Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN: Triển khai nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới (báo Đại Đoàn Kết, ngày 9/7/2015)

09/07/2015 - 02:15 PM

Ngày 8-7, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ tư (khóa VIII), Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định, hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm và trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015, đồng thời cho ý kiến vào việc đổi mới công tác tôn giáo, công tác dân tộc, đổi mới nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Đây là tiền đề để đổi mới công tác Mặt trận trong giai đoạn mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
chủ trì Hội nghị

Nắm được lòng dân

Tại hội nghị nhiều ý kiến tâm huyết đã được các vị trong Đoàn Chủ tịch đưa ra bàn thảo để công tác Mặt trận đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bàn về việc đổi mới công tác dân tộc ông Phạm Xuân Hằng – Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, trước hết phải lo cho đời sống của người dân.

Theo ông Hằng, khi đồng bào dân tộc còn lo từng bữa ăn, không có cầu để đi, không có trường để học thì vận động sao được? Nêu thực tế từ cơ sở khi khảo sát ở Tây Nguyên, tiếp xúc với đồng bào nhiều ý kiến cho rằng đời sống của người dân chưa được cải thiện, theo ông Hằng, vấn đề cốt lõi của đề án đổi mới công tác dân tộc phải là quan tâm, hỗ trợ đời sống của nhân dân chứ không đơn thuần chỉ là tuyên truyền. Bằng cách nào đó Mặt trận tham gia  giám sát, tham mưu để đề xuất chính sách cho bà con, cải thiện đời sống của họ. 

Bên cạnh đó ông Hằng cũng đề nghị cần sớm giải quyết những hạn chế yếu kém trong công tác dân tộc từ việc nâng cao nhận thức của cấp ủy chính quyền, cơ quan nhà nước về vai trò chức năng của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc. Cụ thể hóa việc thực hiện giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam với các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc qua đó tạo bước đột phá trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào các dân tộc.

Khẳng định những năm qua Mặt trận đã đạt được một số kết quả trong công tác dân tộc nhưng theo ông Lù Văn Que - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và cần thiết phải đổi mới. 

“Cần phải đổi mới thì mới có đoàn kết thực sự. Phải đổi mới cả nhận thức, nội dung, phương pháp để Mặt trận đảm bảo tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - ông Que đặt vấn đề.

Theo ông Que vấn đề cốt lõi của công tác dân tộc là phải nắm được lòng dân, phải tuyên truyền tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ trong đồng bào các dân tộc để tư tưởng đại đoàn kết ngấm vào từng người dân biến thành ý thức tự giác đoàn kết.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tâm huyết đã được đưa ra bàn thảo

Giám sát các chính sách về tôn giáo

Bàn về việc đổi mới công tác tôn giáo – Giáo sư Đỗ Quang Hưng – Chủ nhiệm HĐTV về tôn giáo khẳng định quan điểm, đường lối đổi mới về tôn giáo thì Nghị quyết 25 về tôn giáo là Nghị quyết đầu tiên thực hiện việc này nhưng tại Đại hội 11 của Đảng vừa qua chúng ta đã có một tư tưởng mới cao hơn đó là Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo- mặc dù mới chỉ nêu ra như vậy, trong đó nhấn mạnh tăng cường luật pháp tôn giáo. Theo Giáo sư Hưng, việc đổi mới công tác tôn giáo của Mặt trận nên tổ chức theo tư duy này.

Từ đó ông Hưng đề nghị, có 3 chân đế để xây dựng một nhà nước pháp quyền về tôn giáo. Chân đế thứ nhất là phải giải quyết tốt vấn đề được coi là cốt lõi: vấn đề về giáo hội. Chân đế thứ hai là phải có một chính sách công về tôn giáo. Và chân đề thứ ba là Luật pháp tôn giáo. 

“Mặt trận nên học tập theo kinh nghiệm của một số nước trong đó Mặt trận đóng vai trò như một Hội đồng tôn giáo Quốc gia. Hội đồng này trực tiếp giải quyết những vấn đề lớn nhằm tư vấn cho Đảng, Nhà nước đưa ra những quyết sách quan trọng về vấn đề tôn giáo”, Giáo sư Hưng đề xuất.

Cùng với đó Giáo sư Hưng cũng đề nghị Mặt trận tham gia thúc đẩy, gỡ các điểm vướng để các tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội hóa như giáo dục, y tế, tham gia đóng góp vào việc hoàn thiện những chính sách về tôn giáo…

Ông Đỗ Duy Thường – Nguyên Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định việc tập hợp, đoàn kết đồng bào có đạo là rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết. 

