MTTQ TP tổ chức phản biện xã hội vào Dự thảo Nghị quyết về “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”

17/06/2015 - 08:01 AM

Thực hiện Quy chế phối hợp tổ chức phản biện xã hội (PBXH) số 03/QCPH-HĐND-UBND-UBMTTQ ngày 30/01/2015 giữa HĐND- UBND- Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội, ngày 12/6/2015, tại hội trường cơ quan Uỷ ban MTTQ TP, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP tổ chức hội nghị góp ý kiến phản biện xã hội (PBXH) vào Dự thảo Nghị quyết về “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”.

Tham dự có các đồng chí: Hoàng Thanh Vân – Cục Trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT; Bùi Anh Tuấn, Nguyễn Anh Tuấn -Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP; Nguyễn Huy Đăng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT; Phạm Thị Thanh Mai – Phó Trưởng Ban kinh tế - Ngân sách HĐND TP và các nhà khoa học, chuyên gia, Hội đồng tư vấn Uỷ ban MTTQ TP; lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội, Liên hiệp các Hội  KHKT TP; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố và các quận, huyện, thị xã.

Đ/c Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP chủ trì  hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP đã trình bày Dự thảo Tờ trình, Nghị quyết và báo cáo tóm tắt đề xuất chủ trương đầu tư “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội, giai đoạn 2016 – 2020”.

Hội nghị cũng nghe 11 ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận, phân tích của các đại biểu về sự phù hợp của Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết với mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Luật Thủ đô, các Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành khác; tính khả thi, tính kế thừa, tính khoa học, tính khách quan, toàn diện của “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”; sự đồng thuận của nhân dân Thủ đô đối với Dự thảo Chương trình; sự liên doanh, liên kết và hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc thực hiện…

Đ/c Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị

Đa số đại biểu cho rằng việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất cần thiết, là xu hướng tất yếu của tất cả các quốc gia. Dự thảo đã nêu được đầy đủ các mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Luật Thủ đô và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành khác. Dự thảo Nghị quyết và Tờ trình được trình bày một cách chi tiết, đảm bảo tính khoa học, tính khách quan, toàn diện và tương đối khả thi, các chỉ tiêu về cơ cấu các ngành, các cơ chế chính sách tương đối phù hợp.Tuy nhiên, TP nên chọn những địa phương đã có sẵn mô hình để triển khai Chương trình. Việc xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung đòi hỏi phải có quy hoạch và sự đồng thuận của bà con nông dân. Hiện nay, việc quy hoạch ở các địa phương chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng; vì vậy đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Về chỉ tiêu đến năm 2020, đại biểu Phạm Thị Thùy – Hội Sinh học Hà Nội cho rằng mục tiêu về 1.000 ha chè, 600 ha nuôi thủy sản, trong đó 50% tỷ lệ trang trại ứng dụng công nghệ cao là quá cao, khó thực hiện bởi vì Hà Nội liệu có thích hợp cho quy hoạch trồng chè? Cũng có đại biểu cho rằng trồng chè ứng dụng công nghệ cao là ứng dụng các biện pháp chăm sóc cây chè như tưới nhỏ giọt, bổ sung các nguyên tố vi lượng và hữu cơ không dùng phân hóa học, che bóng cho cây, bổ sung một số hình thức lên men chè, thu hái chè…Bên cạnh đó, việc quy định xã hội hóa trong Dự thảo nên cụ thể hơn sẽ khuyến khích được các tổ chức, cá nhân cùng tham gia, kích thích sự liên doanh, liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Đồng thời Nghị quyết cũng cần nêu rõ giải pháp tiêu thụ sản phẩm như thế nào?  

Về quy mô, cơ cấu của Chương trình với các ngành, nghề khác còn chưa hợp lý, trong dự thảo còn thiếu quy định về các ngành nghề khác. GS.TS Trần Duy Quý – Viện trưởng Viện nghiên cứu và hợp tác KHKT Châu Á – Thái Bình Dương, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cho rằng nên bổ sung mở rộng Chương trình về phát triển trồng lúa ứng dụng công nghệ cao vì hiện nay Hà Nội có khoảng gần 100.000 ha trồng lúa mỗi vụ, diện tích trồng lúa đứng đầu cả nước, nếu đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, cho năng suất cao sẽ cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha là rất có thể đạt được. Cơ cấu về chăn nuôi là tương đối hợp lý, tuy nhiên quá trình thực hiện cần chú ý đến công tác xử lý môi trường. Về mức đầu tư, các địa biểu cho rằng, tổng mức đầu tư là hợp lý, tuy nhiên tỷ lệ vốn đầu tư của Nhà nước là rất thấp, khó thực hiện chương trình, việc huy động vốn xã hội hóa với tỷ lệ lớn như vậy liệu có khả thi? Việc giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình thuộc cơ quan nào và cần phải quy định trong Dự thảo Nghị quyết.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP cảm ơn và tiếp thu toàn bộ ý kiến phản biện của các đại biểu dự hội nghị để tổng hợp và chuyển đến Thường trực UBND TP tiếp thu, trình tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP./.

Từ Ngọc Lâm - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020