, quen thuộc, đi vào nề nếp của người dân trên toàn Thủ đô, bởi nó phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 9

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn những hạn chế trong việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết trong thời gian qua. Chúng ta phải nhìn nhận rõ để khắc phục trong thời gian tới. Đó là việc tổ chức Ngày hội vẫn còn những hạn chế còn tồn tại cần có những giải pháp để khắc phục như: Hướng dẫn, tổ chức triển khai Ngày hội có thời điểm lúng túng, chưa chủ động, thiếu tính sáng tạo. Công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp, thực hiện tại tổ dân phố, khu dân cư có nơi chưa rõ nét. Chất lượng tổ chức Ngày hội chưa đồng đều giữa các địa phương, địa bàn; việc tổ chức Ngày hội một số nơi còn hình thức, nặng về phần lễ, chưa chú trọng đến phần hội.

Cùng với đó năng lực tổ chức, điều hành của Ban Công tác Mặt trận một số nơi còn lúng túng. Việc bình xét công nhận gia đình văn hóa, việc biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu có nơi còn chưa tạo thành động lực để thúc đẩy phong trào. Một số nơi chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia, phần lớn là người cao tuổi.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 10

Nguyên nhân của những hạn chế đó là do công tác tuyên truyền trước, trong và sau Ngày hội một số nơi còn chưa sâu, nội dung, hình thức tuyên truyền thiếu đổi mới nên chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của nhân dân. Công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền vẫn còn một số ít nơi chưa thật sự quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác Mặt trận ở một số nơi còn chưa cụ thể, chưa chủ động tham mưu và tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là việc huy động các ngành, đoàn thể của địa phương trong việc tổ chức Ngày hội.

Ngoài ra, một số nơi nguồn lực đầu tư cho các hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết còn hạn chế, phần lớn kinh phí cho Ban Công tác Mặt trận theo Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính được chính quyền địa phương bố trí cho hoạt động chung của Ban Công tác Mặt trận trong cả năm, chưa tranh thủ thực hiện vận động xã hội hóa ở địa phương nên các hoạt động Ngày hội ở khu dân cư còn đơn điệu, tổ chức phần hội chưa được phong phú.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 11

Từ thực tiễn ở cơ sở qua 20 năm phối hợp với Ủy ban MTTQ xã xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư, UBND xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội), ông Trương Đức Long, Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp rút ra một số bài học kinh nghiệm để phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ nhân dân. Thứ nhất, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phân công nhiệm vụ cụ thể giữa UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị từ xã hội từ xã đến các Thôn, Tổ dân phố trong việc tổ chức "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc".

Thứ hai, việc tổ chức Ngày hội ở khu dân cư phải chú trọng đến phần hội để thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia bằng các hoạt động văn hóa, thể thao, bữa cơm đại đoàn kết …tạo nên sự gắn bó trong cộng đồng.

Thứ ba, vai trò của Trưởng Ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố là rất quan trọng, nơi nào có sự phối hợp chặt chẽ, thì nơi đó tổ chức "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" hiệu quả. Và thứ tư là sức mạnh khối Đại đoàn kết được tăng cường vững chắc chỉ khi các phong trào thi đua, các cuộc vận động phải tạo được sự đồng thuận từ nhân dân. Do đó, việc tổ chức tốt ngày hội góp phần động viên nhân dân gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong, mỹ tục và tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 12
Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc 2023 xã Tứ Hiệp.

Theo ông Long để thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong việc tổ chức "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" cần có giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền và phối hợp của các tổ chức thành viên, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tổ chức Ngày hội. UBND, Ủy ban MTTQ từ xã phải làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng. Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, hướng dẫn các Thôn, Tổ dân phố phối hợp với Ban công tác Mặt trận tổ chức Ngày hội. Phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư và truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư đã tạo khí thế và thành công cho ngày hội.

 

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có vai trò rất quan trọng.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 14
 Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội”; “đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và các hội quần chúng; xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân, mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, phát huy vai trò của nhân dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng các thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô”.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng để thực hiện mục tiêu trên, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố cần triển khai thực hiện tốt 5 nội dung:

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 15
Chú trọng tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng bộ, tạo sự thống nhất trong tư tưởng, hành động của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Chú trọng tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự gắn kết cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

Hai là, đề nghị MTTQ tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu với các cấp Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên nhằm phát huy vai trò, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Từ đó, kịp thời hướng dẫn cho các Ban công tác Mặt trận tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết tại địa phương.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 16

Ba là, phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban công tác Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội sát với tình hình thực tế của cộng đồng dân cư, rút ngắn phần lễ, tăng phần hội bảo đảm vừa trang trọng, trang nghiêm, vừa vui tươi, phấn khởi, gần gũi, gắn bó trong Nhân dân. Gắn kết chặt chẽ việc tổ chức ngày hội với phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là nâng cao chất lượng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; đồng thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 17

Bốn là, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia Ngày hội, là những nhân tố tích cực kết nối, lan toả tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của Nhân dân ở cộng đồng, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động Ngày hội của Nhân dân trên địa bàn dân cư. Tăng cường vận động, tập hợp các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư, con em quê hương đang sinh sống, công tác ở địa phương khác hướng về Ngày hội, huy động các nguồn lực, thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo nguồn lực trong việc tổ chức Ngày hội và các hoạt động ở khu dân cư.

Bài cuối: Giữ sức mạnh nội sinh từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 18

Năm là, tăng cường tập huấn cán bộ các cấp, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức Ngày hội để phổ biến, nhân rộng những cách làm hay những kinh nghiệm tốt để sáng tạo đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tham mưu, tổ chức, phối hợp thực hiện của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc triển khai tổ chức Ngày hội.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tin tưởng MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng và nhân dân ta; truyền thống của Thủ đô văn hiến - anh hùng, tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020