Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn lực và động lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trên tinh thần đó, trong thời gian qua, sức mạnh đại đoàn kết đã được Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền, Mặt trận tổ quốc vận dụng trong mọi quyết sách, cùng nhân dân “đẩy thuyền” vượt qua mọi “sóng dữ” khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ đặt ra.
Covid-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các nước phát triển, tiên tiến đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến chống đại dịch. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên trên bản đồ chống đại dịch Covid-19 như một điểm sáng, “đi sau nhưng về trước” trong cuộc chiến sống còn với loại với virus đặc biệt nguy hiểm. Có được chiến thắng đó là nhờ vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, một sức mạnh mà nhân dân Việt Nam đã vận dụng để đánh thắng giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, dành độc lập dân tộc.
Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 29/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là một trong những “chìa khóa” để chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch.
Phụ nữ Thủ đô chung sức vì cộng đồng chống dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng về việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần ra Lời kêu gọi, hiệu triệu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cả đất nước chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, cả hệ thống chính trị và người dân đã đồng lòng chống dịch. Những quyết sách đã được đưa ra kịp thời. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư ban hành nhiều kết luận, thông báo, điện, công điện, như: Kết luận số 172-TB/TW ngày 21/3/2020 của Bộ Chính trị về phòng, chống dịch Covid-19; Kết luận 77-KL/TW ngày 6/5/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế; Điện ngày 28/7/2020 của Thường trực Ban Bí thư; Kết luận số 11-KL/TƯ ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương 3; Kết luận 07-KL/TƯ của Bộ Chính trị ngày 11/6/2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19; Điện ngày 27/4/2021,Thông báo 10-TB/VPTW ngày 24/8/2021 của Ban Bí thư…
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết, đặc biệt Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thực tiễn phòng, chống dịch.
Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương đã vào cuộc rất tích cực để vận động người dân góp sức, góp của chống dịch. Một lần nữa, sức mạnh đoàn kết chống dịch của nhân dân được phát huy mạnh mẽ dưới sự vận động của mặt trận tổ quốc các cấp.
Thực tiễn từ công tác chống dịch của Hà Nội, con số thống kê tiếp nhận quyên góp chống dịch từ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội đã minh chứng điều đó. Trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ, MTTQ Việt Nam Thành phố đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch đã tiếp nhận ủng hộ với tổng số tiền và hàng hóa trị giá 916,8 tỷ đồng; tiếp nhận, ủng hộ Quỹ "Vắc xin phòng, chống Covid-19" của Trung ương 556,3 tỷ đồng; tiếp nhận 14 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em" và các thiết bị học trực tuyến trị giá hàng chục tỷ đồng; chuyển hỗ trợ công tác phòng, chống dịch 846,564 tỷ đồng.
Nhiều hoạt động sáng tạo do MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn Thành phố triển khai để hỗ trợ công tác phòng chống dịch (Ảnh: TTXVN)
Nhiều hoạt động sáng tạo do MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn Thành phố triển khai để hỗ trợ công tác phòng chống dịch đã huy động sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nhân dân đồng tình và đánh giá cao như: Mô hình “Chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”...; Chương trình “Đoàn kết chống dịch” cung cấp số điện thoại "đường dây nóng" từ Thành phố đến cơ sở để hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn; Chương trình hỗ trợ 158.709 người lao động, sinh viên khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không được nhận hỗ trợ của Nhà nước với tổng số tiền trị giá 79,35 tỷ đồng; Mô hình hỗ trợ người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ 714 người nước ngoài đang sinh sống học tập và làm việc tại Hà Nội; vận động miễn, giảm tiền thuê nhà cho sinh viên, người lao động ngoại tỉnh trên địa bàn...
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, các chương trình an sinh xã hội của các địa phương trên cả nước khi đưa vào triển khai được nhân dân và các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ nhiệt tình. Tổng cộng, công tác an sinh xã hội đã được triển khai với khoảng 120.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 68 triệu lượt người và 1,48 triệu người sử dụng lao động, 150.000 tấn gạo được xuất cấp...
