Bình đẳng giới trong bầu cử: Phát huy vai trò của Mặt trận (báo Đại Đoàn Kết, ngày 25/05/2015)

25/05/2015 - 10:42 AM
VŨ TRỌNG KIM
Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký
UBTƯ- MTTQ Việt Nam

Bình đẳng giới là một quyền con người cơ bản. Để thực hiện bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp nhằm tạo điều kiện và động viên phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực chính trị, trong đó bảo đảm tỷ lệ phụ nữ tham gia các cơ quan dân cử  luôn là vấn đề được quan tâm.



ĐB Trần Hồng Thắm (Đoàn Cần Thơ)
 phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII
ẢnhHoàng Long

Cần sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ khóa XI là 27,31%, khóa XII là 25,76%; khóa XIII là 24,4% thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ vừa qua. Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp còn thấp, không đạt chỉ tiêu đề ra. Nhiệm kỳ 2004-2011, tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh chỉ đạt 23,88%, cấp huyện đạt 23,01%, cấp xã đạt 19,53%; nhiệm kỳ 2011-2016 tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện 24,62%, cấp xã 21,71%.

(Báo cáo số 454/BC-HĐBC ngày 18/7/2011 của Hội đồng bầu cử về kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016)
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 đều có điều khoản quy định về việc bảo đảm để phụ nữ có số đại biểu thích đáng tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đề ra mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%”. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra chỉ tiêu "tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%”.

Mặt khác, trong bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân phải có người đại diện cho các tầng lớp, các nhóm xã hội, trong đó bao gồm cả phụ nữ. Sự tham gia của các đại biểu nữ trong các cơ quan quyền lực này là cần thiết và có một tỷ lệ thích đáng không chỉ vì họ là một tầng lớp trong xã hội mà còn bởi phụ nữ chiếm tỷ lệ hơn 50% dân số.

Nhưng thực tế cho thấy, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị còn nhiều bất cập, nhất là tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử. Trong những năm qua, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ có tăng nhưng chưa thật bền vững. Theo thống kê trong vòng 20 năm (từ 1987-2007), đại biểu Quốc hội là nữ chỉ tăng được gần 4%, thậm chí nếu tính trong những nhiệm kỳ gần đây, số lượng và tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đã giảm.

Để góp phần bảo đảm bình đẳng giới theo hướng tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, cụ thể là tăng cường tỷ lệ nữ trong các cơ quan quyền lực Nhà nước cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội, trong đó Mặt trận và các cơ quan liên quan cần làm tốt vai trò của mình đối với việc bảo đảm bình đẳng giới trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Giới thiệu các đại biểu ứng cử phải bình đẳng như nhau

Với các quy định hiện hành của pháp luật về bình đẳng giới và các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử, vai trò của Mặt trận đối với việc bảo đảm bình đẳng giới trong bầu cử được thể hiện thông qua việc Mặt trận tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, phối hợp tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử để vận động bầu cử, tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử và qua việc tham gia giám sát của Mặt trận đối với công tác bầu cử. Đồng thời Mặt trận cũng thể hiện vai trò của mình bằng việc đưa ra những khuyến nghị để các chủ thể liên quan thực hiện trong suốt quá trình bầu cử.

Vậy làm thế nào để MTTQ các cấp góp phần bảo đảm bình đẳng giới trong bầu cử. Trước tiên, cần phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ cùng cấp triển khai, quán triệt, tố chức thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, MTTQ về công tác bầu cử, nhất là các bước của quy trình hiệp thương trong công tác bầu cử; giới thiệu đại biểu nữ ứng cử.

Quá trình thực hiện quy trình hiệp thương giới thiệu đại biểu ứng cử nói chung và đại biểu nữ ứng cử nói riêng phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, cơ cấu. Đảm bảo cân bằng về giới tính khi phân bổ số lượng các ứng cử viên trong từng đơn vị; 1 ứng cử viên không được gánh quá hai cơ cấu. Trong thực tế các cuộc bầu cử nữ ứng cử viên thường phải "gánh” cùng một lúc nhiều cơ cấu như trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc… là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đại biểu nữ thấp không đạt chỉ tiêu đề ra.

