Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, bác Thính cũng như bao người lính cùng thời loay hoay với việc phát triển kinh tế gia đình. Từ việc chỉ làm ruộng và làm với phương pháp manh mún, bác Thính thấy hiệu quả không cao.
Trước chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật
nuôi, bác đã mạnh dạn nhận thầu diện tích 2500 m2 đất thùng đào, nhận
thêm của các hộ trong xã hơn 5.100 m2. Trên diện tích này bác đã qui
hoạch thành hai khu , một khu hơn 7000 m2 thả cá, còn lại xây dựng
chuồng trại khép kín nuôi lợn. Lúc đầu, nguồn vốn còn khó khăn, kinh
nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi chưa nhiều nên chưa đem lại hiệu quả kinh
tế cao. Nhưng với bản chất người lính, bác đã cần cù chịu khó học hỏi
kinh nghiệm của những người đi trước, học hỏi qua sách báo. Dần dà bác
rút ra được bài học, muốn chăn nuôi thành công phải tiêm phòng định kỳ
cho đàn lợn, muốn phát triển mạnh phải chăn nuôi với qui trình khép kín
từ lợn nái đến xuất chuồng, kiểm soát được giống và đảm bảo công tác thú
y. Nhờ đó mà gia đình bác nuôi 40 lợn nái, 300 lợn thịt, mỗi năm xuất
chuồng khoảng 3.500 kg lợn thịt và 700 kg lợn sữa. Bên cạnh chăn nuôi
lợn, Bác Thính còn nuôi gà và ngan, đây là hai giống vật nuôi rất dễ mắc
bệnh vì vậy bác luôn cẩn thận, nhắc nhở mọi người chăm sóc như chăm con
mình vậy. Do cố gắng nỗ lực không ngừng như vậy, nhiều năm qua thu nhập
từ chăn nuôi của gia đình bác luôn đạt hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí đạt
lãi 120 triệu đến hơn 300 triệu đồng. Không những làm giàu cho bản thân
mình bác Thính còn tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, giúp đỡ
được một số hộ thoát nghèo.
Trần Phương (Đài Truyền Thanh huyện Ba Vì)