Luật Mặt trận - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết (theo báo Đại Đoàn Kết, ngày 11/06/2015)

11/06/2015 - 02:31 PM
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, thêm một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Mặt trận trong việc tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết về sự kiện này- sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay. 



Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim
Ảnh: Hoàng Long 

Sự hưởng ứng từ tinh thần đồng thuận 

PV: Thưa Phó Chủ tịch - Tổng thư ký, việc Quốc hội vừa thông qua Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) đã mang đến niềm vui cho người làm Mặt trận. Đối với cá nhân ông chắc hẳn đây là một điều đặc biệt? 

Có thể nói, Luật Mặt trận được thông qua đã cụ thể hóa rõ ràng, minh bạch và có cơ sở để tổ chức thực hiện hoạt động của Mặt trận như Điều 9, Hiến pháp 2013 đã hiến định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. 
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Vũ Trọng Kim: Có thể nói, sau hai lần thảo luận về Luật Mặt trận, cuối cùng, các đại biểu Quốc hội đã tự tin ấn nút quyết định thông qua Luật với tỉ lệ rất cao: 85,25% tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13. 

Điều này chứng tỏ, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến Luật Mặt trận. Là người của Mặt trận, tôi vô cùng xúc động vì sự kiện này. Nhưng ý nghĩa của việc này còn vượt qua cả nghị trường Quốc hội. Đó chính là sự quan tâm của toàn xã hội đối với vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta đều thấy rằng, đất nước còn khó khăn, còn nhiều thách thức lớn lao ở phía trước cho nên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần xây dựng đồng thuận, xây dựng và bảo vệ tổ quốc luôn được đưa lên hàng đầu. Như vậy việc thông qua Luật Mặt trận có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Sự hưởng ứng này nhằm vào mục đích lâu dài của Mặt trận, phấn đấu theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đồng lòng chung sức xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.  

Khẳng định trách nhiệm của Mặt trận trong Hiến pháp 

Theo ông, điểm nhấn ấn tượng nhất của Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam sửa đổi là gì? 

- Có thể nói, Luật Mặt trận được thông qua đã cụ thể hóa rõ ràng, minh bạch và có cơ sở để tổ chức thực hiện hoạt động của Mặt trận như Điều 9, Hiến pháp 2013 đã hiến định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. 

Việc thông qua Luật Mặt trận đã nói lên trách nhiệm xã hội của Mặt trận trong điều kiện hiện nay đó là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ và đồng thuận xã hội. Trách nhiệm đó của Mặt trận được xác định rõ ràng trong Luật: Đó là tuyên truyền vận động để nhân dân thực hiện được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; Thực hiện được việc đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và thực hiện giám sát và phản biện xã hội. 5 vấn đề trên nêu ra đã cho thấy quyền và trách nhiệm của Mặt trận rất rõ ràng. Đó là sứ mệnh cao cả mà Mặt trận tổ quốc Việt Nam phải phấn đấu trong giai đoạn mới với ý thức trách nhiệm lớn lao. 

Xác lập vai trò Ban Công tác Mặt trận 

So với lần trước, Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam sửa đổi lần này có điểm gì mới, thưa ông?
 
- Luật Mặt trận có 8 chương, 41 điều, trong đó có 2 chương mới là giám sát và phản biện xã hội. Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận là mang tính xã hội bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội như thế sẽ góp phần thiết thực bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân được nêu trong Hiến pháp 2013. 

Một điểm mới nữa, trong Luật sửa đổi, lần đầu tiên xác nhận Ban Công tác Mặt trận. Đây là sự ghi nhận đối với những nỗ lực cống hiến bền bỉ của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở. Bản chất họ là những người "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, ngày đêm miệt mài với công việc, gần dân, sát dân, hiểu dân và phản ánh tiếng nói của nhân dân đối với các cấp, Đảng, Nhà nước. Việc xác lập vai trò Ban Công tác Mặt trận trong Luật phù hợp với thực tiễn hoạt động trong suốt 20 năm qua đồng thời mở ra một chương mới  khẳng định địa bàn tác chiến của Mặt trận một cách rõ ràng, cụ thể nhất.

Hy vọng rằng, đội ngũ cán bộ cơ sở sẽ có điều kiện làm tốt hơn công việc của mình vì họ là lực lượng chính để góp phần đưa Luật vào cuộc sống.

Quan trọng nhất là sự tham gia của nhân dân

Vậy theo ông, làm thế nào để Luật đi vào cuộc sống?

