Biết ông sắp sửa lên đường đi
Điện Biên, chuẩn bị cho những hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện
Biên Phủ, tôi đã tranh thủ gặp ông để viết bài cho Bản tin Dân chủ và Đoàn kết
số Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông đó là phong thái
giản dị. Và rồi, càng nói chuyện, tôi càng thấy ở ông vốn hiểu biết vô cùng
rộng lớn và đặc biệt là những kiến thức về sử học, đúng chuyên ngành mà ông
dành trọn tâm huyết cả đời mình. Ông là nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Lan, một
trong mười cá nhân được UBND TP Hà Nội
công nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2013.
Nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Lan
là người Hà Nội. Ông sinh năm 1936 trong một gia đình có cha làm nghề thuốc, mẹ
buôn bán. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, gia đình ông đã hiến 7 ngôi
nhà cho cách mạng. Ông gắn bó với căn nhà nhỏ trên gác 2, số 1 Nguyễn Văn Tố từ
năm 1957 cho đến nay. Thừa hưởng gen từ người cha vốn là học trò trường Đông
Kinh nghĩa thục, ông đã sớm ham học hỏi, nhất là những vấn đề về lịch sử, triết
học.
Cả cuộc đời cống hiến cho lịch sử
nước nhà, cho đến nay, nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Lan đã có 70 đầu sách (20
đầu sách viết riêng, 50 đầu sách viết chung), 150 luận văn khoa học, khoảng 500
bài viết về lịch sử và cả nghìn bài báo (trong đó có 500 bài báo viết cho thiếu
nhi). Nhắc đến nhà nghiên cứu tài năng, tâm huyết với công việc, không thể
không nói tới những tác phẩm đã gắn với tên tuổi của ông: Những dấu vết đầu
tiên của thời đại đồng thau ở Việt Nam, Sử học Việt Nam trên đường phát triển,
Tìm trong di sản văn hóa Việt Nam Thăng Long - Hà Nội, Lịch sử Thăng Long - Hà
Nội, Lịch sử VN- hỏi và đáp, Có một giai
đoạn văn hoá Hoa Lư, Lão tướng Phạm Tu, Thời đại Hùng Vương, Tìm hiểu khoa học kỹ thuật lịch sử VN… Và mới
đây nhất là cuốn sách dày 300 trang về danh nhân Ngô Thì Nhậm.
Cùng với niềm đam mê lịch sử, nhà
sử học Lê Văn Lan còn là người có tình yêu tha thiết với Hà Nội. Tình yêu ấy
được ông cụ thể hóa thành rất nhiều những hoạt động cũng như đóng góp của ông
với mảnh đất này. Nhiều năm làm cố vấn cho các công trình nghiên cứu văn hóa
lịch sử Việt Nam, ông là người có đóng góp lớn cho việc UBND TP Hà Nội đề xuất
UNESCO công nhận di tích Hoàng Thành Thăng Long là Di sản thế giới vào năm
2010. Ông đã chủ trì, tham gia các hội đồng tư vấn, thẩm định, xét duyệt hơn
100 dự án, luận án, chương trình, công trình về Hà Nội và chủ trì, tham gia làm
trên 100 phim, chương trình truyền hình về Hà Nội, cho nhiều chính sách quan
trọng của đất nước và Hà Nội về các vấn đề lịch sử - văn hóa…
Mặc dù bận đến mức “không có thời
giờ để thở”, ông vẫn cố gắng thu xếp thời gian tham gia Hội đồng Tư vấn Văn
hoá-Xã hội của Uỷ ban MTTQ TP vì ông muốn đóng góp nhiều hơn cho Thủ đô Hà Nội.
Bởi Hà Nội đã nuôi dưỡng, bồi đắp nên trí tuệ, tâm hồn, tính cách kẻ sĩ Thăng
Long trong ông. Là thành viên của Hội đồng Tư vấn, ông tham gia đều đặn các hội
nghị phản biện xã hội do Uỷ ban MTTQ TP tổ chức, nghiên cứu kỹ các tờ trình của UBND TP và đóng góp các ý kiến xác
đáng để MTTQ tập hợp, báo cáo lên HĐND TP xem xét trước khi đưa ra quyết nghị.
Những ý kiến đóng góp của ông cùng các nhà khoa học, nhà quản lý trong Hội đồng
Tư vấn Văn hoá- Xã hội đã góp phần vào sự phát triển Thủ đô trong thời kỳ CNH,
HĐH và gìn giữ những hồn cốt của Thủ đô.Vinh dự được UBND TP trao tặng danh
hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2013 khiến ông thấy mình càng phải có trách
nhiệm “trả nợ” cho Hà Nội. Đó là lý giải vì sao, ở tuổi 78, ông vẫn duy trì
cường độ làm việc đến chóng mặt: Từ 4 - 6 h sáng viết kịch bản phim, sách, tham
luận hoặc trả bài cho các báo (hiện nay, ông là cộng tác viên cho các tờ báo:
Nhân dân, Quân đội nhân dân, Sự kiện & Nhân chứng, Di sản…) sau đó là tham
dự các hội nghị, tọa đàm, nói chuyện về lịch sử Việt Nam, về Hà Nội, thuyết
trình cho các nơi, giảng bài cho sinh viên (ông hiện đang thỉnh giảng cho 4
trường đại học).
Trải qua nhiều thăng trầm của
cuộc sống, nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Lan bằng lòng với cuộc sống hiện tại,
một cuộc sống giản dị đến khó tin: Ở trong căn phòng 6m2 , ăn cơm bụi và làm
nhiều việc miễn phí. (Ông đã từng từ chối lời đề nghị tạo điều kiện về một chỗ
ở rộng rãi, tiện nghi hơn với lý do “nhà to là tôi không làm việc được”). Năm
2011, ông được Thành đoàn Hà Nội tặng giải thưởng “Gương điển hình có nhiều
cống hiến và ảnh hưởng đến công tác Đoàn và phong trào thanh niên thiếu nhi Thủ
đô giai đoạn 1981- 2011”. Hà Nội đang bước vào năm mới. Trong cái Xuân của đất
trời có cả cái Xuân của một trái tim đang từng ngày, từng giờ “trả nợ” Hà Nội,
vì Hà Nội mến yêu.