Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghi Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ hai (khóa VIII) có ý nghĩa quan trọng với nhiều nội dung được các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp (sửa đổi), dự thảo kế hoạch tổ chức chương trình tiếp xúc các tầng lớp nhân dân năm 2015 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, thành lập các Hội đồng tư vấn (HĐTV) của UBTƯ MTTQ Việt Nam, dự thảo quy định về việc công nhận, cho thôi làm thành viên của MTTQ Việt Nam.
Làm rõ vấn đề dân chủ, vai trò của MTTQ
Thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã làm khá tốt chức năng phản biện xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa cao. Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013, Bộ Chính trị ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” cùng "Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”, Mặt trận đã chạm được đến những vấn đề rất cơ bản trong việc giám sát những vấn đề lớn liên quan đến Đảng, Nhà nước.
Do đó, vai trò giám sát và phản biện được các đại biểu đề cập đến một cách sâu sắc trong Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi).
Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, trong tình hình hiện nay, Đảng đã khẳng định càng hội nhập, càng mở rộng, càng tư nhân hóa thì tham nhũng, quan liêu, mất dân chủ tranh giành quyền vị ngày càng nhiều, cho nên muốn giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng thì giám sát và phản biện là rất quan trọng.
Bàn về vấn đề này, GS Trần Ngọc Đường cho rằng, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) cần có những thủ tục để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận. Như đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhân dân, giám sát hoạt động của nhà nước phải quy định cụ thể mới làm được. Luật cần bổ sung thêm cách làm để thực hiện quyền đó. Bên cạnh đó, ông Phạm Thế Duyệt cũng cho rằng, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) cần thể hiện rõ Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp 2013 chọn những vấn đề đích đáng, vấn đề mới để đưa vào.
"Như vấn đề tập hợp đoàn kết nhân dân để xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, muốn làm được cần làm rõ vấn đề dân chủ, làm rõ vai trò của MTTQ. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận, quan hệ Nhà nước với Mặt trận cũng cần được thể hiện rõ trong các điều khoản của Luật”, ông Phạm Thế Duyệt khẳng định.
Quang cảnh hội nghị
Tăng cường lực lượng Mặt trận vào Quốc hội
Lịch sử 84 năm qua cho thấy, Mặt trận là người đại diện xứng đáng cho nhân dân, đại diện cho đồng bào. Chính vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII đã hiệp thương dân chủ cử 385 vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong đó có đầy đủ đại diện của các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, 54 dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Đây thực sự là hình ảnh tiêu biểu của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trên tinh thần đại đoàn kết, khi góp ý vào dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và đại biểu HĐND các cấp (sửa đổi), nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hà Văn Núi đã đề cập đến người Việt Nam ở nước ngoài và cho rằng, họ có quyền được tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội nếu đủ tiêu chuẩn theo Điều 22 Luật Tổ chức QH.
"Theo tôi, QH nên và cần cơ cấu đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, cần có quy định cụ thể để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia đại biểu QH. Việc hiệp thương giới thiệu có thể thông qua Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, hoặc họ tự ứng cử. Việc lấy ý kiến nơi công tác có thể thông qua Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài hay Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại…”, ông Núi đề nghị.
Khẳng định vai trò quan trọng Mặt trận trong bầu cử QH như trong giới thiệu, hiệp thương phải thực chất, không mang tính hình thức, ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, Mặt trận cần góp phần cố gắng đổi mới thực chất hơn nữa công tác bầu cử qua việc mở rộng và phát huy dân chủ.
"Làm sao tăng cường lực lượng của Mặt trận và các đoàn thể để mỗi một tổ chức thành viên có một đại biểu QH sẽ có ý nghĩa hơn”, ông Phạm Thế Duyệt đề nghị.
GS. TS Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBMTTQ Việt Nam (khóa VIII) cũng khẳng định, Luật sắp tới phải thể hiện làm sao người dân đi bầu ai thì họ phải biết về người đó, chứ không phải chỉ biết "đại cương” qua ngày tháng năm sinh, cơ quan công tác, chức vụ của người ứng cử. "Phải làm sao để người dân đi bầu phải biết là bầu cho ai chứ không phải là gạch cho xong”, ông Phạm Xuân Hằng nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chào đón đại biểu tham dự Hội nghị
Xem xét cho thôi những tổ chức, cá nhân hoạt động không hiệu quả
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe và cho ý kiến về dự thảo quy định về việc công nhận, cho thôi làm thành viên của MTTQ Việt Nam.
Theo GS TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm HĐTV về Tôn giáo việc công nhận và cho thôi làm thành viên MTTQ Việt Nam quy định này là cần thiết, vì là một tổ chức thì phải có đầu vào và đầu ra.
Về điều kiện được xét công nhận là thành viên MTTQ Việt Nam, theo GS Đỗ Quang Hưng, quy định cần có tư cách pháp nhân. Nhưng với các tổ chức tôn giáo hiện nay chưa hề có tư cách pháp nhân đích thực hay pháp nhân dân sự, họ chỉ là pháp nhân do Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo công nhận.