- Trước tiên phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, đưa từng nội dung của Luật vào trong đời sống xã hội bằng tư duy vừa chiến lược vừa cụ thể, thực tế và chọn hướng đi của nội dung cũng như sự phong phú của hình thức thì mới đáp ứng được yêu cầu thực tế từ cơ sở. Việc này đòi hỏi tầm chiến lược của lãnh đạo cấp Trung ương. Từ chiến lược này sẽ thiết kế được các giải pháp và các bước đi cụ thể với những nội dung, phương thức phù hợp thì mới đưa Luật vào đời sống. 

Nhưng thưa ông, lâu nay vẫn tồn tại tình trạng những ý kiến kiến nghị của Mặt trận tới các cơ quan nhà nước ít nhận được tiếp thu giải trình như vậy đã làm giảm đi hiệu quả giám sát của Mặt trận. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, như vậy việc đưa Luật vào cuộc sống vẫn không phải là điều dễ dàng? 

- Đó là một trong những điểm tồn tại của quá khứ mà chúng ta cần phải khẩn trương sửa chữa. Mặt trận là đại diện cho nhân dân kiến nghị với cơ quan nhà nước những vấn đề bức xúc nhưng một số cơ quan nhà nước không tiếp thu như thế là coi thường nhân dân, làm mất vai trò "dân là gốc”. Với việc thông qua Luật Mặt trận lần này, chúng ta phải thay đổi những tồn tại của quá khứ để hướng tới tương lai bằng cách làm việc trực diện, trực tiếp và thể hiện sự quan tâm chu đáo đến mọi ý kiến của nhân dân. 

Vậy theo ông, sắp tới các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật phải quy định như thế nào để nâng cao hiệu quả giám sát của Mặt trận cũng như tránh trùng lắp với giám sát khác? 

- Để giám sát không bị chồng chéo và tiếng nói của nhân dân được lắng nghe, Mặt trận phải biết chọn việc trong từng thời điểm. Quan trọng nhất là sự tham gia của nhân dân, từ đề xuất nội dung, sáng kiến cho đến tham gia vào quá trình này mà không nhầm lẫn với việc kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước. Huy động được lực lượng nhân dân vào giám sát thì giám sát mới mang tính xã hội. Ở nơi nào nhân dân mong muốn Mặt trận giám sát và phản biện nơi đó Mặt trận phải đứng ra làm việc này. Còn những nơi nào đã có các cơ quan nhà nước thực hiện thì Mặt trận không nhất thiết phải xuất hiện. Cho nên giám sát và phản biện của Mặt trận luôn mang tính độc lập. 

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch- Tổng thư ký!
 
Ông Bùi Tấn Bảy, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bạc Liêu: Tiếp thêm sức mạnh cho Mặt trận cơ sở

Sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), ngay buổi sáng  10-6, Ban thường trực UBMTTQ tỉnh Bạc Liêu đã có cuộc hội ý và đều có chung nhận xét: Luật MTTQ sửa đổi lần này giúp cán bộ Mặt trận các cấp đặc biệt là Mặt trận cơ sở có thêm sức mạnh làm việc. Vai trò, vị trí của MTTQ dù đã được Hiến pháp khẳng định nhưng nay có thêm Luật MTTQ khẳng định về quyền và trách nhiệm; chức năng giám sát, phản biện sẽ là cơ sở để nâng tầm, vị thế của MTTQ nhằm bảo vệ có hiệu qủa quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của dân, MTTQ sẽ là chỗ dựa của Đảng, chính quyền đồng thời cũng là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Có như thế, MTTQ sẽ là đại diện của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

 Trung Nguyên (ghi)   

Ông Nguyễn Đức Thành – Trưởng ban Dân chủ pháp luật UBMTTQ tỉnh Nghệ An: Không khí mới trong phát huy dân chủ của nhân dân 

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, về cơ bản đã thể chế hóa kịp thời các quy định mới về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013, đặc biệt điểm mới hết sức quan trọng và đã được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều trong phiên thảo luận đó là vấn đề giám sát và phản biện xã hội và mô hình Ban công tác Mặt trận. Việc Quốc hội kịp thời thể chế hóa chức năng giám sát và phản biện của Mặt trận vào Luật sẽ tạo ra luồng không khí mới trong phát huy dân chủ của nhân dân thông qua hệ thống MTTQ, nếu MTTQ làm tốt vấn đề này sẽ giúp tăng cường công tác quản lý Nhà nước và giám sát của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội. Đồng thời việc luật hoá mô hình Ban Công tác Mặt trận nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới phương thức công tác của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở, tới khu dân cư là hết sức cần thiết. Ban Công tác Mặt trận sẽ là cánh tay nối dài, là phương thức để triển khai hoạt động của Mặt trận ở cấp xã hiệu quả hơn.
Bắc Vũ

Dạ Yến (thực hiện)
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020