Chủ tịch Hội đồng Bầu cử: Không nên chỉ tuyên truyền mạnh cho người có chức quyền (Theo Dân trí)

13/04/2016 - 02:05 PM

“Các cấp ủy Đảng phải vào cuộc, chỉ đạo để người ứng cử gặp gỡ tiếp xúc cử tri, bảo đảm bình đẳng giữa các ứng cử viên. Không nên tuyên truyền quá mạnh cho người có chức có quyền, còn người khác lại ít”, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Sáng ngày 13/4, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia - đã chủ trì phiên thứ 4 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Đây là Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Bầu cử quốc gia sau khi được kiện toàn.

Tại phiên họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết, theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử 63 tỉnh, thành phố, có 184 ban bầu cử ĐBQH; 1.096 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 6.721 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 79.988 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã; 91.221 tổ bầu cử.

Ngày 22/5/2016, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp
Ngày 22/5/2016, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp

Đến nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử. Sau khi kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ 2, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ở cả Trung ương và địa phương là 1.146 người, trong đó Trung ương là 197 người, địa phương là 949 người. Trong tổng số ứng viên kể trên có 154 người tự ứng cử.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, hội nghị hiệp thương lần thứ 2 ở cả Trung ương và địa phương diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, đúng thời gian theo quy định, thể hiện sự thống nhất cao của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc thảo luận, lựa chọn, thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ 2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi danh sách và tiểu sử tóm tắt của 197 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đến các địa phương để tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú nhận xét và biểu thị sự tín nhiệm đối với người ứng cử.

Đến hết ngày 11/4, có 24 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong việc lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử là người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Ngày 12/4, đã nhận được đầy đủ 197 biên bản về việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cấp ủy Đảng phải vào cuộc, rà soát danh sách cử tri, chỉ đạo để người ứng cử gặp gỡ tiếp xúc cử tri, bảo đảm bình đẳng giữa các ứng cử viên. Không nên tuyên truyền quá mạnh cho người có chức có quyền, còn người khác lại ít. Cần bình đẳng giữa các ứng cử viên trên đơn vị bầu cử, không để đưa lên phát thanh truyền hình người được tuyên truyền 5 phút, còn người thì không được phút nào.

“Việc tuyên truyền phải đúng luật, hài hòa, phải làm để người dân nhìn vào thấy cán bộ đi trước, làng nước đi sau. Phải vận động nhân dân đi bỏ phiếu, để làm cho bầu cử là ngày hội của toàn dân”, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Quang Phong

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020