Tiếp sau đó, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội:
ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Sinh Hùng- Phó Thủ tướng Chính phủ...
cùng các nguyên lãnh đạo: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu... đã thành kính dâng
hương lên Đức vua Lý Thái Tổ.
Ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư
Thành ủy Hà Nội, đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Đại lễ. Bài
phát biểu đã điểm lại những mốc son hào hùng của Thăng Long 1000 năm, những con người Hà Nội thanh lịch đã làm nên một Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến, 1000 năm anh hùng.
Từ năm 1010, đức vua Lý Thái Tổ đã khẳng định, Thăng
Long là nơi hội tụ của linh khí đất trời Việt, là nơi địa linh lập kinh
đô ngàn đời bền vững. Đức vua Lý Thái Tổ đã ban "Thiên đô chiếu" (Chiếu
dời đô), dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, từ đấy Thăng Long- Hà Nội
trở thành Kinh đô, thành Trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của cả
nước. Mảnh đất này là nơi sinh ra những anh hùng, những bậc hiền tài có
công trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Là nơi chứng kiến
những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Hà Nội, kỷ niệm 1000 năm lịch sử,
luôn khắc ghi nhưng người con của mọi miền đất nước đã chung tay xây
dựng, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội, mãi mãi Hà Nội không quên Tổng đốc
Hoàng Diệu, những chiến sỹ cảm tử ôm bom ba càng trong những ngày Hà Nội
kháng chiến.
Và đến hôm nay, Hà Nội đã tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mọi mặt để xứng đáng là Thủ đô của đất nước.
Bà Irina Pokova, Tổng giám đốc UNESCO
đã trao bằng Di sản văn hoá thế giới khu Trung tâm hoàng thành Thăng
Long cho lãnh đạo Thành phố Hà Nội. Bà Pokova cho hay: "Không có một
kinh đô nào, một thủ đô nào trên thế giới có một bề dày lịch sử, văn hóa
được lưu giữ một cách trọn vẹn như Hà Nội. Hà Nội xứng đáng cái nôi văn
hóa không chỉ của Việt Nam mà là của cả châu Á".
Bà Pokova hy vọng Hà Nội sẽ là hết sức mình để giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông để lại qua các áng văn bất hủ.
1000 con chim bồ câu từ 4 góc hồ Hoàn Kiếm tung cánh
bay lên trời thu Hà Nội. Riêng quả địa cầu lớn đặt bên trái sân khấu có
600 con. Chim bồ câu - biểu tượng của Hòa Bình, Hà Nội - Thành phố Vì
Hòa Bình.
Được biết, tất cả số chim bồ câu lần này đều do những
nghệ nhân nuôi chim tại huyện Yên Phong - Bắc Ninh cung cấp. Những chú
chim này là chim nuôi để thi đấu, và chúng đã trải qua một vài cuộc đấu
trước khi về đây dự Đại lễ.
Đặc biệt, sau khi số chim này được thả, chúng sẽ bay về Bắc Ninh, quê của vua Lý Thái Tổ.
"Để đảm bảo số chim bay đúng hướng, chúng tôi đã đào
tạo một con chim đầu đàn và cho bay từ trước, để khi toàn bộ chim được
thả, chúng sẽ bay theo con đầu đàn về Bắc Ninh, sau đó chim nhà nào sẽ
bay về nhà đấy" - Ông Nghiêm Văn Hoan, thành viên hội chơi chim Yên
Phong (cung cấp chim bồ cầu phục vụ Đại lễ) cho biết.
Ngay sau phần nghi lễ, một chương trình nghệ thuật
đặc sắc đã tái hiện những mốc son trong lịch sử Hà Nội. Từ hình ảnh dời
đô, đến các chiến sỹ cảm tử quân chiến đấu bảo vệ từ góc phố Hà Nội
trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Từ những "ngày đạn bom" đến
hôm nay Hà Nội rực rỡ ngàn năm.
Tổng đạo diễn lễ khai mạc, ông Đặng Văn Hùng, Giám
đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội cho hay: "Những tiết mục trình diễn tại
lễ khai mạc mang dấu ấn, tầm vóc sự kiện lịch sử của dân tộc, thể hiện
tính linh thiêng, hào hùng sâu lắng, xúc động, nhưng hào hoa và thanh
lịch của người Hà Nội".
Sau lễ khai mạc tại vườn hoa Lý Thái Tổ, 5 sân khấu
xung quanh hồ Hoàn Kiếm do các nhà thơ, nghệ sĩ, đạo diễn: Phan Huyền
Thư, Thảo Vân, Đức Trịnh, Đinh Công Thuận, Lại Văn Đăng phụ trách sẽ
trình diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc với các chủ đề: “Thăng
Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến”, “Thăng Long - Hà Nội, thành phố vì hòa
bình”, “Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển”, “Hà Nội, trái tim
của cả nước" và biểu diễn quân nhạc " Những bài ca bất hủ về Hà Nội".
Ảnh: Ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu khai mạc Đại lễ
Quỳnh Anh