MTTQ Việt Nam với nhiệm vụ đại diện, bảo vệ nhân dân - Bài 1:Nan giải vấn đề xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của dân (báo Đại Đoàn kết, 18/09/2014)

18/09/2014 - 05:28 PM
Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: "MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…”. Trong thực tế hiện nay, đã và đang đặt ra cho MTTQ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ rất lớn. Yêu cầu MTTQ Việt Nam phải đổi mới mọi mặt, từ quan điểm, tổ chức cho đến cách thức hoạt động...

Các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là đa dạng. Nhưng chung quy lại chỉ xuất phát từ ba nguồn: 1- Từ các thế lực thù địch trong và ngoài nước; 2- Từ trong nhân dân; 3- Từ các cơ quan, viên chức nhà nước. Thực tiễn đấu tranh cho thấy việc phòng, chống các vi phạm của các viên chức thoái hóa trong các cơ quan nhà nước gặp rất nhiều trở ngại. Nhận định này được khẳng định bằng các hiện tượng thường được nêu ra trong các báo cáo, tổng kết của các cơ quan tư pháp, lập pháp, hành pháp ở trung ương và địa phương như sau:

- Khiếu kiện xảy ra ngày càng nhiều, ngày càng phức tạp, ngày càng bức xúc về nội dung. Đảng, Nhà nước đã tiến hành nhiều biện pháp khắc phục, nhưng hiện tượng khiếu kiện đông người, vượt cấp, dài ngày vẫn chưa giảm bớt. 

- Người khiếu kiện vẫn bị trả thù, vùi dập bằng nhiều hình thức. Nhẹ nhất là gây khó dễ trong hoạt động mưu sinh, cao hơn là buộc thôi việc, cắt lương, khai trừ khỏi Đảng, nặng nhất là đưa ra truy tố trước Tòa. "Đấu tranh, tránh đâu” là câu nói cửa miệng của không ít người. Người bị trù dập không chỉ là người yếu thế mà có cả người có công, là đảng viên lâu năm, là phóng viên báo chí, cán bộ đương chức.

- Việc bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự cho những người đã được minh oan còn nhiều bất cập. Người dân phải mất thêm nhiều năm nữa mới đòi lại được những quyền lợi sau khi được minh oan. Vả lại quyền lợi đòi được lại không tương xứng với thiệt hại đã hứng chịu. Cộng với thời gian đấu tranh để được minh oan, có vụ kéo dài hàng chục năm. Đã có trường hợp con tiếp tục kêu oan cho cha mẹ, cháu tiếp tục kêu oan cho ông bà đã khuất. Giấy tờ, hồ sơ, đơn kêu oan gom lại cân nặng 3 - 4 kg mà lời cầu cứu công lý của dân vẫn bị rơi trong im lặng.  

Vậy đâu là nguyên nhân?

- Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng trước hết là do bất cập về mặt nhận thức. 

Trong đấu tranh phòng, chống các hành vi chống phá cách mạng thì mũi nhọn  hướng vào các thế lực thù địch. Trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm xâm phạm đến trật tự, an toàn, an ninh xã hội thì mũi nhọn hướng vào các đối tượng bất lương trong xã hội. Trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân thì phải hướng vào những viên chức vô cảm, thoái hóa trong bộ máy nhà nước. Hành vi vi phạm xuất phát từ cán bộ, viên chức thoái hóa, vô cảm gây ra nhiều bức xúc về công lý. Các thế lực thù địch thường chộp lấy cơ hội này để kích động các hành vi cực đoan trong nhân dân. Nhưng về mặt nhận thức, việc phòng, chống vi phạm quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân xuất phát từ viên chức thoái hóa hiện chưa được đặt đúng hướng, đúng tầm, đúng vị trí. Tuy không công khai bộc bạch, vẫn còn có ý nghĩ cho rằng nhằm vào cán bộ, viên chức để đấu tranh là chệch hướng, là sai mục tiêu đấu tranh cách mạng, hoặc e ngại hậu quả của việc ném chuột mà làm vỡ lọ độc bình, hoặc sợ không còn người đảm đương công việc nếu xử lý hết những người sai phạm.

- Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân của viên chức thiếu cụ thể. Đổ lỗi cho cơ chế, cho lãnh đạo, cho tập thể thường được đưa ra để trốn tránh trách nhiệm. Khi có vụ việc xảy ra thì khó tìm ra người phải chịu trách nhiệm. Những cụm từ như: "Thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức vụ, vượt quá quyền hạn, làm trái chính sách chế độ v.v…” là những khái niệm mang nội hàm rất khó để phân biệt ranh giới giữa vi phạm hành chính với tội phạm hình sự. Song các cụm từ này được dùng một cách phổ biến trong các bộ luật hình sư, hình sự tố tụng để xác định tội danh. Do vậy có vụ đáng phải xử lý nghiêm về hình sự nhưng đã được hành chính hóa để bao che cho nhau, hoặc đã bị hình sự hóa để loại bỏ những người không ăn cánh, hoặc trả thù người khiếu nại, tố cáo.

- Chức năng của Tòa án hành chính là xét xử các vụ khiếu kiện về hành chính. Nhưng Tòa án hành chính chưa trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực để giải quyết việc phòng, chống các vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của dân xuất phát từ viên chức.                                                     
Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: "MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân…” (Đ.9.HP 2013). Điều hiến định này của Hiến pháp 2013 rõ ràng là nhằm khẳng định sự cần thiết của chế định nâng cao quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời khắc phục các bất cập trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Điều hiến định này là sự đổi mới quan trọng của Hiến pháp. Nó rất phù hợp với nguyện vọng bức xúc của nhân dân. Đồng thời nó đặt lên vai MTTQ các cấp một trách nhiệm hết sức khó khăn vì đối tượng đấu tranh là những người có sai phạm nhưng lại có chức, có quyền. Nó đòi hỏi MTTQ các cấp phải đổi mới tổ chức, phải cải tiến cách làm việc mới có thể thực hiện một cách có hiệu quả nhất điều hiến định này.

Luật sư Lê Đức Tiết
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020