Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận

22/04/2013 - 12:00 AM



Toàn cảnh Hội nghị

Ngày 2-4, UB MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo Quy chế phối hợp giữa Trưởng ban Công tác Mặt trận (CTMT) với Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố. Qua thảo luận các ý kiến đã tập trung làm rõ những điều khoản liên quan đến nhiệm vụ củaTtrưởng ban CTMT,Ttrưởng thôn (Tổ trưởng dân phố), kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ với cán bộ cơ sở.

 

Xem xét kinh phí hoạt động phù hợp cho mỗi khu dân cưQuy chế phối hợp hoạt động giữa Trưởng ban CTMT với Trưởng thôn (tổ trưởng tổ dân phố) bao gồm 4 chương 16 điều theo nguyên tắc phối hợp hoạt động trên tinh thần hợp tác, bình đẳng, đoàn kết, chân thành, tôn trọng lẫn nhau và thống nhất hành động theo chức năng, nhiệm vụ để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh trật tự trong khu dân cư.  Quy chế cũng quy định những nội dung phối hợp hoạt động giữa hai bên trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm những ngày lễ, tết của đất nước; việc xây dựng quy ước, hương ước; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Đóng góp ý kiến cho bản Quy chế, ông Nguyễn Văn Mạnh – Tổ trưởng tổ dân phố 19 phường Hoàng Liệt quận Hoàng Mai cho rằng, bản Quy chế phối hợp đã quy định đầy đủ về chức năng nhiệm vụ của Trưởng ban CTMT với Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, phong trào thi đua, thực hiện quy ước hương ước ở cơ sở hàng năm.Tuy nhiên, theo ông Mạnh, việc triển khai để các tổ dân phố thực hiện Hội nghị Đại biểu nhân dân xây dựng đời sống văn hóa vào đầu năm thường trùng với dịp Tết Nguyên đán nên khi tổ dân phố tổ chức Hội nghị, đại biểu nhân dân tham dự vắng không đủ số lượng theo quy định. “Để tránh việc tổ chức qua loa, hình thức, đề nghị Hội nghị Đại biểu nhân dân ở tổ dân phố nên được tổ chức vào cuối tháng 12 hay ngay đầu tháng 1. Việc triệu tập chủ trì Hội nghị là Trưởng ban CTMT ở khu dân cư”, ông Mạnh đề xuất.

Ở một góc nhìn khác, Chủ tịch UB MTTQ phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Công Chất bày tổ băn khoăn khi hệ thống chính trị khu dân cư của Hà Nội không thống nhất. Tình trạng một KDC có nhiều chi bộ lãnh đạo một Ban CTMT hay 1 khu dân cư có 1 Ban CTMT nhưng lại có nhiều tổ dân phố. Vì vậy nếu thực hiện theo quy chế này sẽ có nhiều bất cập.

Ông Chất cũng nêu bất cập trong việc tổ chức Hội nghị Đại biểu nhân dân ở tổ dân phố bàn việc xây dựng đời sống văn hóa. Từ thực tế ở một khu dân cư trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có đến 6 tổ dân phố nếu việc tổ chức Hội nghị Đại biểu nhân dân đầu năm thì mỗi Tổ trưởng phải họp một lần ở tổ của mình nhưng Trưởng ban CTMT phải lần lượt dự họp đủ cả 6 Hội nghị. Thử hỏi các vị Trưởng ban CTMT có đủ thời gian dự họp không? Ông Chất đặt câu hỏi.

Nêu thực tế như Ban CTMT thôn Phú Mỹ xã Mỹ Đình – Từ Liêm phụ trách 5.000 hộ với 10.000 nhân khẩu trong khi đó Ban CTMT phường Phương Liệt – Đống Đa chỉ có 200 hộ, ông Chất cho rằng, chênh lệch đến 250 lần trong khi đó số tiền 5 triệu cấp cho KDC thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là chưa công bằng và hợp lý.

Có chế độ đãi ngộ phù hợp với Trưởng ban CTMT

Đối với việc vận động thu các loại quỹ, theo ông Nguyễn Văn Thuận – Tổ trưởng dân phố KDC số 6 phường Thụy Khuê – Tây Hồ cho rằng dự thảo quy chế quy định Trưởng ban CTMT tham gia vận động thu các loại quỹ là quá khó khăn. Đối với các khu dân cư có đến 6 hoặc 7 tổ dân phố thì vị Trưởng ban CTMT đi vận động sao hết được. Từ đó ông Thuận kiến nghị, dự thảo Quy chế nên quy định Trưởng, Phó thôn (tổ trưởng, tổ phó dân phố) triển khai vận động quỹ đến từng hộ dân và nộp 100% về xã, phường theo quy định. Đối với trường hợp có một số hộ ít nhiệt tình hưởng ứng thì Trưởng ban CTMT và Trưởng thôn đến tuyên truyền vận động.

Trưởng ban công tác Mặt trận KDC số 5 phường Phúc Xá – Ba Đình Trịnh Thị Thanh kiến nghị cần xây dựng quy định về tiêu chí bầu Tổ trưởng dân phố có sự điều chỉnh về tuổi tác và trình độ cho phù hợp. Theo quy định cũ, Tổ trưởng dân phố chỉ cần tốt nghiệp THCS thì rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, nhiệm kỳ 2 năm đối với Tổ trưởng nên xem xét lại theo hướng nhiệm kỳ của Tổ trưởng dân phố tương đương với nhiệm kỳ của Trưởng ban công tác Mặt trận. Có như vậy việc phối hợp giữa Trưởng ban CTMT và Tổ trưởng dân phố mới đem lại hiệu quả cao nhất.

Vị cán bộ cơ sở này cũng cho rằng nếu hoạt động theo quy chế thì cường độ làm việc của đội ngũ Trưởng ban CTMT là rất nặng nề trong khi đó phụ cấp chỉ có 200 ngàn đồng. “Tôi kiến nghị cần xem xét nghiên cứu để có chế độ đãi ngộ cho phù hợp giữa Trưởng Ban CTMT và Tổ trưởng dân phố vì thực tế phần việc của hai vị trí này không chênh lệch, thậm chí Trưởng ban CTMT còn nặng nề hơn” bà Thanh nói. Ý kiến này của bà Thanh nhận được sự ủng hộ của đa số các cán bộ cơ sở tham gia Hội nghị.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung vào Quy chế việc phối hợp để hòa giải, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ gia đình và các hộ dân cư trong thôn, tổ dân phố, việc tổ chức và thời gian họp thôn (tổ dân phố) cho phù hợp.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UB MTTQ TP. Hà Nội Nguyễn Xuân Điệp trao đổi qua Hội thảo, Ban Thường trực UB MTTQ thành phố sẽ nghiên cứu bổ sung, tập trung những ý kiến đóng góp, qua đó hoàn chỉnh Quy chế để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Anh Vũ
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020