Ghi nhận ở một làng sức khỏe

10/11/2011 - 12:00 AM
Thôn có diện tích  12,9ha, dân số hơn 2.200 người (hơn 5000 hộ).

Trước đây người dân Cổ Điển A chủ yếu trồng rau muống, cấy lúa. Những năm gần đây, một số diện tích cấy lúa năng suất thấp đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản. Hướng đi mới này đã giúp cho năng suất, hiệu quả trên một đơn vị canh tác nâng cao rõ rệt. Cuộc sống của người dân cũng khá hơn, có thêm điều kiện để chăm lo đến việc học hành của con cái. Bên cạnh một bộ phận nhỏ là cán bộ hưu trí, thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu trông vào đồng ruộng với hai mặt hàng chính là rau muống và thuỷ sản. 

Thôn Cổ Điển A có thành phần dân cư khá đa dạng: cán bộ hưu trí, nông dân, người gốc Cổ Điển và những người từ nơi khác về mua đất làm nhà sinh sống. Tuy thành phần đa dạng nhưng người Cổ Điển A có chung một mục đích là xây dựng Làng sức khoẻ, một công việc mà theo họ là có tác dụng thiết thực đến mỗi người, mỗi nhà bởi "sức khoẻ là vốn quý của con người, có sức khoẻ là có tất cả". Từ năm 2007, thôn bắt tay vào xây dựng Làng sức khỏe. Xác định phong trào có thành công hay không là do sự vào cuộc, hưởng ứng của người dân quyết định nên công tác tuyên truyền, vận động đã được cán bộ thôn quán triệt đến từng hộ gia đình, từng người dân thông qua các cuộc họp, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể. Cán bộ thôn, mà nòng cốt là Trưởng ban Công tác Mặt trận, Bí thư Chi bộ, Phó Bí thư chi bộ đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nhiệt tình, tâm huyết với công việc, nêu gương sáng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, luyện tập thể dục thể thao để nhân dân học tập, làm theo. Hôm chúng tôi đến, không hẹn trước nhưng chỉ một lát sau, các cán bộ cơ sở nơi đây đã có mặt đông đủ. Do sâu sát với địa bàn, nắm rõ tình hình thôn nên những cán bộ Mặt trận ở Cổ Điển A đã cung cấp thông tin rất đầy đủ. Người ta bảo, cán bộ Mặt trận thì “trận nào cũng có mặt” và quả đúng như vậy đối với cán bộ Mặt trận thôn Cổ Điển A. Vào những chiều thứ 6, sáng thứ 7 hàng tuần, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy một không khí giữ gìn vệ sinh môi trường được thể hiện rõ rệt khi đúng giờ, ở các ngõ nhỏ, cán bộ Mặt trận đều có mặt cùng với nhân dân tham gia quét dọn, khơi thông cống rãnh, nhiệt tình, sát sao với công việc đôn đốc, chỉ đạo và cùng tham gia giữ gìn vệ sinh chung. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, với tinh thần trách nhiệm cao, hàng tháng, nhân dân trong thôn đều đóng góp đầy đủ tiền phí vệ sinh môi trường. Hiện nay trong thôn có 3 vệ sinh viên đi thu gom rác thải hàng  ngày. Trong thôn không có chân rác, không để rác lưu cữu gây mất vệ sinh môi trường. Nhiều năm qua, thôn Cổ Điển A không để xảy ra  dịch bệnh. Người dân, nhất là người già, phụ nữ có thai và trẻ em được chăm sóc sức khoẻ chu đáo. Bên cạnh đó, hiểu rõ tác dụng to lớn của cây xanh nên thôn Cổ Điển A rất quan tâm, tích cực hưởng ứng tết trồng cây. Đến nay, thôn đã trồng mới được 40 cây xanh các loại như phượng vĩ, hoa sữa, bằng lăng, muồng, phi lao... Trước mùa mưa bão cây được cắt tỉa cành, chống gẫy, đổ. Bây giờ, cùng với chiếc cổng làng in đậm dấu ấn thời gian, những hàng cây xanh mướt khiến thôn Cổ Điển A thêm xanh, sạch, đẹp. Năm 2005, thôn Cổ Điển A đã xây dựng được Nhà Văn hoá rộng 100 m2, khang trang trong khuôn viên 700m2, đáp ứng được nhu cầu hội họp, vui chơi giải trí, luyện tập sức khoẻ của nhân dân trong thôn. Năm 2008, đội Wusho thanh thiếu niên của thôn đã đoạt giải nhất toàn huyện. Tiết mục văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân cũng giành được giải nhất toàn xã. Năm 2009, với sự đóng góp của nhân dân, thôn  đã mua 4 ghế đá đặt bên hồ nước, trước cổng làng. Năm 2008, 2009, 2010 thôn Cổ Điển A liên tục được huyện Thanh Trì công nhận là  Làng Sức khoẻ. 


Khánh Vân
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020