Theo ông Thường để làm tốt công tác tôn giáo, Mặt trận phải thực hiện được chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào có đạo. Trong đó vấn đề phức tạp nhất là những việc liên quan đến đất đai, đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... 

“Những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân mà không được giải quyết tốt, mâu thuẫn giữa tôn giáo với tôn giáo mà không được giải quyết thì tất yếu sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa chính quyền với tôn giáo. Vì vậy, việc tham gia giám sát các chính sách về tôn giáo hết sức quan trọng”, ông Thường nêu ý kiến.

Giáo sư Trần Ngọc Đường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, Mặt trận có chức năng quan trọng trong giám sát và phản biện xã hội do đó trong đề án cần có thêm quan điểm giám sát hoạt động của nhà nước và những người có trách nhiệm để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện trong thực tế ngày càng tốt hơn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. 

Cuộc vận động cần được chuyển đổi về chất

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Mặt trận chủ trì phát động qua 20 năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tuy nhiên theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, đến lúc cuộc vận động cần được chuyển đổi về chất. 

“Cần chuyển hướng cuộc vận động này theo hướng vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” sẽ không tách riêng ra mà sẽ gắn vào cuộc vận động mục tiêu giảm nghèo bền vững. Quỹ vì người nghèo vẫn được giữ để xây nhà đại đoàn kết và chăm lo Tết cho người nghèo”, Phó chủ tịch – Tổng Thư ký  Vũ Trọng Kim đặt vấn đề.

Theo bà Đặng Huỳnh Mai - Ủy viên Đoàn chủ tịch, bên cạnh hai nội hàm xây dựng nông thôn mới và đô thi văn minh cần có các chương trình cụ thể để xây dựng nếp sống văn hóa, về giáo dục, giao thông, chấp hành luật pháp. Hiện nay trong xã hội việc chấp hành luật pháp trong người dân đang có vấn đề. Nhiều việc càng cấm người dân càng hay vi phạm nên cần có một chương trình cụ thể để có thể xây dựng văn hóa trong chấp hành pháp luật, giáo dục giao thông.

Ủng hộ quan điểm đổi mới cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ông Lê Truyền nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị cần phải có bước tính toán cụ thể. Qua 20 năm thực hiện đã trở thành “thương hiệu” của Mặt trận nên cần có tổng kết để kết thúc cuộc vận động cũ và phát động cuộc vận động theo đúng tinh thần đổi mới. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Túc cho rằng cần phải đổi tên cuộc vận động kết thúc một thời kỳ 20 năm để sang một cuộc vận động mới gắn với nội dung mới gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tuy nhiên theo ông Túc cũng cần phải có tổng kết 20 năm thực hiện và phải bàn sâu hơn để các nội dung cuộc vận động phong phú hơn. 

“Mỗi vùng miền có đặc điểm khác nhau nên việc hướng dẫn áp dụng các nội dung của cuộc vận động cần sát với thực tiễn từng địa phương”, ông Túc đề nghị.

Quan điểm đổi mới cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình nhất trí của các vị trong Đoàn chủ tịch để cuộc vận động có sức sống lâu hơn, bền bỉ hơn, hiệu quả hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn mới.

Hội nghị đã nhất trí thông qua
Nghị quyết Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ tư

Triển khai quyết liệt 3 chương trình đổi mới 

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những ý kiến tâm huyết với nhiều ý tưởng sâu sắc qua đó góp phần đổi mới công tác Mặt trận nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Về trọng tâm công tác Mặt trận trong 6 tháng cuối năm 2015, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần tập trung thực hiện việc đổi mới công tác truyền thông và tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong đó tập trung phản ánh được quá trình đổi mới của đất nước cũng như những đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng. 

Cùng với đó triển khai quyết liệt 3 chương trình đổi mới về công tác dân tộc, tôn giáo và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, và 8 chương trình giám sát đã ký kết; Củng cố bộ máy Mặt trận các cấp, hoàn thiện chính sách đối với cán bộ Mặt trận…

Đối với chuyên đề đổi mới công tác dân tộc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần quan tâm đến việc đưa thông tin đến với đồng bào dân tộc cùng với đó phải xây dựng đội ngũ cốt cán người tiêu biểu, bồi dưỡng con em các vùng dân tộc. Việc triển khai các mô hình phải sát với từng địa phương qua đó phát huy đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó cần phải quan tâm giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giám sát các chính sách đối với đồng bào dân tộc…

Về công tác tôn giáo theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cần khẳng định quan điểm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người dân nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, cần tăng cường việc tiếp xúc gặp gỡ định kỳ giữa những người đứng đầu các tôn giáo với lãnh đạo các địa phương để tìm ra những điểm tương đồng, qua đó vận động đồng bào có đạo tham gia vào các cuộc vận động phù hợp với đặc thù của tôn giáo mình như tham gia vào công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo trật tự trị an…Cùng với đó cần phát huy vai trò của người tiêu biểu trong đồng bào có đạo, mời đại diện các tôn giáo tham gia giám sát việc thực hiện công tác tôn giáo tại các địa phương.