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Sức mạnh đại đoàn kết có tính chất quyết định đi đến thắng lợi trong phòng, chống dịch". Đến ngày 20/10/2023, Covid-19 đã chính thức được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B tại Việt Nam.
Đánh giá cao kết quả phòng chống dịch của Việt Nam, bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia trong phòng, chống dịch bệnh.
Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã bám sát quan điểm chỉ đạo, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, nỗ lực phấn đấu gương mẫu đi đầu, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Thông qua đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.
Thôn Lê Dương, phía nam xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội).
Thôn Lê Dương nằm ở phía Nam xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Thôn có 145 ha đất canh tác, thu nhập bình quân 69 triệu đồng/người/năm. Với 2.160 khẩu/723 hộ, nhân dân trong thôn có truyền thống nền nếp văn hoá lâu đời, luôn biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, giữ tình làng nghĩa xóm. Năm 2023 dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Ban Công tác mặt trận thôn Lê Dương, xã Tam Hưng, Thanh Oai đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, ủng hộ, từ đó góp phần ổn định chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn thôn.
Thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới, mặc dù giá đất hiện nay tăng cao, việc hiến đất làm đường ảnh hưởng đến tài sản và đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân, nhưng qua công tác tuyên truyền của Ban Công tác Mặt trận thôn Lê Dương, người dân nhận thức được giữa cái thiệt và cái được. Cái được lớn nhất là việc mở rộng đường giao thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình lưu thông, đồng thời tạo được bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, các dịch vụ kinh doanh được mở rộng từ đó kinh tế địa phương phát triển, nâng cao đời sống của người dân. Sau khi nghe Ban công tác Mặt trận Thôn vận động hợp tình, hợp lý, đa số người dân có đất đi qua đều đồng tình hiến đất.
Toàn cảnh xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai nhìn từ trên cao.
Bà Nguyễn Thị Dương, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Lê Dương, xã Tam Hưng cho biết: "Việc vận động người dân hiến đất mở đường làm giao thông nông thôn của thôn đã vận dụng linh hoạt các hình thức để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ về vai trò của mình và lợi ích trong việc hiến đất làm đường. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự giác, tự nguyện của nhân dân hiến đất, góp công, góp của xây dựng đường giao thông nông thôn. Ban Công tác Mặt trận thôn kết hợp với Ban chỉ huy thôn và các ban, ngành đã tổ chức vận động nhân dân hiến đất làm đường. Công tác tuyên truyền đã khiến người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu cao nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao là góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Từ đó vận động mọi người cùng chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới với phương châm "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra và Dân hưởng thụ".
Kết quả, trong năm 2023, hộ ông Lê Văn Tuyển hiến 30m2, gia đình bà Nguyễn Thị Thuận hiến 45m2, hộ bà Nguyễn Thị Thu hiến 15m2. Tổng diện tích đất được hiến để mở rộng đường là 90m2, trị giá khoảng 1,45 tỷ đồng.
Nhờ sự đóng góp của nhân dân, đường làng, ngõ xóm trở nên thông thoáng hơn.
Ông Bùi Văn Trường, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tháp Thượng nhớ lại thời điểm năm 2009, xã Song Phượng được thành phố Hà Nội chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Làm thế nào để người dân cùng chung sức, đồng lòng thực hiện với chủ trương lớn là một vấn đề khó đối với chính quyền địa phương lúc bấy giờ. Trong bối cảnh đó, các cấp lãnh đạo, trực tiếp là Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các đoàn thể của xã, nhân dân trong toàn thôn đã vào cuộc tích cực. Khi chủ trương đã được thông suốt, sức mạnh đoàn kết xây dựng nông thôn mới được phát huy, từ chi ủy, chi bộ, các đoàn thể, nhân dân đều tham gia sinh hoạt học tập, tiếp thu và triển khai.
