Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khảo sát làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức): Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết, tháo gỡ khó khăn cho làng nghề truyền thống

21/04/2015 - 05:06 PM

Thực hiện chương trình công tác năm 2015, chiều 18/4/2015, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã khảo sát một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ gia đình tại làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức) và làm việc với huyện về phát triển làng nghề. Mục tiêu cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu thực trạng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, chuẩn bị tổ chức tọa đàm cấp quốc gia về vấn đề này. Cùng đi với Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình 02 của Thành ủy; Lưu Duy Dần-Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam; Trần Xuân Việt-Phó Chủ tịch UBND TP; Lê Thị Kim Oanh-Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo các sở: Tài chính, Công thương.

Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (thứ 4 từ phải sang) tại buổi khảo sát làng nghề truyền thống tại huyện Hoài Đức

Sau khi khảo sát, tham quan một số hộ cơ sở sản xuất tại làng nghề Sơn Đồng và nghe báo cáo tình hình phát triển làng nghề, sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Đức nói chung, xã Sơn Đồng nói riêng; những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề của TP Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Sơn Đồng là một làng nghề độc đáo, rất đáng quý của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Với lịch sử hơn 1.000 năm, đòi hỏi sự tinh xảo, công phu, sáng tạo, làng nghề mỹ nghệ truyền thống “Sơn thếp, chạm khắc, tạc tượng phật và đồ thờ”, Sơn Đồng đã và đang ngày càng phát triển nhờ phát huy được bí quyết của cha ông. Hiện tại, làng nghề đang thu hút 5.000 lao động với trên 500 hộ làm nghề (hơn 10 công ty), tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động vùng lân cận. Sản phẩm của Sơn Đồng chiếm 70%  thị phần đồ gỗ-thờ cúng cả nước và đã xuất khẩu ra nước ngoài. Thu nhập từ nghề này chiếm 60-63% thu nhập toàn xã và giúp người thợ làm nghề có 4-6 triệu đồng/tháng.

 Tuy nhiên, cũng giống như các làng nghề của huyện Hoài Đức (toàn huyện có 51/53 làng có nghề, trong đó có 12 làng nghề đã được công nhận), bên cạnh sự phong phú về sản phẩm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động,  thì làng nghề Sơn Đồng cũng đang gặp phải nhiều khó khăn cả về vốn, mặt bằng sản xuất và ô nhiễm môi trường…Trong đó, địa điểm sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình trong các làng nghề tập trung chủ yếu trong các khu vực dân cư làng xóm. Phần lớn hộ gia đình, cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư trang bị máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến. Việc tổ chức sản xuất còn phân tán; trình độ quản lý, tay nghề lao động kém; khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế; môi trường bị ô nhiễm, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, trong khi nguồn ngân sách hỗ trợ công tác dạy nghề, phát triển làng nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu… Những khó khăn, bất cập này không chỉ riêng làng nghề Sơn Đồng và các làng nghề của huyện Hoài Đức mà các làng nghề trên cả nước cũng đang gặp phải. Từ thực tiễn và những vấn đề đang đặt ra, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cấp chính quyền từ TP đến huyện và xã cần tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng cho phát triển làng nghề; đặc biệt là nghiên cứu thành lập hợp tác xã hoặc hiệp hội làng nghề để liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, chủ động nguyên liệu, quảng bá sản phẩm, gìn giữ thương hiệu, tổ chức dạy nghề. Đặc biệt, phải tìm giải pháp để làng nghề phát huy những giá trị truyền thống nhưng đồng thời phải bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Theo đó, từ xã đến huyện cần đánh giá kỹ thực trạng của làng nghề; nghiên cứu và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách về phát triển làng nghề. Các sở ngành, chính quyền thành phố cũng cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề phát triển.

Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Đồng chí cho biết, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 9 chương trình công tác trọng tâm, trong đó có Chương trình số 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”. Phát triển làng nghề được xác định là một trong những nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua khảo sát lần này giúp lãnh đạo TP và các sở, ngành nắm rõ hơn về tình hình thực tiễn thực hiện các văn bản chỉ đạo của TW và TP về phát triển làng nghề, thấy được những khó khăn để điều chỉnh kịp thời.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng ghi nhận các ý kiến kiến nghị của huyện Hoài Đức và giao các sở, ban, ngành TP, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 02 phối hợp với huyện rà soát lại để từng bước giải quyết. Từ những ý kiến chỉ đạo, gợi ý của Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, tới đây TP sẽ nghiên cứu, có thể thí điểm  thành lập mô hình hợp tác xã liên kết làng nghề nhằm mục đích vừa duy trì, bảo tồn ngành nghề truyền thống, phát huy giá trị văn hóa vừa phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân./.

Thúy Hằng

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020