Đối với chuyên đề đổi mới cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc đổi mới tên gọi thành cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” với hai mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Tuy nhiên Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị khi triển khai thực hiện cần quan tâm đến việc cụ thể hóa 5 tiêu chí của cuộc vận động cho phù hợp với 19 tiêu chí của nông thôn mới cũng như nhu cầu thực tế của mỗi địa phương. 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các địa phương sớm tiến hành tổng kết khen thưởng 20 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để đến 18/11 Trung ương tiến hành khen thưởng và phát động cuộc vận động mới.

Hội nghị đã nhất trí thông qua Nghị quyết Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ tư.  

Ông Lê Truyền

Mặt trận tiếp cận tôn giáo gắn với văn hóa

Nguyên Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền nhận định, bản thân tôn giáo là văn hóa, gốc của tôn giáo là đạo đức, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Làm sao Mặt trận tiếp cận tôn giáo gắn với văn hóa, để phát huy thế mạnh sao cho các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc. Cùng với đó ông Truyền cũng đề nghị Mặt trận cần quan tâm đầu tư xây dựng một đội ngũ làm công tác tôn giáo có quá trình rèn luyện, hiểu về các tôn giáo để nắm vững chính sách tôn giáo mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới về công tác tôn giáo.

Lù Văn Que

Giải quyết hài hòa lợi ích mới xây dựng được niềm tin 

Theo ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Mặt trận phải thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội vì chỉ có thông qua hoạt động này mới kịp thời phát hiện những đường lối chủ trương chính sách không hợp lòng dân để phản ánh kiến nghị Đảng, Nhà nước điều chỉnh, qua đó giải quyết hài hòa lợi ích các dân tộc mới xây dựng được niềm tin trong các dân tộc và đoàn kết thực sự. “Mặt trận cũng phải góp phần chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cho từng dân tộc, phát huy vai trò người tiêu biểu trong các dân tộc. Cùng với đó cần quan tâm giải quyết tốt vấn đề dân tộc và tôn giáo. Đây là hai vấn đề khác nhau nhưng quan hệ chặt chẽ với nhau nên phải phát huy được mặt tích cực của tôn giáo cũng như hạn chế tiêu cực trong tôn giáo”, ông Que đề nghị.

Ông Phạm Xuân Hằng

Vẫn chưa xây dựng được con người văn hóa

Trao đổi về đổi mới cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ông Phạm Xuân Hằng cho rằng cuộc vận động của Mặt trận mới chỉ vận động ở khu dân cư mà bỏ trống trường học, doanh nghiệp, khu công nghiệp. Trong khi đó, ở học đường bạo lực gia tăng, đạo đức nhiều giáo viên xuống cấp; nhiều vụ án rùng rợn, gần đây là vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước.. “Nguyên nhân ở đâu? Đó là do chúng ta chưa xây dựng thành công con người văn hóa. Mặt trận cần tổ chức hội thảo để tìm ra nguyên nhân cốt lõi và kiến nghị Đảng, Nhà nước có chính sách phù hợp”, ông Hằng chia sẻ.

Ông Võ Sĩ Tuấn

Bảo vệ biển đảo cần phải có tri thức

Bàn về việc tuyên truyền bảo vệ biển đảo, ông Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học cho rằng việc tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng ta vẫn làm nhưng chưa có kế hoạch tuyên truyền dài hạn, căn bản. Thực tế, hiểu biết của người Việt Nam về vấn đề này còn rất ít, nhất là những vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, thềm lục địa.. Cũng theo ông Tuấn, ý thức chấp hành pháp luật trên biển của người Việt Nam, nhất là ngư dân còn yếu, đó là cái cớ để nước ngoài vi phạm. Không ai ngoài Mặt trận có thể làm tốt hơn việc nâng cao hiểu biết cho ngư dân về biển đảo thông qua Hội Nông dân, Hội Nghề cá, Liên minh HTX.  “Cần có kế hoạch để tuyên truyền dài hạn chứ không chỉ nhất thời vì công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta chắc chắn sẽ còn diễn ra trong nhiều năm nữa. Bảo vệ biển đảo cũng cần phải có tri thức”, ông Tuấn đề nghị.

   Vũ Mạnh- Nguyễn Phượng
Ảnh: Hoàng Long

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020