Hội đồng bầu cử: 'Tổ chức phản động đứng sau ứng viên là ý kiến cá nhân' (Theo Vnexpress)

12/04/2016 - 09:12 AM

Trước kiến nghị làm rõ thông tin tổ chức phản động đứng sau một số ứng viên đại biểu Quốc hội và việc lấy tín nhiệm cử tri không minh bạch, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã hồi âm các ứng viên.

Họp báo bế mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội thứ 13 diễn ra sáng nay sau khoảng 20 ngày làm việc. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cùng các Phó tổng thư ký Nguyễn Hữu Toàn và Lê Minh Thông trả lời những câu hỏi của báo chí.


Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc

Vì sao không miễn nhiệm bà Kim Ngân và ông Xuân Phúc

- Quá trình kiện toàn bộ máy nhà nước vừa qua, một số người được miễn nhiệm cho biết họ bị động vì được thông báo muộn, ảnh hưởng đến kế hoạch công tác, vì sao lại như vậy? 

- Kỳ họp này Quốc dành nhiều thời gian kiện toàn nhân sự, việc này không phải bị động mà có chuẩn bị, thông báo từ trước. Quốc hội thực hiện đúng theo quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ. 

Thời gian qua, có nhiệm kỳ chúng ta kiện toàn, có nhiệm kỳ không. Như khoá 11 có kiện toàn khoảng 9 chức danh khác nhau. Tuỳ thời điểm, nếu cách xa nhau thì phải kiện toàn để đảm bảo lãnh đạo thống nhất.

- Lý do gì Quốc hội không miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội với bà Kim Ngân và chức vụ Phó thủ tướng với ông Xuân Phúc trước khi bầu nhiệm vụ mới?

- Chúng ta đã bầu bà Ngân làm Chủ tịch thì không có chuyện lại kiêm Phó chủ tịch, nên không có chuyện miễn nhiệm nữa. Trường hợp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tương tự.

- Đại biểu góp ý Quốc hội nên đứng dậy trong lễ tuyên thệ để đảm bảo không khí trang nghiêm, ý kiến của ông?

- Năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm lễ tuyên thệ trước hội nghị Tân Trào, Bác đứng trước lá cờ làm lễ tuyên thệ, chúng tôi lấy ý tưởng từ việc này. Trên thế giới, lễ tuyên thệ có nơi đứng, nơi ngồi, tuỳ theo nghị viện từng nước chứ không có quy định. 

- Các chỉ tiêu kinh tế, xã hội chưa đạt được có chế tài gì để xử lý trách nhiệm?

- Về các chỉ tiêu kinh tế chưa đạt được, báo cáo kinh tế đã nêu rõ. Hiện chúng ta chưa có chế tài nào cho việc này.

"Tổ chức phản động đứng sau ứng viên là ý kiến cá nhân"

- Ông đánh giá thế nào về chất lượng những đại biểu tự ứng cử khóa trước?

- Khoá 13 không có đánh giá nào về đại biểu tự ứng cử mà chỉ có đánh giá chung về việc hoàn thành nhiệm vụ của các đại biểu. Rất đáng tiếc khoá 13 có hai đại biểu nữ tự ứng cử bị bãi miễn. Tôi cho rằng đại biểu tự ứng cử hay được đề cử không có sự phân biệt, đều rất tích cực phát biểu.

- Cơ cấu đại biểu tự ứng cử khoá 14 sắp tới ra sao?

- Khoá này có nhiều ứng viên tự do. Hà Nội có 48 người sau hiệp thương vòng hai, điều này rất tốt, chứng tỏ người dân thấy vị trí của diễn đàn này. Còn sự tín nhiệm đến đâu là do người dân.

- Có thông tin tổ chức phản động đứng sau một số ứng viên tự ứng cử, Mặt trận Tổ quốc yêu cầu làm rõ để khỏi ảnh hưởng đến các ứng viên. Việc này đã làm đến đâu và nếu có thì xử lý thế nào?

