“Trong tuyên truyền các ứng cử viên phải bình đẳng, không phân biệt giữa người tự ứng cử hay người do các cơ quan giới thiệu. Không phân biệt giữa người có chức vụ cao và chức vụ thấp…”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý.
Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức tập huấn tuyên truyền về bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cho các cơ quan báo chí khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc đợt tập huấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, ngày 6/1/1946 lần đầu tiên trong lịch sử mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt già trẻ, nam nữ tôn giáo đều được hưởng quyền bầu cử. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã mở ra thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của thể chế chính trị ở Việt Nam, khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân. Đó chính là mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ ở nước ta, đánh dấu sự khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
|
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu khai mạc lớp tập huấn. (Ảnh: Tuấn Minh) |
“Trải qua 13 khóa, Quốc hội nước ta không ngừng kiện toàn, đổi mới và phát triển, xứng đáng là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, công tác thông tin báo chí góp phần rất quan trọng vào thành công của bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Qua công tác tuyên truyền làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức rõ hơn mục đích, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện quan trọng này, nhằm tiếp tục hoàn thiện, củng cố, xây dựng nhà nước pháp quyền của Việt Nam do nhân dân, vì nhân dân.
Báo chí cũng góp phần trong việc lựa chọn bầu ra những người đức, tài xứng đáng đại diện cho nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân trong Quốc hội, HĐND các cấp.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp nhân dân về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về bầu cử, đặc biệt tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và thực hiện thành công cuộc bầu cử. Chủ động đấu tranh với âm mưu chống phá bầu cử, chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, thời gian quan các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt tuyên truyền về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Tuy nhiên, từ nay đến ngày bầu cử chỉ còn hơn 1 tháng, vì vậy Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Thứ hai, các cơ quan báo chí cần giới thiệu các văn bản, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thứ ba, tuyên truyền chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Quốc hội, HĐND các cấp; tuyên truyền thành tựu của Quốc hội, HĐND qua các thời kỳ, đặc biệt là những đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, trong giám sát và quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước; Vai trò, trách nhiệm của Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trong việc thực hịện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2021 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12.
Thứ tư, giới thiệu các điểm mới trong công tác bầu cử, HĐND lần này. Đó là những điều chỉnh, bổ sung cụ thể bộ máy bầu cử từ Trung ương đến địa phương; quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị phụ trách bầu cử; quy trình đề cử và ứng cử….
Thứ năm, tuyên truyền về tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH, quy định tại Luật Bầu cử Quốc hội và tiêu chuẩn về tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu HĐND quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Thứ sáu, tuyên truyền quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nghĩa vụ trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử, các hoạt động trong quá trình tiếp xúc cử tri, các quy định về trình tự tổ chức bầu cử.
“Trong tuyên truyền các ứng cử viên, đề nghị các cơ quan báo chí phải tuyên truyền một cách bình đẳng, không phân biệt giữa người tự ứng cử, người do các cơ quan giới thiệu. Không phân biệt giữa người có chức vụ cao và chức vụ thấp. Nhất là các đài địa phương, không phải vì anh làm Chủ tịch UBND hay Bí thư mà dành thời lượng tuyên truyền nhiều hơn các ứng cử viên khác. Phải bình đẳng trong tuyên truyền giữa các ứng cử viên”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Thứ bảy, tuyên truyền về sự tham gia tích cực của nhân dân với cuộc bầu cử, kết quả phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử, biểu dương kịp thời những đơn vị cá nhân có thành tích xuất sắc trong bầu cử, nhất là bầu cử ở nơi biên giới, hải đảo, các vùng còn nhiều khó khăn, dân tộc thiểu số….
“Công tác tuyên truyền cần tập trung vào đối tượng các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức người lao động, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang nhân dân cho đến khi có kết quả bầu cử…”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý.
Tuấn Minh