“Ngày Tết” đặc biệt tại những khu dân cư Thủ đô

27/11/2023 - 12:34 PM

Đảng ta luôn xác định, “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong bảo vệ và phát triển đất nước. Loạt bài Xây dựng “sức mạnh mềm” từ công tác mặt trận ở Thủ đô ghi nhận những chính sách đại đoàn kết đã đi vào lòng dân, được nhân dân đồng lòng ủng hộ, tạo nên sức mạnh tập thể thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương, góp phần phát triển đất nước hùng cường.

 


Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành Kế hoạch liên tịch giữa Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố và UBND Thành phố trong triển khai tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc. 
20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Thành phố đã trở thành “ngày Tết” đặc biệt đối với các tầng lớp nhân dân. Qua đó tạo sự đồng thuận xã hội, thắt chặt tình cảm từ sợi dây đoàn kết trong mỗi người dân.

Bài 1: “Ngày Tết” đặc biệt tại những khu dân cư Thủ đô - ảnh 2
Bài 1: “Ngày Tết” đặc biệt tại những khu dân cư Thủ đô - ảnh 3
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp Thành phố lần đầu tiên được tổ chức. 

Thôn Bãi Tháp nằm ở vị trí trung tâm xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) có tổng diện tích đất tự nhiên là 24,66ha. Toàn thôn có 529 hộ với 2.200 nhân khẩu. Thời gian qua, nhân dân trong thôn phát huy tinh thần đoàn kết, phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới. Năm nay, thôn Bãi Tháp được xã Đồng Tháp lựa chọn làm điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết nên từ nhiều ngày qua, sau khi ăn tối xong, các thành viên trong đội văn nghệ của thôn Bãi Tháp lại tập trung tại Nhà văn hóa để tập văn nghệ. Không khí đón ngày Tết đại đoàn kết cứ thế lan tỏa rộn ràng trong thôn từ người già cho đến người trẻ.

Chị Nguyễn Thị Nga (thôn Bãi Tháp) cho biết: "Dù công việc đồng áng bận rộn nhưng ai cũng nhiệt tình tập luyện để mang đến các tiết mục "cây nhà lá vườn" đặc sắc nhất phục vụ bà con. Ngày hội như một ngày Tết đặc biệt, là dịp để chúng tôi thắt chặt thêm tình cảm xóm làng".

Có mặt trong buổi tập để động viên đội văn nghệ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Bãi Tháp Đỗ Xuân Hùng cho biết: "Sau khi nhận được sự chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đồng Tháp, chúng tôi đã họp thôn để triển khai các nhiệm vụ và công tác chuẩn bị cho Ngày hội như treo cờ Tổ quốc, vệ sinh môi trường và tập luyện văn nghệ, thể thao để biểu diễn, giao lưu trong Ngày hội. Đây là hoạt động thường niên hằng năm, gắn kết bà con nên ai cũng rất phấn khởi, tích cực tham gia".

 Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Bãi Tháp, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng diễn ra các hoạt động văn nghệ, tặng quà... tạo thêm niềm phấn khởi, đoàn kết cho người dân. 

Đã thành thông lệ, cứ đến tháng 11 hàng năm là người dân xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội lại rộn ràng công tác chuẩn bị đón Tết đại đoàn kết. Không khí đón ngày Tết đặc biệt này cũng không kém so với Tết Nguyên đán. Năm nay, người dân xã Liên Bạc đón Tết đại đoàn kết vào ngày 15/11.

Ngay từ sáng sớm, nhiều cụ cao niên gần 90 tuổi phấn khởi diện áo mừng thọ màu vàng, màu đỏ, người chống gậy, người đạp xe đến địa điểm tổ chức ngày hội Đại đoàn kết dân tộc để cảm nhận không khí và dự được hết chương trình của ngày Hội. Các chị em phụ nữ, các cháu thanh thiếu niên cũng đang xúng xính khăn áo để biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Với các cụ cao tuổi, tham gia ngày hội không chỉ cảm nhận được không khí vui tươi, mà còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, thành phố và lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ những món quà nặng nghĩa tình. Các cụ cao nên đều chung một mong muốn là sống khỏe mạnh để được nhiều lần tham gia Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc hơn nữa.


Ông Nguyễn Trung Thật, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Liên Bạt cho biết: Với thế mạnh là một xã trung tâm, thuận lợi về giao thông nên trong lĩnh vực buôn bán, thương mại, dịch vụ, lao động sản xuất, ngày càng phát triển nhanh, tạo nguồn thu nhập cao, ổn định đời sống cho nhân dân. Xã có trên 6.054 lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp với mức lương trung bình từ 5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay theo ước tính thu nhập bình quân của xã ước đạt 75 triệu đồng /người/năm...

