Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch
UB MTTQ Thành phố. Tại Hội nghị, các đại biểu góp ý đánh giá nội dung
khái quát dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó cơ bản tán thành các
nội dung, bố cục về trình bày, câu chữ trong dự thảo. Tuy nhiên, đại
biểu đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến về chế độ chính trị, quyền con
người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các nội dung về kinh tế,
xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ
quốc, bộ máy Nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp...
Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Nguyễn Văn Phúc và nhiều đại biểu tán
thành, nên lấy tên nước cũ là “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”, thay cho
“Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, vì tên cũ trong Hiến pháp đầu
tiên, gắn với các cuộc chiến tranh giữ nước. Về thể chế chính trị quy
định trong Hiến pháp, đại biểu cho rằng, Dự thảo Hiến pháp ghi: “lấy chủ
nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, đề nghị bổ sung
cụm từ “lấy tinh thần dân tộc” vì tinh thần dân tộc chính là hồn thiêng
sông núi Việt Nam.
Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP tham gia ý kiến: Dự thảo
Hiến pháp quy định Đảng chịu trách nhiệm, nhân dân giám sát, nhưng trên
thực tế, quyền giám sát của nhân dân chưa thực sự được tôn trọng, vì
vậy, nên bổ sung quy định cụ thể tôn trọng sự giám sát của nhân dân. Ông
Thảo đề nghị, để tăng hiệu quả, vai trò của Đảng, cũng cần có Luật hoạt
động của Đảng. Vai trò của MTTQ cần quy định cụ thể MTTQ Việt Nam là
một bộ phận chính trị của nước Việt Nam. Cụm từ, khi bàn bạc các vấn đề
liên quan mời MTTQ, như thế dễ hiểu "nước đôi", đề nghị ghi rõ Chủ tịch
MTTQ có trách nhiệm dự các cuộc họp liên quan đến Mặt trận.
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật TP Hà Nội
đồng ý Hiến pháp nói vấn đề chung, nhưng phải đúng bản chất. Cụm từ phát
triển khoa học công nghệ giáo dục là quốc sách hàng đầu, đề nghị khẳng
định rõ trong Hiến pháp là ưu tiên phát triển bằng nguồn lực tài chính,
con người, cơ chế quản lý để có thể phát triển bền vững. Điều kiện để
thực hiện khoa học công nghệ giáo dục là quốc sách hàng đầu cũng phải
ghi rõ, những người đứng đầu từng địa phương, người đứng đầu chính quyền
các cấp phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, nhiều trường ở các địa phương
xập xệ, bị đùn đẩy trách nhiệm, không ai chịu trách nhiệm. Do đó cần cụ
thể hoá điều này bằng cơ chế người chịu trách nhiệm, cơ chế tài chính và
nguồn lực, tránh tình trạng hiểu thế nào cũng được.
Ngoài ra, đại biểu bổ sung, góp ý nhiều vấn đề như: không nên quy định
“tạo điều kiện cho hoạt động”, mà nên sửa thành “bảo đảm điều kiện” và
ghi rõ điều kiện gì; cần có quy định rõ các quyền sử dụng đất, tránh
chung chung, tạo cơ hội cho lợi ích nhóm phát triển; nên tách từng điều
quy định hoạt động của HĐND và UBND, vì hoạt động của HĐND và UBND khác
nhau, thì không nên gộp thành một điều; quyền công dân khác quyền con
người, quyền con người rộng hơn nhiều, vậy điều kiện cụ thể để thực hiện
các quyền và nghĩa vụ công dân cần được quy định cụ thể. Quy định “xây
dựng gia đình Việt Nam”, nên bổ sung thêm cụm từ theo truyền thống dân
tộc Việt Nam, vì gia đình là nền tảng của xã hội, cần quy định cụ thể về
xây dựng nền tảng đạo đức, để chống xói mòn nền tảng gia đình. Đại biểu
cũng bày tỏ phấn khởi quy định tăng quyền của Chủ tịch nước và đề nghị
làm rõ trách nhiệm trong quan hệ với quyền của Chủ tịch nước.....
Linh Nhi