Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (báo Nhân Dân, ngày 21/10/2015)

21/10/2015 - 02:41 PM

* Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang,Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Nguyễn Thiện Nhân dự

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ

Tại Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TUẤN HẢI

Hôm qua, 20-10, tại Hà Nội, Quốc hội (QH) khóa XIII đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 10. Đây là kỳ họp cuối năm, với nhiều nội dung quan trọng về công tác xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước.

Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện các Đoàn đại biểu QH đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, QH họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp.

Đúng 9 giờ, QH họp phiên khai mạc. Đến dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; cùng các vị đại biểu khách mời, các vị lão thành cách mạng, các đại biểu QH những khóa trước; đại diện các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế; đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.

Phát biểu ý kiến khai mạc kỳ họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Năm 2015, tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn giảm, giá dầu giảm sâu; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến khó lường… đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta. Ở trong nước, với sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cộng đồng doanh nghiệp, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu ngân sách nhà nước thiếu bền vững, bội chi cao, nợ công tăng; nông nghiệp tăng trưởng thấp, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn. (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo hôm nay).

Tiếp đó, QH nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016. Theo Báo cáo của Chính phủ, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng. Tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ cũng thẳng thắn báo cáo về những khó khăn của kinh tế - xã hội đất nước. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại. Nhiều mặt hạn chế, yếu kém về văn hóa, xã hội khắc phục còn chậm; đạo đức xã hội ở một bộ phận không nhỏ xuống cấp; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi... (Toàn văn Báo cáo đăng số báo hôm nay).

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đó, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều tâm tư, lo lắng trước tình hình kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm chưa bảo đảm; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn ra phức tạp; tình hình cháy, nổ xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người và tài sản; thiên tai, mưa lũ gây ngập lụt ở nhiều địa phương; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi.

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái luật pháp quốc tế các công trình tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đồng thời cần kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp. Đồng thời, chưa hài lòng về việc một số văn bản pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và hướng dẫn thi hành luật mới ban hành còn chậm. Cử tri và nhân dân mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, MTTQ tiếp tục đề cao trách nhiệm giám sát, yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Về tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cử tri và nhân dân ở nhiều nơi còn băn khoăn về việc huy động đóng góp của người dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn còn cao, một số sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ, bị ứ đọng… trên thị trường vẫn còn lưu thông nhiều loại hàng hóa như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả hoặc kém chất lượng, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc; hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp gây thiệt hại đến sản xuất, tiêu dùng, khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016. Báo cáo thẩm tra cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình KT-XH nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015 và dự kiến có 13 trong số 14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của QH.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp; nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá. Cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Tình hình trật tự an toàn xã hội còn một số tồn tại, một số lễ hội thiếu lành mạnh, kém văn minh gây phản cảm; một số vụ án hình sự nghiêm trọng, một số vụ sát hại nhiều người gây lo lắng trong nhân dân. Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế tăng dần từ 5,25% năm 2012 và dự kiến đạt khoảng 6,5% năm 2015… Tuy nhiên, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 dự kiến chỉ đạt 5,88%/năm thấp hơn giai đoạn trước và không đạt chỉ tiêu QH đề ra; chỉ tiêu yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp tăng trưởng chỉ ở mức 24 đến 25%; chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Về dự báo tình hình, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển KT- XH năm 2016, Chính phủ cần đánh giá thêm các mặt thuận lợi, thời cơ, thách thức mới, nhất là sau các chuyến thăm và làm việc thành công của các đồng chí lãnh đạo cấp cao nước ta tại một số nước có nền kinh tế lớn gần đây và sự kiện kết thúc đàm phán TPP. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nước ta sẽ thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tiếp tục những mục tiêu đang được triển khai: Ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược, tăng cường giám sát bảo đảm triển khai hiệu quả nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người có công, người nghèo, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tạo việc làm, triển khai chuẩn hộ nghèo mới. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và cải cách hành chính. Đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, cương quyết loại bỏ những người gây cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết hiệu quả vấn đề bức xúc xã hội, thường xuyên trấn áp mạnh tội phạm; giảm bớt tai nạn giao thông. Tiếp tục hoàn thiện các phương án chủ động bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống.