Đặc biệt, việc giới thiệu các đại biểu tham gia ứng cử tại các cơ quan, đơn vị  phải bình đẳng như nhau, có vị trí, chức danh tương đương nhau. Khắc phục tình trạng cơ cấu nhiều nữ nhưng với mục đích làm "quân xanh”. Ví dụ cơ cấu số dư giữa 01 Giám đốc Sở Giáo dục là nam giới với 01 cán bộ nữ là giáo viên mầm non, hoặc cán bộ nữ cấp phòng với lãnh đạo của ngành đó thì khi đưa ra bầu, cử tri sẽ chọn bầu cho người có vị trí cao hơn....Thực tế, nếu nữ giới được xếp cùng với nam giới có trình độ ngang bằng hoặc cao hơn, thông thường nam sẽ trúng cử. Đây là hệ quả của tư tưởng trọng nam trong gia đình và xã hội cần được khắc phục.
Đảng đoàn Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cần chủ động phối hợp với Đảng đoàn Hội LHPN cùng cấp  để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác nhân sự và công tác bầu cử để bảo đảm phụ nữ được giới thiệu tham gia ứng cử đạt tỷ lệ cao trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn chung, coi trọng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ người đại biểu dân cử.

 Mặt trận cần thống nhất với UBND và Thường trực HĐND các cấp trong việc bảo đảm sự tham gia của đại diện Hội LHPN Việt Nam trong Ủy ban bầu cử các cấp ở địa phương trong suốt quy trình hiệp thương cũng như bảo đảm số lượng nữ tham gia phù hợp trong các cơ quan phụ trách công tác bầu cử để có tiếng nói và thực hiện được việc giám sát trong quá trình bầu cử.

Cần chiến lược dài hạn chứ không đợi đến kỳ bầu cử

Mặt trận cần đưa ra khuyến nghị đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan như  với Hội LHPN các cấp, cần chủ động phối hợp với Đảng đoàn MTTQ cùng cấp (cấp Trung ương, cấp tỉnh) quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, Quốc hội, MTTQ về công tác bầu cử nhất là thực hiện tốt việc chọn cử, giới thiệu người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Trước mắt, phối hợp tốt với Ủy ban MTTQ Việt Nam để triển khai thực hiện Chương trình phối hợp góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Một trong các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND chưa cao còn phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri khi đi bầu cử. Một bộ phận cử tri chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải có tỷ lệ thích đáng phụ nữ tham gia Quốc hội, HĐND các cấp cho nên không bỏ phiếu cho phụ nữ. Ngay cả nữ cử tri cũng chưa nhận thấy vai trò của nữ đại biểu sẽ đại diện cho phái mình, vì vậy, cũng chưa ủng hộ cho ứng cử viên nữ. Cho nên  việc tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến hội viên và các tầng lớp phụ nữ  để ủng hộ các nữ ứng cử viên là việc vô cùng cần thiết.

Trong công tác phối hợp với cấp ủy Đảng các cấp, Mặt trận cần quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về bầu cử. Quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật và các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, MTTQ Việt Nam về bầu cử trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân...

Cần có chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ một cách thường xuyên, dài hạn chứ không đợi đến kỳ bầu cử. Thực tế ở nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức cho thấy khi cần đến cơ cấu nữ mới "đốt đuốc” đi tìm, lúc này người trẻ thì chưa qua đào tạo, chưa đủ tiêu chuẩn, không trong cơ cấu; người đã qua đào tạo cơ bản, đủ điều kiện, tiêu biểu thì không còn trong độ tuổi... Vì vậy, các địa phương thường gặp khó khăn khi tìm đủ số lượng đại biểu nữ đáp ứng các tiêu chí đặt ra.

Có thể nói, quá trình tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, để nâng cao tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử, góp phần bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị thì không chỉ các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận cần phải thể hiện vai trò của mình mà yếu tố quan trọng là Hội LHPN, nữ công các cấp và lãnh đạo các ngành, đoàn thể phải đề cao trách nhiệm, bảo đảm công bằng trong giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử, thông suốt quan điểm, định hướng của Đảng, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới và bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử.

Đồng thời, Mặt trận, Hội LHPN, các cấp các ngành cần phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử và về bình đẳng giới trong bầu cử để mỗi cử tri khi viết phiếu bầu phải nhận thức sâu sắc rằng: quan tâm tới phụ nữ, ủng hộ phụ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là thiết thực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì hạnh phúc của gia đình và sự phát triển của xã hội.
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020