Cùng quan điểm, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền cho rằng, việc quy định điều kiện các tổ chức được công nhận thành viên phải có tổ chức tương ứng ở trên 50% tỉnh, thành cần xem xét vì thực tế sẽ có nhiều tổ chức ra đời và không nên đặt quy định này như vậy do không phù hợp với xu hướng mở rộng của Mặt trận.
Về quy chế công nhận làm thành viên của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần xem xét điều kiện được xét công nhận là thành viên tổ chức không quy định có tư cách pháp nhân, nhưng nên giữ quy định có điều lệ được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Đối với quy định có tổ chức tương ứng ở trên 50% các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với những tổ chức có quy mô ít nhưng tinh và sâu có những đóng góp quan trọng cho đất nước thì vẫn có thể xem xét quyết định công nhận là thành viên của tổ chức.
Về việc cho thôi là thành viên của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nếu thành viên tổ chức trong thời gian dài không thực hiện quyền và nghĩa vụ thì nên xem xét cho thôi. Với thành viên cá nhân nếu trong thực tế không thực hiện trách nhiệm của mình, không còn uy tín trong cộng đồng cũng nên xem xét cho thôi.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị
Mặt trận là trung tâm điều tiết các mối quan hệ
Sau một ngày làm việc, Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao tinh thần làm việc thẳng thắn của các vị trong Đoàn Chủ tịch, và coi đây là tiền đề để Mặt trận làm việc tốt hơn trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra.
Về Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, cần xác định Mặt trận là trung tâm để điều tiết quan hệ của Mặt trận với các tổ chức thành viên, quan hệ với hệ thống lập pháp, hành pháp, đồng thời bổ sung quan hệ với hệ thống tư pháp, cùng với đó là quan hệ với Đảng, với nhân dân. Luật cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền của MTTQ Việt Nam, quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận để làm rõ hơn tính chủ động của Mặt trận trong hoạt động này.
Đối với dự thảo Luật Bầu cử đại biểu QH và HĐND, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây là việc làm để đổi mới công tác bầu cử cũng như tăng tính chủ động và tương đối độc lập của Mặt trận.
Liên quan đến cơ chế giám sát đại biểu QH sau bầu cử, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là vấn đề đáng suy nghĩ. Hàng năm, các đại biểu QH phải có chương trình hành động của mình và phải công bố để Mặt trận và cử tri có thể giám sát hoạt động của các đại biểu dân cử.
Trân trọng, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu về Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) và Luật Bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp (sửa đổi), Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Ban Thường trực sẽ tổng hợp các ý kiến gửi Ủy ban Pháp luật của QH.
GS Phạm Thị Trân Châu, Chủ nhiệm HĐTV về Khoa học, Giáo dục và Môi trường: Có nhiều việc đang cần Mặt trận giải quyết
Việc bổ sung thêm vấn đề môi trường vào Hội đồng tư vấn về Khoa học – Giáo dục đã được Hội đồng đề nghị từ lâu. Thực tế, Hội đồng tư vấn Khoa học và Giáo dục cũng đã hoạt động trên 3 nội dung gồm: Khoa học - Giáo dục - Môi trường từ nhiều năm nay. Việc bổ sung thêm tên gọi về môi trường là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện hiện nay, đồng thời thể hiện sự nhạy bén, sự quan tâm của Đoàn Chủ tịch đối với hoạt động của từng Hội đồng tư vấn. Trong vấn đề về môi trường, có rất nhiều việc đang cần Mặt trận giải quyết. Vì Mặt trận đại diện cho nhân dân, các nhiệm vụ giám sát và phản biện trên các lĩnh vực này đều là thực hiện theo ý nguyện của nhân dân.
GS. Trần Ngọc Đường: Tăng tính tranh cử trong bầu cử
Nếu có điều kiện đổi mới thì phải tăng tính tranh cử trong bầu cử. Chừng nào không có tranh cử trong bầu cử thì chừng đó khó tìm ra người xứng đáng. Muốn tranh cử trong bầu cử, thì không chỉ đơn thuần tranh cử ở các cuộc tiếp xúc cử tri trong giai đoạn bầu cử, mà phải gắn thế nào việc bầu cử với cử tri đơn vị bầu cử.
Nên chăng, bầu cử ĐBQH 500 người thì chia thành 500 đơn vị bầu cử. Mỗi đơn vị có 2-3 ứng viên tranh luận với nhau để người dân thấy ai là người xứng đáng về năng lực, phẩm chất. Vị đại biểu đó phải gắn với đơn vị bầu cử đó chứ bầu xong cử tri không kiểm soát được, giữa ĐB và cử tri không có quan hệ gì. Làm ĐBQH rất khó, vì quyền hạn rất lớn nhưng cũng rất dễ vì chẳng ai kiểm soát cả. Chính vì vậy, cần phải làm thế nào để ĐBQH gắn cử tri và cử tri giám sát được ĐBQH. |
Dạ Yến -Vũ Mạnh Ảnh: Hoàng Long |