Buổi chiều, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016. Thẩm tra Báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho biết: Tình hình thực hiện NSNN năm 2015 đã có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5%, vượt mục tiêu QH đề ra (6,2%), một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khá ổn định, tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và khu vực chưa ổn định, môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước chưa được cải thiện nhiều, giá dầu thô giảm mạnh, nhập siêu có xu hướng tăng, thị trường tài chính, thị trường bất động sản phục hồi chưa mạnh, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm… Những yếu tố này đã tác động không nhỏ đến kết quả thu NSNN năm 2015; cơ cấu thu đã có những thay đổi, thu nội địa ngày càng chiếm vị trí chủ yếu, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, mức độ huy động vào NSNN từ GDP qua thuế, phí có xu thế giảm so với giai đoạn trước... Về công tác chi NSNN năm 2015 nhìn chung đã bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết của QH, tiết kiệm chi khá tích cực, hạn chế ban hành chính sách mới làm tăng chi, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản khá lớn, ước thực hiện dự toán chi NSNN tăng thấp (1,4% so với dự toán). Mức dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, trong giới hạn an toàn cho phép (65% GDP)...

Về thu NSNN năm 2016, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Nếu không tính 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thì tổng thu NSNN tăng 6,1%, mặc dù đây là mức tăng dự kiến thấp, nhưng với tình hình thu từ dầu thô đạt thấp do giá giảm mạnh; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế, một số chính sách thuế đến thời điểm điều chỉnh giảm thuế suất, để bảo đảm tính chủ động, an toàn trong điều hành NSNN. Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2016 ở mức 4,95% GDP (254.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015), nợ công đến ngày 31-12-2016 ước khoảng 63,2% GDP…

Tiếp đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016-2020. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, đánh giá tình hình thực hiện CTMTQG giai đoạn 2011-2015 cho thấy: Về huy động vốn cho thực hiện các CTMTQG thấp và chưa hợp lý khi ngân sách trung ương vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các nguồn vốn khác đạt tỷ lệ thấp so với mức vốn đã được phê duyệt. Việc phân bổ và giao vốn CTMTQG còn chậm, giao không hết kinh phí; phân bổ còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Chỉ tiêu đạt được của một số chương trình còn thấp so với kế hoạch, thể hiện hiệu quả đầu tư chưa cao, dàn trải, thiếu tập trung. Cơ chế quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện một số CTMTQG chưa hợp lý, việc lồng ghép còn hạn chế.

Sau khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về phương án này.

Tại phiên làm việc buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển còn trình bày Báo cáo thẩm tra về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế.

* Chiều 20-10, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội (QH) Việt Nam tổ chức gặp mặt nữ đại biểu QH khóa XIII, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10.

Tới dự gặp mặt có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch QH; Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, phụ nữ Việt Nam đang đóng góp một phần quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước, với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động. Việt Nam là nước có tỷ lệ nữ đại biểu QH cao ở khu vực và thế giới. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các nữ đại biểu trong nhóm nữ đại biểu QH và các cơ quan liên quan cùng nhau hành động để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ thật sự có quyền bình đẳng, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Mỗi người phụ nữ dù làm việc ở cương vị, vị trí nào cũng cần hành động, nỗ lực vì sự nghiệp bình đẳng giới.

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ QH tổng hợp được 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH, trong đó có 2.024 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu QH của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 2.468 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.

Thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế tăng dần từ 5,25% năm 2012 và dự kiến đạt khoảng 6,5% năm 2015... Tuy nhiên, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến đạt 5,88%/năm, thấp hơn giai đoạn trước và không đạt chỉ tiêu QH đề ra; chỉ tiêu yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp tăng trưởng chỉ ở mức 24 đến 25%; chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có huyện, có xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50%...

(Nguồn: Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011 - 2015)


PV
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020