Khẳng định quyền con người

11/03/2013 - 12:00 AM

Sự tiến bộ về quyền con người
Đóng góp ý kiến vào lời nói đầu của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, linh mục Dương Phú Oanh – Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội cho rằng, lời nói đầu hơi dài và mang dáng dấp của một đoạn sách giáo khoa về lịch sử. “Lời nói đầu trong Hiến pháp nhiều nước đều ngắn gọn. Như Hiến pháp 1789 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có 67 từ, Hiến pháp của cộng hòa Pháp có 123 từ. Trong số 110 Hiến pháp của các nước mà chúng tôi tìm hiểu chỉ có 29 bản Hiến pháp có lời nói đầu và đều rất ngắn gọn.” Theo linh mục Oanh: lời nói đầu phải nói về sự cam kết của mọi người nhằm bảo vệ độc lập cho Đất nước, tự do cho nhân dân.
Đóng góp ý kiến về chương 2 quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, theo linh mục Dương Phú Oanh, dự thảo đã có tiến bộ là phân biệt quyền con người và quyền công dân. “Trong Hiến pháp 1992 công nhận quyền con người thể hiện ở các quyền công dân, trong khi đó quyền con người rộng hơn quyền công dân. Quyền con người dành cho tất cả mọi người từ khi sinh ra đến khi qua đời, còn quyền công dân chỉ dành cho những người tròn 18 tuổi trở lên. Sửa như điều 17 “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” là tiến bộ hơn điều 52 của Hiến pháp 1992: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, linh mục Oanh phát biểu.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của tiến sĩ Phạm Huy Thông – Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội. Theo tiến sĩ Thông: điều 25 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này ghi “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…”. Việc bổ sung thêm từ “mọi người” thay cho từ “công dân” của Hiến pháp năm 1992 là một sự tiến bộ vì trẻ em dưới 18 tuổi cũng có quyền này và ngay cả những người bị tước quyền công dân vẫn có thể được thực hiện hay đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo. Đây không chỉ là ứng xử nhân văn mà còn giúp can phạm bình tĩnh cải tạo tốt và các tử tù bình tĩnh đón nhận sự trừng phạt của pháp luật”, ông Thông phát biểu.
Phân định rõ giám sát và phản biện của Mặt trận
Điều 9 quy định về MTTQ Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Tiến sĩ Phạm Huy Thông đặt vấn đề về khoản 2 ghi vai trò của MTTQ Việt Nam là “giám sát và phản biện xã hội với các hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức”. Theo tiến sĩ Thông, cần tách bạch hai nhiệm vụ này. Giám sát là giám sát các hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức. Còn phản biện là phản biện lại những chủ trương chính sách của Đảng.
Khoản 3 điều 9 ghi “Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”. “Do tầm quan trọng của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị Hiến pháp nên ghi “Nhà nước đảm bảo điều kiện để MTTQ Việt Nam hoạt động và tạo điều kiện cho các tổ chức thành viên của Mặt trận hoạt động”, tiến sĩ Thông khẳng định.
Ông Bùi Thế Vinh – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo đề nghị ở khoản 2 điều 9 cần thay cụm từ “giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động…” bằng cụm từ “Mặt trận Tổ quốc giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức, viên chức; thực hiện phản biện xã hội đối với những Chủ trương, Chính sách, Quyết định… của các cơ quan Nhà nước”. Có như vậy mới phân định rõ Mặt trận Tổ quốc giám sát cái gì và phản biện xã hội cái gì, ông Vinh nhấn mạnh.
Theo ông Trần Mạnh Thành – Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo quận Hai Bà Trưng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có những vấn đề cần xem xét lại như điều 70 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Dự thảo sửa đổi ghi “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân…”. Theo ông Thành từ ngày thành lập nước đến nay, lực lượng vũ trang luôn một lòng trung thành với Tổ quốc, nhân dân, phục vụ cho lợi ích của dân tộc. Do đó phải đặt Tổ quốc, nhân dân lên trên hết.
Ông Thành đặt câu hỏi có cần đưa việc trung thành với Đảng lên trước cả trung thành với Tổ quốc hay không? Đưa như vậy có hợp lý không? “Dù Đảng là đội ngũ tiên phong lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì Đảng vẫn phải nằm trong nhân dân và phụng sự Tổ quốc. Tôi đề nghị chỉ cần quy định lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân. Như vậy cũng đã bao hàm đầy đủ các nghĩa rồi”, ông Thành phát biểu.

Trung Hiếu

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020