Là những người gần dân, sát dân, các cán bộ Mặt trận ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã không quản ngại vất vả, sẵn sàng vì việc chung. Với lòng nhiệt tình và tâm huyết, họ là những hạt nhân vững chắc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những bước chân không mỏi của họ đã góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, xây dựng khu dân cư gắn bó, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển.
Người vác tù và hàng tổng!
Ông Nguyễn Bắc Y, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phú Châu (xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ) nói vui, do có thâm niên hơn 20 năm tham gia công tác mặt trận nên mọi người thường gọi ông là “người vác tù và hàng tổng”. “Ông Y luôn gần gũi bà con nên nắm rõ từng hoàn cảnh, nếp ăn, ở của mỗi hộ dân. Vì vậy, khi muốn phản ánh điều gì với chính quyền địa phương, người dân đều tìm ông chia sẻ”, bà Nguyễn Thị Nhàn, người dân thôn Phú Châu nhận xét.
Thành tích nổi bật của ông Nguyễn Bắc Y là đã vận động nhân dân Phú Châu thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng các việc làm cụ thể như tích cực dồn điền, đổi thửa, hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa, thực hiện tang văn minh… Ông còn chủ động đề xuất với chi bộ, phối hợp với các chi hội, đoàn thể trong thôn hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật để bà con sản xuất nông nghiệp; cùng với lãnh đạo thôn tổ chức cho các hộ dân ký cam kết thực hiện cuộc vận động 3 sạch “nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch” trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm liên tục, thôn Phú Châu không có tệ nạn xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hằng năm của thôn chiếm hơn 90%.
Mặc không khí lạnh đầu mùa tràn về với cơn mưa nặng hạt nhưng sau giờ cơm tối, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Đà vẫn tranh thủ ra đình làng Khoan Tế để gặp gỡ, giao lưu với người cao tuổi và nhân dân. Anh Nguyễn Văn Đà cho biết: “Tôi thường bố trí thời gian để ngồi với bà con. Nhiều khi chỉ là uống chén nước chè, nói dăm câu chuyện về thôn, xóm nhưng điều đó đã giúp tôi gần dân hơn và tạo được niềm tin với mọi người. Nhiều cô, bác còn chia sẻ cả chuyện riêng tư của nhà mình, nhờ tôi tư vấn”.
Chính bởi sự sâu sát, cởi mở của người cán bộ mặt trận trẻ tuổi ấy nên xã Đa Tốn đã thành công khi vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới với gần 30 công trình, phần việc. Nhân dân ủng hộ hàng trăm ngày công, hơn 1 tỷ đồng để cải tạo các công trình công cộng trên địa bàn. Ngoài ra, trong hơn 2 năm đảm nhận vị trí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đa Tốn, anh Nguyễn Văn Đà còn “thổi luồng gió mới” vào công tác mặt trận của xã khi “số hóa” mọi công việc. Thay vì sử dụng sổ sách như trước kia thì nay mọi số liệu được lưu vào hệ thống máy tính. Cán bộ mặt trận ở các thôn cũng được tập huấn để sử dụng thư điện tử. Nói về việc này, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn Nguyễn Văn Tiêu chia sẻ: “Chúng tôi đều đã ngoài 60 tuổi nhưng khi được anh Đà vận động sử dụng công nghệ thông tin phục vụ công việc, mọi người đều đồng tình hưởng ứng và thấy hiệu quả rõ rệt”.
Những người như ông Nguyễn Bắc Y, anh Nguyễn Văn Đà là điển hình của lớp cán bộ mặt trận luôn gần dân, sát dân. Những việc làm bền bỉ của họ đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thành phố Hà Nội và địa phương vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận của nhân dân, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Hiểu được lòng dân
Thành phố Hà Nội có 584 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, phường, thị trấn và 5.144 Ban công tác Mặt trận. Tùy theo địa bàn dân cư, mỗi Ban công tác Mặt trận có từ 9 đến 15 thành viên. Các cán bộ mặt trận ở cơ sở cùng chính quyền luôn tích cực vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua do cấp trên phát động. Điển hình là vận động nhân dân toàn thành phố đóng góp 2,1 triệu ngày công và hàng chục tỷ đồng, hiến 273.000m2 đất xây dựng giao thông trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ đầu năm 2019 đến nay, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng các địa phương đã giám sát hơn 60.000 vụ việc, phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị
thu hồi hơn 250.000m2 đất và hơn 15 tỷ đồng…
Không chỉ vậy, nhiều cán bộ mặt trận ở cơ sở còn là cầu nối giữa dân với Đảng, giữa người dân với người dân để hòa giải nhiều vướng mắc trong tổ dân phố, khu dân cư. Điển hình như Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 5 phường Trung Phụng (quận Đống Đa) Phùng Huy Đan. Với hơn 20 năm làm Công tác Mặt trận, ông Đan đã cùng các tổ chức đoàn thể địa phương vận động được 20 hộ dân chấp hành chủ trương của thành phố trong việc giải phóng mặt bằng, tham gia hòa giải thành công 20 vụ tranh chấp lối đi, nhà đất. Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 8, xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Vui đi đầu trong vận động bà con chú trọng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 4 phường Nhật Tân Chu Văn Chi đã góp phần đưa khu dân cư này thành điểm sáng về xây dựng tuyến phố văn minh đô thị của quận Tây Hồ…
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhận xét: “Những năm qua, đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã trưởng thành về nhiều mặt và đóng góp tích cực trong công tác xây dựng chính quyền vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, xây dựng và duy trì các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư”.
“Để nhân dân tin và làm theo, ngoài việc gắn bó, sâu sát cơ sở, cán bộ Mặt trận còn phải luôn gương mẫu đi đầu thực hiện mọi phong trào, cuộc vận động” - đó là lời chia sẻ của Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 14, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Thảo. Với việc không ngừng phát huy vai trò, cán bộ mặt trận ở cơ sở thành phố Hà Nội đã trở thành hạt nhân vững chắc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Theo HNM