Ngày nay, ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 âm lịch được
Nhà nước ta chọn là ngày Quốc Lễ, có hàng nghìn đồng bào ta ở khắp đất
nước và việt kiều trở về Tổ quốc, đến dự. Lễ giỗ Tổ được tổ chức trên
vùng đất xa xưa Vua Hùng lập kinh đô, nơi cội nguồn của dân tộc, nay
thuộc xã Huy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.
Một quần thể kiến trúc được xây dựng rất lâu đời.
Theo Ngọc phả Hùng Vương viết từ năm 1470, khu di tích đền Hùng đã có
quy mô rộng lớn. Quây quần xung quanh núi Nghĩa Lĩnh có Đền Hạ, Đền
Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, Chùa Thiền Quang và lăng Vua Hùng. Tất cả
đều được xem là những di tích đầy kỉ niệm.
Tuần tự từ dưới lên, trải qua cổng đền (mới làm năm
1917), cổng cao 8,5m, rộng 4,5m. Nóc cổng 8 mái, hai bên cánh gà có phù
điêu là hai võ sĩ cầm dáo, chùy để bảo vệ Đền Hùng. Đi 225 bậc tiến lên
là Đền Hạ. Theo truyền thuyết, nơi đây bà Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm
trứng, nở thành 100 người con, 50 người đi lên rừng, 50 người xuống bờ
biển. Hai chữ “đồng bào” có lẽ phát tích từ nơi đây.
Rời Đền Hạ, lên 168 bậc, ngay sườn núi Nghĩa Lĩnh,
đến Đền Trung. Theo truyền thuyết, đây là nơi Lang Liêu đã dâng bánh
chưng, bánh dày lên vua cha nhân ngày Tết. Vậy đây là nơi xuất xứ của
sản phẩm tiêu biểu cho phong vị quê hương. Đền Hạ là nơi các Vua Hùng
triệu tập, họp các Lạc Hầu, Lạc Tướng.
Lên cao nữa là Đền Thượng, được trùng tu nhiều lần từ
thế kỷ 19. Đây là nơi Vua Hùng thứ 6 lập đền thờ Thánh Gióng, sau khi
đánh thắng giặc Ân. Bên trái Đền Thượng là lăng Vua Hùng (Vua Hùng thứ
6).
Chùa Thiền Quang nằm bên phải Đền Hạ, Đền Giếng nằm
bên trái. Đền Giếng có giếng ngọc, tương truyền là nơi hai nàng công
chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường đến để soi bóng, nước rất trong và
quanh năm không bao giờ cạn.
Đúng như lời ca dao, lễ hội Đền Hùng được tổ chức vào
ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch. Lễ là cuộc tế long trọng đầy đủ nghi thức
cấp quốc gia. Các vị chủ tế ngày xưa là người đại diện cho nhà vua,
ngày nay là người đại diện cho Nhà nước. Lễ vật là lễ tam sinh: lợn, bò,
dê mỗi thứ một con để nguyên và hai sản phẩm không thể thiếu đó là bánh
chưng và bánh dày. Tiếng trống đồng ngân vang, xúc động. Tế lễ thể hiện
lòng thành kính, biết ơn của con Lạc, cháu Hồng đối với Tổ Tiên.
Tiếp theo phần lễ là phần hội, mở đầu là các cuộc
rước. Trước hết là rước cỗ chay, rước bánh chưng bánh dày. Đây là cuộc
rước độc đáo , không chỉ để tưởng nhớ Lang Liêu, mà sâu đậm hơn là nhớ
ơn các vị Vua Hùng, thánh Tản Viên đã dạy cho dân cách trồng lúa. Lại có
cả rước voi mang tính tượng trưng. Các cụ nói ngày xưa có cả một đoàn
voi thực kéo đi diễu hành. Cuối cùng là tiết mục mới: kiệu bay. Các làng
xung quanh núi Nghĩa Lĩnh đem những kiệu của làng, trai tráng cầm cờ
nhiều màu sắc từ các ngả rước kiệu về Đền Hạ, chạy quanh sân đền. Ý
nghĩa cuộc rước này là chứng minh con cháu xa gần cùng về lễ Tổ.
Cùng với các đám rước là các trò vui xung
quanh đền Hùng góp không khí tưng bừng trong ngày lễ hội. Trên hồ Đá Vao
bên chân núi Nghĩa Lĩnh, diễn ra thi bơi của các đội thuyền rồng. Quanh
bờ hồ, bên sườn núi, dọc hai bên đường quốc lộ và tỉnh lộ có những rạp
tuồng chèo, những cây đu tiên, những cuộc ném còn của trai thanh gái
lịch, những phường xoan về hát xoan (một điệu dân ca của vùng Phú Thọ,
Vĩnh Phúc ). Người các địa phương mở nhiều quán ăn uống, quán bán hàng
lưu niệm. Ở đây trưng bày các sản phẩm địa phương như bưởi Đoan Hùng,
chè Phú Thọ, dứa Tam Đảo.
Mùa xuân của lễ hội Đền Hùng là cả một mùa xuân rực
rỡ với không khí sôi động, tươi vui. Lễ hội Đền Hùng mang ý nghĩa linh
thiêng trở về cội nguồn dân tộc, là biểu trưng của chủ nghĩa yêu nước
Việt Nam.
Quỳnh Linh