Cảnh quan môi trường sạch đẹp trong xây dựng nông thôn mới ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng
Ban Công tác mặt trận, các tổ chức thành viên cùng nhân dân chủ động nắm bắt, quán triệt đầy đủ 5 nội dung, tiêu chí chính về chương trình xây dựng nông thôn mới- nông thôn mới kiểu mẫu triển khai xây dựng; vừa làm vừa vận động kịp thời, cụ thể, sát thực tế, từng khâu, từng việc đến mọi thành viên, hội viên và nhân dân. Nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho kiến thiết xây dựng.
Đỉnh cao sôi động nhất là năm 2011-2012, toàn thôn, toàn xã như một đại công trình xây dựng nông thôn mới. Chính sự đồng lòng của người dân và chính quyền các cấp đã mang lại hiệu quả thắng lợi để xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2013; hoàn thành nông thôn mới nâng cao năm 2019 và hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Xã Song Phượng trở thành một trong những xã đi đầu của huyện. Và sau này, huyện Đan Phượng cũng là huyện dẫn đầu thành phố về xây dựng nông thôn mới.
Đường làng được mở rộng sạch đẹp khi người dân tham gia hiến đất mở đường, trồng cây hoa làm đẹp môi trường ở tuyến đê kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới ở xã Song Phượng.
“Quá trình xây dựng và phát triển, thôn Tháp Thượng luôn là điểm sáng của xã hoàn thành nông thôn mới - nông thôn mới kiểu mẫu. Tính riêng trong năm 2022, nhân dân đã xã hội hóa trên 100 triệu đồng cùng gần 500 ngày công lao động xây dựng 1,8km tuyến đê kiểu mẫu. Đến nay, bộ mặt làng quê thôn Tháp Thượng đã và đang khởi sắc, đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được tiến bộ và nâng cao rõ rệt. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được duy trì và phát huy, người dân sống an vui, hạnh phúc” – ông Trường cho biết.
Theo ông Trường để có được những kết quả trong phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu là do thôn Tháp Thượng luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân. Từ những hoạt động cộng đồng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư đã khơi dậy được niềm tin yêu trong nhân dân, xây dựng tình đoàn kết chung tay đồng lòng vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Từ Ban Công tác mặt trận đến các thành viên bằng sự nỗ lực, tự giác tham gia hăng hái, trách nhiệm, với tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, đất nước. Ban Công tác Mặt trận cùng các đoàn thể và nhân dân thôn Tháp Thượng luôn ý thức và không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong mọi hoạt động. Cán bộ, đảng viên luôn đầu tàu, gương mẫu, nhân dân luôn làm chủ, tự lập tự cường, tích cực, chủ động, sáng tạo trong lao động học tập công tác.
Một trong 30 mô hình, sáng kiến được Thành phố Hà Nội trao tặng bằng khen vừa qua là sáng kiến “Xã hội hóa hệ thống camera an ninh tại các tổ dân phố trên địa bàn phường” của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy.
Sáng kiến “Xã hội hóa hệ thống camera an ninh tại các tổ dân phố trên địa bàn phường” của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy
Trong những năm qua, công tác an ninh trật tự trên địa bàn phường còn tiềm ẩn những vấn đề bất ổn như: Còn xảy ra nạn trộm cắp, bẻ khóa vào nhà dân; tình trạng đổ trộm phế thải rác thải, vứt rác không đúng nơi quy định vẫn còn thường xuyên xảy ra. Một số hộ gia đình còn chủ quan, ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao. Việc phối hợp với các cơ quan chức năng ở một số tổ dân phố và phương án phối hợp xử lý khi có sự việc xảy ra về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong trong các tổ dân phố chưa được đồng đều.
Mục đích của sáng kiến là thông qua thực trạng trên trong các tổ dân phố trên địa bàn phường đề ra những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn về an ninh trật tự tạo sự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm được sạch sẽ, khang trang. Từ đó giúp nâng cao ý thức của người dân trong phường, đồng thời lan tỏa, nhân rộng trong toàn phường.