Trong năm 2023, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã tạo sự chuyển biến toàn diện trong đời sống xã hội. 8/8 thôn đủ điều kiện làm hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND huyện xem xét, công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa” năm 2023. 1792/1867 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt 96% so với tổng số hộ dân); 32 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình tiêu biểu năm 2023.

Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo của Ủy ban MTTQ huyện Ứng Hòa, sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, sự phối hợp của HĐND, UBND và các tổ chức chính trị xã hội các ban ngành đoàn thể từ xã xuống thôn. Tất cả đồng thuận, đoàn kết cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của địa phương.

Bàn giao Nhà đại đoàn kết tại huyện Ứng Hòa

Không khí Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng sôi nổi không kém ở thôn Việt Yên (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai). Năm nay, nhân dân thôn Việt Yên phấn khởi đón Tết đại đoàn kết trong bối cảnh thôn, xã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thôn Việt Yên có 723 hộ gia đình, là nơi vừa có đồng bào không đạo và đồng bào theo đạo Công giáo sinh sống.

Tuy khác nhau về tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng thôn Việt Yên tự hào về truyền thống đoàn kết. Sau khi ôn lại những thành tựu của công tác đoàn kết toàn dân, người dân thôn Việt Yên hòa mình vào không khí lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao.

Bài 1: “Ngày Tết” đặc biệt tại những khu dân cư Thủ đô - ảnh 7
Lãnh đạo MTTQ Việt Nam Thành phố và huyện Quốc Oai tặng xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đông Yên.

Tại quận Long Biên năm nay Ngày hội đại đoàn kết thực sự sôi động bởi được gắn với sự kiện kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập quận (6/11/2003 - 6/11/2023). Không chỉ tổ chức ở các khu dân cư mà nhiều phường còn tổ chức Ngày hội với quy mô cấp phường. Để Ngày hội có không khí vui tươi phấn khởi, an toàn và tiết kiệm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên đã chỉ đạo hệ thống Mặt trận các cấp chủ động phối hợp với các đoàn thể tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Trên tinh thần đó, năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc chung toàn phường Giang Biên đa dạng các hoạt động như: Thi đấu các môn bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, biểu diễn dưỡng sinh, thi nấu ăn bữa cơm đại đoàn kết, thi kéo co, bày gian hàng đẹp, biểu diễn văn hóa, văn nghệ.

Ở Thủ đô, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là dịp ôn lại truyền thống đoàn kết, mà còn là dịp để gắn kết tình cảm cộng đồng tại các tổ dân phố, thôn làng. Đặc biệt, nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp thường gắn tổ chức Ngày hội với các hoạt động cụ thể, như xây dựng các công trình dân sinh, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng có ý nghĩa với cộng đồng, như một ngày Tết đặc biệt đối với mỗi người dân.

Bài 1: “Ngày Tết” đặc biệt tại những khu dân cư Thủ đô - ảnh 8Bài 1: “Ngày Tết” đặc biệt tại những khu dân cư Thủ đô - ảnh 9Bài 1: “Ngày Tết” đặc biệt tại những khu dân cư Thủ đô - ảnh 10
Bài 1: “Ngày Tết” đặc biệt tại những khu dân cư Thủ đô - ảnh 11

Trong 20 năm qua, thành phố Hà Nội đã có 89.485 Ngày hội Đại doàn kết dân tộc được tổ chức tại 78.903 khu dân cư gồm cả phần lễ và phần hội (đạt tỷ lệ 88%), đã có 23.992 Ngày hội ở khu dân cư tổ chức Bữa cơm đại đoàn kết.


Đón Tết đại đoàn kết dân tộc năm nay, người dân khu dân cư Kim Quan (trước đây là thôn Kim Quan, phường Việt Hưng, quận Long Biên) có nhiều niềm vui hơn trước sự đổi thay của cuộc sống ngày một đi lên của nhân dân sau 20 năm thành lập quận. Chung vui với ngày hội đại đoàn kết dân tộc, nhân dân khu dân cư Kim Quan đã trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thể thao. Nổi bật là màn trình diễn áo dài của chị em phụ nữ, các tiết mục dân vũ sôi động, tiết mục đồng diễn dưỡng sinh…Ngày hội kết thúc bằng Bữa cơm đại đoàn kết vui vẻ.

