MTTQ Thành phố Hà Nội góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng

15/10/2010 - 12:00 AM

Chủ trì hội nghị có đồng chí Lê Bá Trình, PCT UB TW MTTQ Việt Nam, đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành Uỷ, đồng chí Bùi Xuân Hộ, Thành uỷ viên, PCT UB MTTQ thành phố, tham dự có các đồng chí trong Ban Thường trực UB MTTQ TP, đại diện các TCTV, đại diện các tôn giáo, dân tộc, các Hội đồng tư vấn của UB MTTQ TP, các đồng chí lãnh đạo đã nghỉ hưu của TP,  chủ tịch UB MTTQ các quận, huyện, thị xã và một số xã, phường trên địa bàn thành phố.

Hầu hết các ý kiến đều thống nhất những nội dung cơ bản thể hiện trong các dự thảo văn kiện. Các đại biểu cũng thẳng thắn nêu ra những nội dung cần được làm rõ, cần được quan tâm xem xét một cách thấu đáo và tiếp thu nghiêm túc để bổ sung hoàn thiện các dự thảo văn kiện của Đại hội XI; đồng thời, nêu lên những bất cập, những bức xúc đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quản lý. Những vấn đề được các đại biểu quan tâm góp ý nhiều là chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011 – 2020, công tác xây dựng Đảng, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giám sát, phản biện… Một số ý kiến cho rằng, để tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng cần tập trung đấu tranh với bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất, làm mất lòng tin của nhân dân, đồng thời tập trung hành động để hiện thực hóa sâu sắc khẩu hiệu "cán bộ, đảng viên là công bộc của dân".

Góp ý vào nội dung “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” trong phần Báo cáo chính trị, đại biểu Phạm Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, năm năm qua, hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân đã có những cố gắng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vận động phong trào nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, nhiều nội dung của công tác mặt trận và các đoàn thể nhân dân mà Đại hội X đề ra thực hiện chưa có hiệu quả như cơ chế giám sát, phản biện xã hội, thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, quy chế dân chủ ở cơ sở. Vì vậy, trong Dự thảo báo cáo lần này nên phân tích kỹ nguyên nhân, mới có hướng đi đúng đắn trong việc chỉ đạo, thực hiện những Nghị quyết mà Đảng đã đề ra. Từ đó khẳng định việc phát huy dân chủ, tăng cường giám sát, phản biện xã hội là chức năng, nhiệm vụ quan trọng của MTTQ trong tình hình mới, là hướng đổi mới công tác mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

Góp ý về công tác xây dựng Đảng, đại biểu Phạm Lợi cho rằng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là chủ đề, nội dung quan trọng. Dự thảo báo cáo đã đánh giá những kết quả, hạn chế của công tác xây dựng Đảng nhưng chưa đánh giá khái quát yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được đến đâu. Theo ông Lợi, 5 năm qua, công tác xây dựng Đảng được quan tâm chỉ đạo, làm được nhiều việc, có kết quả nhất định nhưng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Thời gian tới, phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phải coi đó là một quá trình…

Khẳng định việc kiểm điểm hạn chế, khuyết điểm trong Báo cáo chính trị là đúng mức. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, thành viên Hội đồng tư vấn Văn hóa-xã hội Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội: trong việc kiểm điểm cần chỉ ra có những yếu kém được đề cập ở nhiều Đại hội mà vẫn chưa khắc phục được. Trong khi đó có những yếu kém, khuyết điểm lại có chiều hướng nghiêm trọng, phức tạp hơn như tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, huân chương chưa được ngăn chặn đẩy lùi thì nay lại phát triển thêm chạy dự án, chạy chính sách. Có những vấn đề Nghị quyết Đại hội đã đề ra, tại sao cả nhiệm kỳ chưa thực hiện được Ví dụ như quy định để thực hiện phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức thành viên...

Góp ý về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020, GT.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020 đã được soạn thảo hoàn chỉnh, sâu sắc và đầy đủ. Tuy nhiên, nên quan tâm đến chiến lược và cụ thể hơn mối quan hệ phát triển kinh tế với an ninh chính trị và quốc phòng, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, đặc biệt những vùng trọng điểm về an ninh quốc gia như Tây Nguyên, biển Đông và các tỉnh biên giới. Đồng thời ở bài học thứ hai trang 23 cần nhấn mạnh sử dụng tiết kiệm hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, đảm bảo cho phát triển trước mắt và lâu dài. Vì nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, dân số ngày càng tăng, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, do đó nên viết thêm vào: “đặc biệt coi trọng chất lượng hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển. Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa giữa tốc độ với chất lượng tăng trưởng, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất nước, nước đảm bảo cho phát triển trước mắt và lâu dài”…

Đại biểu Vũ Thành Vĩnh, Chủ tịch UB MTTQ quận Hoàn Kiếm đồng tình với hạn chế, tồn tại nêu tại mục 4 (trang 48) Dự thảo Báo cáo Chính trị: “Dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ”. Ông Vĩnh đề nghị trong báo cáo cần kiểm điểm sâu sắc hơn để thấy rõ những khó khăn, khuyết điểm và hạn chế đang tác động bất lợi đến quá trình củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Đây là vấn đề được đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến. Đó là đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân tuy có bước cải thiện nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là người có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa; giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao; sự chệnh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng cách biệt. Những vấn đề về việc làm, thu nhập, quản lý đất đai, điều kiện học hành… đang là những băn khoăn, lo lắng. Những khó khăn, khuyết điểm và tồn tại nêu trên phản ánh nhiều tâm trạng của các tầng lớp nhân dân, nếu kéo dài, không những gây cản trở trong công cuộc đổi mới, giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng mà còn để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Vĩnh cho rằng, nhân dân mong rằng trong Báo cáo Chính trị của Đảng và tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cần kiểm điểm rõ và thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ hơn… Cần phải khẳng định “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, đó vừa là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu, vừa là động lực to lớn quyết định thành công của cách mạng nước ta”.

Với 13 ý kiến đã được phát biểu tại Hội nghị và hơn 60 ý kiến gửi tới Ban tổ chức, Ban thường trực UB MTTQ TP sẽ tổng hợp để gửi về Thành Uỷ, UB TW MTTQ Việt Nam để tổng hợp gửi đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XI theo đúng kế hoạch đề ra.

Thu Hà

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020