Ông bà là cán bộ về hưu, ông Tiến là Trưởng ban Hưu trí, Phó ban Hội Người Cao
tuổi của Tổ dân phố 6. Bà Lắm là thành viên tham gia tích cực trong Ban
chấp hành Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, dãy trưởng của Tổ dân phố 6.
Ông bà Tiến trước đây đều là kỹ sư địa chất, giờ nghỉ hưu ai nấy đều
tích cực tham gia các tổ chức, hội ở địa phương.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã được ông bà
tìm hiểu và nhận thấy nội dung của phong trào rất hợp với tâm niệm “gia
đình hoà thuận - hạnh phúc và tiến bộ của chúng tôi”. Hiện gia đình ông
bà đang sống chung trong một mái nhà có bốn thế hệ: cụ bà (101 tuổi), vợ
chồng ông bà Lắm (trên dưới 70 tuổi), con
trai và con dâu (trên dưới 40 tuổi) và các cháu trên dưới 15 tuổi. Song
đã qua nhiều năm nhưng gia đình vẫn luôn giữ được nề nếp, gia phong.
Ông bà Tiến luôn gương mẫu để con cháu trong nhà học tập: hiếu thảo,
chăm sóc cụ bà chu đáo, hoà thuận, thuỷ chung, thương yêu con cháu, cùng
con, cháu giúp nhau làm việc nhà, làm việc tập thể, không cãi cọ hay
nói năng thô tục bao giờ…. Các con, cháu của ông bà chăm chỉ lao động,
ai cũng có công việc ổn định, không a dua hay dính vào các tệ nạn xã
hội, các cháu đều ngoan ngoãn, học giỏi. Ông bà luôn bảo ban, dạy dỗ con
cháu và hướng con cháu học cách tự giác, tự lập, luôn biết quan tâm,
giúp đỡ mọi người xung quanh.
Thực hiện theo việc cưới theo nếp sống mới ông bà Tiến đã tổ chức cưới
cho con trai út theo tiếp khách tiệc trà chỉ với nội tộc. Ông bà tâm sự
“cũng bị chê trách nhưng vẫn vui vì mình thực hiện được nếp sống văn
hoá. Chúng tôi nghĩ việc tốt dù nhỏ, dù bị chê bai cũng cứ làm, phải có
người đi trước thì mới có phong trào, mới thành nếp sống giản dị - tiết
kiệm”.
Ông bà có 4 cháu nội là cháu gái nhưng không đồng ý cho các con sinh
thêm cháu thứ 3. Ông bà bảo “con gái hay trai không quan trọng, miễn là
các cháu phải là người có hiếu, phải gìn giữ lễ tiết thờ cúng tổ tiên,
ông bà” và các con ông bà đều đã nhất trí thực hiện đúng như vậy.
Sống trong cộng đồng tổ dân phố, gia đình ông bà rất tích cực tham gia
theo yêu cầu của các lãnh đạo Tổ dân phố, luôn luôn ủng hộ, giúp đỡ vật
chất khi có các cuộc vận động. Hàng xóm láng giềng xung quanh rất tin
yêu và kính trọng gia đình ông bà. Khi hàng xóm có việc cưới hoặc việc
tang gia đình ông bà đều đến giúp đỡ thăm viếng nhiệt tình.
Ông bà tâm sự sở dĩ gia đình giữ gìn được danh hiệu Gia đình văn hoá trong nhiều năm nay là do:
Một là, phải tạo được mọi thời cơ để các thành viên trong gia đình có
công ăn việc làm đủ để tồn tại và phát triển, hoàn thiện và hoàn mỹ bởi
“có thực mới vực được đạo”.
Hai là, phải thành tâm tiếp nhận phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hoá”, từng người tự hoàn thiện mình, ép mình sửa những tính
xấu, luôn quan tâm đến việc giúp đỡ người khác, quan tâm đến phong trào
và cộng đồng xã hội.
Ba là, tác động lãnh đạo của chi bộ và các đoàn thể quần chúng là những
nhân tố giáo dục, tổ chức, huy động và kiểm tra đánh giá phong trào “Xây
dựng gia đình văn hoá, tổ dân phố văn hoá” thường xuyên, liên tục”. Sự
lãnh đạo đó là sự mở đường, thúc đẩy thêm nhận thức tư tưởng và hành
động của mỗi một người dân trong việc thực hiện phong trào.
Gia đình văn hoá ấy quả là có nhiều điều để chúng ta học tập.
Hà Phương - Ban Phong trào UBMTTQ TP