Sáng kiến tổ chức Bữa cơm đại đoàn kết được đông đảo cộng đồng dân cư hưởng ứng bởi nó tạo cơ hội để mọi người cùng giao lưu, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Không chỉ có cụm dân cư Kim Quan, mà toàn bộ 13 tổ dân phố trên địa bàn phường Việt Hưng đều tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó, không thể thiếu Bữa cơm đại đoàn kết.

Chị Phạm Thu Hằng năm nay được tham dự Bữa cơm đoàn kết dân tộc cùng người dân khu Kim Quan xúc động chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Bữa cơm đoàn kết tại địa phương. Thực sự, lúc đầu tôi cũng ngại, định không tham gia, vì mình không biết nhiều người nơi đây. Nhưng sau khi tổ dân phố động viên, tôi đã tham gia. Bữa cơm đoàn kết đúng theo tinh thần đoàn kết của dân tộc, đến dự tôi mới được biết, giao lưu, chia sẻ của nhiều người dân, người hàng xóm khu mình hơn. Ăn cơm, chung vui những tiết mục văn nghệ trong bài hát quen thuộc như “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Nối vòng tay lớn”… Tất cả thực sự vui và ý nghĩa.


 

Tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), 20 năm qua, trong những Ngày hội đại đoàn kết diễn ra hàng năm đã có 1.077 lượt địa bàn dân cư trên toàn quận Hai Bà Trưng tổ chức được Bữa cơm đại đoàn kết. Điều đáng nói, các Bữa cơm đại đoàn kết đều được các hộ gia đình tự nguyện đóng góp, từ đó càng thắt chặt tình đoàn kết của mỗi người dân trong các khu dân cư hơn.

Bài 1: “Ngày Tết” đặc biệt tại những khu dân cư Thủ đô - ảnh 14
 


Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 2023

20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (2003-2023), lần đầu tiên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với UBND thành phố lần đầu tiên tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo quy mô cấp thành phố. Hòa chung không khí rộn ràng, vui tươi cùng người dân Thủ đô, ngày 18/11, nhiều người đã tới Phố đi bộ Trịnh Công Sơn để trải nghiệm và tham gia các hoạt động ý nghĩa tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp Thành phố được tổ chức tại đây.

Có mặt tại Phố đi bộ Trịnh Công Sơn từ buổi chiều ngày 18/11, Nguyễn Văn Dũng (Hà Đông, Hà Nội) đã tham quan các gian hàng và mua cho mình cho mình một bức tranh sơn mài tại khu trưng bày các sản phẩm du lịch Hà Nội.

Biết về việc Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức hằng năm nhưng đây là lần đầu tiên Dũng đến tham gia ngày Hội. Đến từ sớm, Dũng tranh thủ tham quan, check-in và thưởng thức một số đặc sản và hòa chung không khí cùng nhiều người dân Thủ đô khác của Ngày hội cấp Thành phố.

Tại khu vực tái hiện không gian dệt sợi, Nguyễn Thị Phương (sinh viên trường Đại học Sư Phạm Hà Nội) đang chăm chú quay chiếc bánh xe của khung cửi để dệt sợi vải. Với Phương, đây là lần đầu tiên nữ sinh năm ba được trải nghiệm hoạt động này.


 

Phương chia sẻ, những ngày vừa rồi, xe tuyên truyền của công an phường tại khu vực quận Bắc Từ Liêm nơi Phương đang sinh sống đi tới từng góc phố, con ngõ để thông tin tới người dân về sự kiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp Thành phố. Vì vậy, tranh thủ một ngày được nghỉ, Phương cùng bạn đến tham quan, trải nghiệm và hòa chung không khí Ngày hội.

“Mình đã từng tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương trước đây, nhưng đây là lần đầu mình được trải nghiệm không khí của một Ngày hội lớn như thế này. Càng đặc biệt hơn khi mình thấy có nhiều người trẻ khác như mình quan tâm đến một sự kiện truyền thống lâu đời như thế này”.

Theo đồng chí Nguyễn Lan Hương- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lần đầu tiên được tổ chức theo quy mô cấp Thành phố sẽ trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo không khí đoàn kết, phấn khởi vui tươi, góp phần gắn kết tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với nhân dân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến - văn minh - hiện đại.

 

Ngày hội không những tôn vinh kết quả của công tác Mặt trận các cấp thành phố, sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của nhân dân trong tổ chức Ngày hội giúp hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định vị thế trong hệ thống chính trị các cấp, làm tròn vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với quần chúng nhân dân; nơi tập hợp, lắng nghe và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; tăng cường niềm tin chính trị, củng cố đồng thuận xã hội trở thành động lực to lớn giúp mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương luôn kịp thời đổi mới, sáng tạo đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.


Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020