Điểm mới của sáng kiến là thực hiện việc xã hội hóa việc lắp đặt camera công cộng tại các tổ dân phố, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Mô hình này đã được triển khai áp dụng đồng bộ, để thời gian tới công tác an ninh trật tự luôn được giữ vững, vệ sinh môi trường sẽ ngày càng đi vào nền nếp, sạch sẽ đường làng ngõ xóm. Nhân dân trong phường sẽ nâng cao ý thức tự giác hơn nữa trong việc đảm bảo an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Cán bộ khu dân cư bàn bạc xã hội hóa việc lắp đặt và nghiệm thu camera an ninh
Từ tháng 10/2021, phường bắt đầu triển khai thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa. Ban đầu mới có 2 tổ dân phố là tổ 20 và tổ 11 với 4 mắt camera công cộng được kết nối để theo dõi an ninh. Sau 3 năm triển khai thực hiện, hiện nay đã có 28/28 tổ dân phố xây dựng hệ thống camera an ninh, qua quá trình sử dụng đã mang lại kết quả tích cực. Người dân có ý thức hơn trong việc tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn phường. Các tổ dân phố thậm chí là người dân có thể theo dõi, quan sát các khu vực trong tổ và ngõ xóm qua hệ thống máy tính hoặc điện thoại thông minh. An ninh trật tự trên địa bàn tổ dân phố được bảo đảm hơn so với năm không có camera an ninh. Việc truy xuất dữ liệu, hình ảnh rất dễ dàng, thuận lợi cho việc điều tra, làm rõ, xác định người vi phạm, khi có sự việc xảy ra.
Ông Trần Quốc Tùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Nghĩa Đô cho biết: "Đây là mô hình được UBND - Ủy ban MTTQ phường phát động từ cuối năm 2021, qua công tác vận động tại các tổ dân phố, địa bàn phường đã có hơn 1.500 mắt camera đặt tại bên ngoài nhà các hộ gia đình có thể sử dụng để lấy dữ liệu hình ảnh khi cần thiết. UBND phường triển khai xây dựng mô hình xã hội hóa camera an ninh tại các tổ dân phố trên địa bàn phường nhằm đảm bảo tình hình ANTT, vệ sinh môi trường, cung cấp, cập nhật kịp thời các thông tin về diễn biến, tình tiết quan trọng để phục vụ điều tra, truy vết cũng như giám sát hoạt động tại cộng đồng dân cư".
Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực vận động nhân dân tham gia mô hình xã hội hóa lắp đặt camera giám sát an ninh.
Theo ông Tùng, Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia vào mô hình. Bước đầu có 2 tổ dân phố đã xã hội hóa camera an ninh của tổ dân phố tại các tuyến ngõ đầu ra, vào của tổ, đó là tổ 11 và tổ 20. Tính đến nay đã có 28/28 tổ dân phố xây dựng được hệ thống camera an ninh, trong đó có 165 vị trí công cộng do tổ dân phố lắp đặt bằng nguồn XHX và 1.350 vị trí nhà dân tự lắp đặt. Toàn bộ 1.350 vị trí camera đều được tổng hợp số điện thoại di động và tạo thành 13 nhóm zalo được phân theo 13 ô khu vực có cảnh sát khu vực phụ trách và các thành viên của nhóm gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ, Công an phường, các đồng chí CSKV, tổ tuần tra nhân dân, tổ bảo vệ dân phố (PCCC); lực lượng dân phòng; Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Trưởng ban CTMT và đại diện các hộ dân có camera an ninh.
Mô hình camera an ninh đưa vào hoạt động, từ trụ sở làm việc, Công an phường có thể theo dõi được tình hình an ninh trật tự, giao thông trên khắp địa bàn
Qua các nhóm Zalo đó người dân và các lực lượng chức năng có thể trao đổi hoạt động, trích xuất các thông tin quan trọng, phục vụ điều tra khi cần thiết để đảm bảo ổn định tình hình ANTT trên địa bàn phường. Từ khi thực hiện mô hình camera an ninh tại các tổ dân phố, tình hình an ninh trật tự địa phương được đảm bảo ổn định, người dân có ý thức hơn trong phòng, chống tội phạm cũng như bảo vệ môi trường sống.