Phát huy tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội cùng chung tay giúp người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp mọi người, mọi nhà vui đón Tết an vui.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Lan Hương – Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội về vấn đề này. Ban Biên tập xin trích dẫn lại nguyên văn nội dung phỏng vấn.
PV: Năm 2024, MTTQ các cấp TP Hà Nội và các tổ chức thành viên triển khai vận động, sử dụng Quỹ Vì người nghèo như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, thưa bà?
Bà Nguyễn Lan Hương: Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Thủ đô. Đồng hành cùng các chính sách của thành phố, MTTQ TP Hà Nội đã triển khai vận động, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội để có thêm nguồn lực thực hiện hiệu quả hai trọng tâm: Hỗ trợ an cư và trao sinh kế, tạo giá đỡ an sinh giúp người nghèo thoát nghèo bền vững. Hàng năm, Ủy ban MTTQ thành phố phối hợp với UBND thành phố tổ chức phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội nhằm kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, chung tay giúp đỡ người nghèo cũng như tham gia ủng hộ Quỹ Vì người nghèo bằng những hành động thiết thực, cụ thể.
Năm 2024, Quỹ Vì người nghèo 3 cấp của thành phố vận động được 49,2 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ cấp thành phố vận động được hơn 27,6 tỷ đồng. Từ số tiền vận động được, thành phố đã trích hơn 70 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.405 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế cho 650 hộ; hỗ trợ 1.043 người được khám chữa bệnh; hỗ trợ trên 769 triệu đồng tới học sinh thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Ủy ban MTTQ TP Hà Nội phối hợp với UBND thành phố xây, sửa 714 nhà xuống cấp, góp phần đạt mục tiêu xóa 100% nhà xuống cấp trên địa bàn Thủ đô. Trước thiệt hại của cơn bão số 3, Ủy ban MTTQ thành phố đã kịp thời thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, trích Quỹ “Cứu trợ” thành phố để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ neo đơn, yếu thế, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn bị thiệt hại về nhà ở do cơn bão số 3 gây ra với các mức hỗ trợ cụ thể.
Những cách làm hiệu quả, thiết thực của MTTQ các cấp đã góp phần cùng thành phố hoàn thành sớm 1 năm chỉ tiêu về giảm nghèo. Hết năm 2024, TP Hà Nội không còn hộ nghèo và chỉ còn 890 hộ cận nghèo, theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Tuy nhiên, nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố, Hà Nội hiện vẫn còn 9.928 hộ cận nghèo cần được giúp đỡ để thoát nghèo bền vững. Mặt trận các cấp thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để có thêm nguồn lực hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, việc chăm lo Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn đang được triển khai với nhiều hình thức linh hoạt, phong phú. Về phía MTTQ TP Hà Nội đã triển khai những hoạt động như thế nào, thưa bà?
- Chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là một trong những hoạt động được Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp thành phố tập trung triển khai thực hiện mỗi dịp Tết đến, xuân về với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Thực hiện hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về tổ chức các hoạt động để nhân dân đón Tết vui tươi, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm, ngay từ giữa tháng 12/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp thành phố và các tổ chức thành viên đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người nghèo. Cụ thể như: có các chương trình vận động quà Tết cho người nghèo; thăm hỏi tặng quà các cơ sở bảo trợ xã hội; chăm lo cho công nhân lao động nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đón Tết tại nhà trọ, doanh nghiệp; tổ chức các chuyến xe đưa công nhân về quê đón Tết… Ủy ban MTTQ TP Hà Nội sẽ tổ chức Chương trình “Xuân nhân ái – Tết sẻ chia”, trao tặng quà tới hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn và hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do cơn bão số 3.
Bối cảnh xã hội đã thay đổi so với trước đây, khi Hà Nội không còn hộ nghèo, vậy phương thức vận động có gì thay đổi để thích ứng với thực tế không, thưa bà?
- Hiện nay, Hà Nội vẫn còn 9.928 hộ cận nghèo, theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố có khó khăn về nhà ở, phương tiện sản xuất, cần được hỗ trợ, mong muốn được vay vốn để phát triển kinh tế; nhiều người nghèo cần được hỗ trợ kinh phí điều trị y tế. Vì vậy, MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội sẽ tiếp tục kiên trì phương châm “cho cần câu hơn cho con cá”, thực hiện hiệu quả 2 nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ an cư và trao sinh kế giúp thoát nghèo bền vững.
MTTQ Việt Nam TP Hà Nội sẽ thường xuyên kiện toàn Ban vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp, phân công nhiệm vụ phù hợp và động viên các thành viên nỗ lực tham gia vào hoạt động của Ban vận động để nâng cao hiệu quả công tác vận động ủng hộ người nghèo, các nội dung gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ và Ban vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp đẩy mạnh tuyên truyền kết quả, kinh nghiệm, mô hình, điển hình tiêu biểu để nhân lên diện rộng, tạo sức lan toả trong công tác vận động Quỹ; tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo việc quản lý, sử dụng các loại Quỹ công khai, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng…
Đồng hành với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp của Thủ đô đã, đang và sẽ cùng cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo, hỗ trợ người nghèo vươn lên, góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, cùng chung tay xây dựng một Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, hạnh phúc.
Trân trọng cảm ơn bà!