Để phong trào thực chất của Mặt trận (theo báo Đại đoàn kết, ngày 3/7/2015)

03/07/2015 - 08:36 AM

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn có phần khó đi vào cuộc sống. Đó là “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (của ngành văn hóa) bao gồm một loạt các phong trào hiện có như: “Người tốt, việc tốt” (theo khởi xướng của Bác Hồ), “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng gia đình văn hóa, làng xã, phường văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” (thuộc Mặt trận và theo khởi xướng của Bác Hồ) …. Toàn bộ các phong trào đó đều hướng vào cuộc thi đua yêu nước “Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

Ngày 29-6-2015, tại cuộc tiếp xúc cư tri Quận 3, TP.HCM,
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lắng nghe và chia sẻ về việc đổi mới phong trào
để phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc các cấp 

Việc thành lập Ban chỉ đạo, Ban vận động “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (thực chất là thuộc chính quyền) chỉ làm chồng chéo thêm giữa chức năng vận động của Mặt trận và chức năng quản lý nhà nước của chính quyền. Hơn thế nữa, với danh nghĩa Ban chỉ đạo, đã dẫn đến sự biến tướng cấp chính quyền cơ sở quản lý kinh phí,  lãnh đạo, chỉ đạo công tác MTTQ, điều mà luật không cho phép. Thực tế qua các thời kỳ trước đây đã chứng minh, khi không có Ban chỉ đạo, Ban vận động, thì Mặt trận vẫn chỉ đạo được phong trào chung do Mặt trận làm đầu mối phối hợp có hiệu quả cao,  với sự đồng thuận của cán bộ Mặt trận, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân.

Như vậy việc ngành văn hóa đã đưa tất cả các phong trào vào “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có mấy bất cập. Cụ thể là vô tình vận dụng chưa thật chuẩn tư tưởng của Bác Hồ. Bởi sinh thời Bác Hồ viết cuốn “Đời sống mới” để mỗi chúng ta học tập. Những gì Bác Hồ thể hiện trong cuốn sách quý giá này cho thấy rõ không thể để phong trào “đời sống mới” nằm trong phong trào văn hóa của ngành văn hóa được. Bác Hồ nói “văn hóa” là học chữ,  còn xây dựng con người là xây dựng con người tốt. Với việc “tập hợp hóa” một loạt phong trào như đã nói trên, khiến ngành văn hóa khó có thể thực hiện tốt khi phải trùm lên các lĩnh vực khác như kinh tế, an ninh, quốc phòng. 

Những năm gần đây, quá trình thực hiện các phong trào cho thấy một số hoạt động của chính quyền cơ sở thường lấn lướt, giẫm chân lên chức năng của các tổ chức khác như Mặt trận Tổ quốc xuất phát từ một số đặc điểm nên tên phong trào gần giống nhau mặc dù  “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thuộc ngành văn hóa, và “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thuộc MTTQVN. Thế nhưng nội dung hoạt động đều là xây dựng “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa”. Biển “Khu phố văn hóa” lại thuộc UBND. Cách làm hành chính hóa công tác Mặt trận này của phía ngành văn hóa nhiều khi trở ngại cho việc phát huy vai trò và vị thế của Mặt trận Tổ quốc, ảnh hưởng đến nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, xem nhẹ vai trò của nhân dân. Mặt khác, lâu nay Mặt trận các cấp phải kiểm điểm thi đua dựa theo tiêu chí của UBND. Việc thành lập Ban chỉ đạo, Ban vận động “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (thực chất là thuộc chính quyền) chỉ làm chồng chéo thêm giữa chức năng vận động của Mặt trận và chức năng quản lý nhà nước của chính quyền. Hơn thế nữa, với danh nghĩa Ban chỉ đạo, đã dẫn đến sự biến tướng cấp chính quyền cơ sở quản lý kinh phí,  lãnh đạo, chỉ đạo công tác MTTQ, điều mà luật không cho phép. Thực tế qua các thời kỳ trước đây đã chứng minh, khi không có Ban chỉ đạo, Ban vận động thì Mặt trận vẫn chỉ đạo được phong trào chung do Mặt trận làm đầu mối phối hợp có hiệu quả cao,  với sự đồng thuận của cán bộ Mặt trận, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Thời gian qua, người dân khó tin khi nghe nơi nào cũng có đến 80, 90% gia đình văn hóa bằng cách bình xét một cách hình thức, qua loa chiếu lệ. Trong khi trước thực trạng xuống cấp về nhiều mặt trong đời sống xã hội, và Đảng phải ban hành NQ TƯ 4 (khóa XI) nhấn mạnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên kể cả cấp cao suy thoái về đạo đức và lối sống. Trong thanh niên cũng có một bộ phận không nhỏ suy thoái về đạo đức về lối sống. Ngoài ra có đến 30% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ… . Tất cả những “bộ phận không nhỏ” ấy đều về sinh sống ở khu dân cư, thì liệu có thuyết phục được con số  90% gia đình văn hóa? Không chỉ nhân dân mà cả cán bộ các cấp nhận thấy rằng ghép từ “văn hóa” cho gia đình, thành “gia đình văn hóa” là chưa thực sự phù hợp. Theo từ điển, “văn hóa” là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội. Những người không có điều kiện học hành nhất là những người nghèo, chưa đạt trình độ cao thì làm sao đạt “gia đình văn hóa”. Trong khi người nghèo, ít trình độ vẫn có thể là gia đình tốt, có lối sống tử tế lành mạnh. Bởi vậy, trong cuốn sách “Đời sống mới”, Bác Hồ dùng từ “văn hóa” là học chữ, còn xây dựng được con người thì Bác Hồ chỉ dùng từ người tốt. Bác thường nói: người tốt, gia đình tốt, làng tốt thì đất nước phú cường. Trước  thực tiễn đời sống xã hội hiện nay, dư luận nhân dân mong muốn: “Xây dựng con người tử tế, gia đình tử tế, xã hội tử tế” trước.