- Vừa rồi chúng tôi mới nhận được thư kiến nghị của ông Nguyễn Quang A và đã trả lời là không có việc đó. Đây là ý kiến cá nhân chứ không phải ý kiến của tiểu ban an ninh quốc phòng. Cá nhân đưa thông tin lên mạng thì đó là quyền của cá nhân.

- Có ứng viên công khai trên mạng việc lấy tín nhiệm cử tri không minh bạch, quan điểm của Quốc hội về vấn đề này?

- Chúng ta đang trong quá trình hiệp thương, chưa biết người nào vào danh sách. Thời gian vận động bầu cử phải đúng quy định của luật pháp. Quy định phải lấy ý kiến người dân nơi cư trú, vì không ai hiểu người ứng cử bằng người dân nơi họ sinh sống, về đạo đức, gia đình, nhân cách như thế nào. Nếu biểu quyết trên 50% thì mới được giới thiệu, dưới 50% thì đương nhiên không được giới thiệu. Chúng tôi đi đến các nơi, ở đâu địa phương cũng có bản lí lịch đọc cho cử tri, để họ đánh giá rồi biểu quyết. Cái này đã có quy định. 

Vì sao không đánh giá đạo đức, nhân cách đại biểu

- Kỳ họp đầu tiên khoá 14 tới sẽ miễn nhiệm, bầu bao nhiêu chức danh?

- Công tác miễn nhiệm sắp tới ít thôi vì vừa qua đã kiện toàn 37 chức danh. Kỳ họp đầu tiên khoá 14 tới chủ yếu là bầu mới.

- Những chức danh được bầu, phê chuẩn trong lý lịch đều có dòng nhận xét "đã hoàn thành công việc", không có đánh giá về đạo đức, nhân cách. Phiên thảo luận lại là kín, trong khi cử tri có quyền được biết về năng lực, phẩm chất của cá nhân đó, ông nghĩ sao?

- Đây là quy trình công tác cán bộ đã được Quốc hội thông qua, công tác nhân sự đều là họp nội bộ. Đại biểu cũng là đại diện cho dân, quá trình nghiên cứu hồ sơ, đánh giá được thực hiện đầy đủ, có sự cân nhắc, thể hiện quan điểm của mình bằng lá phiếu. Khi công bố kết quả có người phiếu cao, người phiếu thấp, đó là sự đánh giá của đại biểu.

- Quá trình bầu các chức danh chủ chốt, ngoài nhân sự được đề cử có ứng viên nào được giới thiệu thêm?

- Theo quy định đại biểu có quyền ứng cử, đề cử, nhưng trong quá trình làm nhân sự, không đại biểu nào ứng cử, đề cử.

Cuộc họp báo kết thúc sau một giờ hỏi đáp.

Kỳ họp 11 Quốc hội khóa 13 diễn ra từ 20/3 đến 12/4 dành phần lớn thời gian kiện toàn nhân sự Nhà nước.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được miễn nhiệm. Những người được bầu kế nhiệm là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Hàng loạt nhân sự trong bộ máy cũng được bầu mới gồm bà Đặng Thị Ngọc Thịnh thay bà Nguyễn Thị Doan giữ chức Phó chủ tịch nước. Ông Nguyễn Hòa Bình (nguyên Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao) trúng cử làm Chánh án tòa án nhân dân tối cao thay ông Trương Hoà Bình. Ông Lê Minh Trí (Phó trưởng ban Nội chính Trung ương) được bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thay ông Nguyễn Hoà Bình.

Chính phủ cũng có 21 thành viên mới, trong đó có ba tân Phó thủ tướng và 18 Bộ trưởng, trưởng ngành. Ba Phó thủ tướng gồm các ông Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng.

7 dự án luật được thông qua là Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Các đại biểu cũng đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; xem xét báo cáo nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Hoàng Thùy

 

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020