Trước những bất cập, gần đây Nghị quyết TƯ 9 (khóa XI) về  “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã có những  điểm mới. Đó là: thay tên gọi “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (của ngành văn hóa) bao gồm một loạt phong trào như thời gian qua;  Giới hạn phạm vi khái niệm văn hóa được đặt trong mối quan hệ: chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại;  Làm rõ khái niệm “văn hóa gia đình” và “gia đình văn hóa” để tránh tình trạng chạy theo bệnh thành tích bằng chủ trương chỉ xây dựng được và nhân rộng các mô hình “gia đình văn hóa tiêu biểu”; Phải coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – trung thực, trách nhiệm, gắn bó với dân;  Xác định quan điểm, cơ chế chiến lược “xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thông qua Mặt trận Tổ quốc” như Kết luận số 62 của Bộ Chính trị đã khẳng định – tức là nắm vững chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức: Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết, Chính quyền quản lý bằng luật pháp (từ thể chế hóa nghị quyết của Đảng), Mặt trận vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ bằng phong trào hành động cách mạng sôi nổi. Cơ chế này được thực hiện ở 4 cấp (Trung ương, tỉnh thành, quận huyện, phường xã), kể cả ở hình thức tổ chức Ban công tác Mặt trận khu phố và tổ Mặt trận ở phạm vi tổ dân phố. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ và trong một số trường hợp thiếu khả thi. Công việc quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, thậm chí buông lỏng, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm.

Với những điểm mới nói trên trong Nghị quyết TƯ 9 (Khóa 11) của Đảng, MTTQ có đủ điều kiện để thực hiện đúng vai trò và vị thế của mình được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận sửa đổi năm 2015, tức là: 

1) MTTQ có quyền chọn tên phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” (theo khởi xướng của Bác Hồ). Phong trào này khác và độc lập với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của ngành văn hóa. 

2) MTTQ kiểm điểm thi đua theo 8 tiêu chí của Mặt trận được ghi trong Luật Mặt trận sửa đổi 2015, chấm dứt việc kiểm điểm thi đua theo tiêu chí của chính quyền (bao gồm quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên Mặt trận).

Thiết nghĩ, để tránh bệnh thành tích, các gia đình và con cháu đối chiếu tiêu chí mà tự đánh giá. Mặt trận chỉ biểu dương các gia đình, con cháu tiêu biểu. Tổ Mặt trận nhận chỉ tiêu thi đua từ Ban công tác Mặt trận khu phố. Ban công tác Mặt trận nhận chỉ tiêu thi đua từ UB MTTQ phường, xã. UBMTTQ Phường, xã nhận chỉ tiêu thi đua từ UB MTTQ quận, huyện. UB MTTQ quận, huyện nhận chỉ tiêu thi đua từ UBMTTQ tỉnh, thành. UB MTTQ tỉnh, thành nhận chỉ tiêu thi đua từ UBTƯ MTTQVN. Và không phải thông qua Ban chỉ đạo, Ban vận động phong trào thi đua của chính quyền như trước đây.

Hy vọng Nghị quyết TƯ9 (khóa XI) sớm được thể chề thành văn bản pháp luật, để Mặt trận làm đúng chức năng của mình đưa chủ trương của Đảng váo cuộc sống. Các phong trào của Mặt trận cần được thực hiện một cách thực chất để thực sự phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân, xây dựng xã hội lành mạnh làm nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trước đòi hỏi cấp bách của thời đại. Vấn đề đó càng có ý nghĩa khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo trong một Hội nghị về cải cách thủ tục hành chính gần đây: “Chúng ta giờ đứng chót ở khối ASEAN, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”.  

 Nguyễn Hữu Châu
(Nguyên Ủy viên Đảng đoàn UBMTTQ TP.HCM,
Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Văn hóa và Xã hội của UBTƯ MTTQ VN)

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020