Ngày 26/10, tại Hà Nội, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ tổ chức góp ý với chủ đề “Phát huy dân chủ trong thời kỳ Internet, đấu tranh phòng chống tham nhũng, giám sát và phản biện xã hội”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì tọa đàm.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, lịch sử phát triển loài người, dân chủ là xu hướng, là quy luật dù trải qua thời kỳ nào. Với mỗi quốc gia, từng khu vực có sự phát huy dân chủ khác nhau, nhưng trong thời đại hiện nay, với xu thế hội nhập toàn cầu thì phát triển dân chủ là điều tất yếu. Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, dân chủ càng có điều kiện để phát huy dù phương thức ở mỗi quốc gia là khác nhau, tuy nhiên việc lợi dụng dân chủ cũng vì thế có nhiều phức tạp hơn.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân việc phòng chống tham nhũng, đó là cuộc đấu tranh của cả hệ thống chính trị, nhưng kết quả chưa như mong đợi khiến nhân dân bức xúc. Mặt trận cũng đã và đang góp phần vào việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở Hiến pháp 2013 và quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã chủ trì phố hợp với các đoàn thể chính trị và các bộ ngành liên quan triển khai giám sát trên 8 lĩnh vực là giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, giám sát việc sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại tố cáo….
Toàn cảnh phiên Tọa đàm.
Kết quả giám sát bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua việc tổng rà soát chính sách đối với người có công cho thấy để thực hiện được thì chính quyền không đủ bộ máy để thực hiện nhưng qua việc giám sát của Mặt trận và các đoàn thể đã huy động hơn 100.000 nghìn người tham gia rà soát hơn 2 triệu hồ sơ.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định để phát huy dân chủ, MTTQ Việt Nam đã đẩy mạnh phương châm lắng nghe nhân dân nói, nói cho nhân dân nghe và làm cho nhân dân tin. Mặt trận đã định kỳ có tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, có tổng hợp, báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri, khiến nhân dân tin tưởng, tới đây cần tiếp tục phát huy.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn qua tọa đàm tiếp tục được các nhà khoa học góp ý vào văn kiện đúng thực tiễn phù hợp với tình hình đất nước.
Góp ý vào vấn đề dân chủ, dẫn lại những khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dân chủ, nhân quyền và tự do là xu thế khách quan và cũng là xu thế không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Việt Nam không phải là ngoại lệ và Việt Nam đã thừa nhận xu thế này, GS-TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, những tư tưởng này được đông đảo cán bộ và nhân dân trong nước, kiều bào nước ngoài và bạn bè quốc tế, kể cả những người gần đây thường có tiếng nói trái chiều, đón nhận với tâm trạng tích cực, đánh giá cao, đặt nhiều hy vọng. Vấn đề là thái độ của dân chủ của chúng ta còn “có vấn đề”.
GS. Hồ Sỹ Quý đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.
Theo GS Quý cần thay đổi thái độ về vấn đề dân chủ. Từ sự nghi ngại chuyển sang chủ động nắm bắt thì sẽ mang lại phương thức rất hữu hiệu trong quản lý, điều hành. Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý vĩ mô cần phải nắm lấy “vũ khí dân chủ”; học cách sử dụng văn hóa dân chủ, dùng dân chủ như là phương thức quản lý và điều tiết xã hội.
“Lâu nay chúng ta cũng từng nghe và bàn luận về việc nắm lấy “vũ khí dân chủ”, nhưng trong một số trường hợp lại là để cản trở dân chủ, bóp nghẹt dân chủ. Những tưởng là như thế có lợi, hóa ra về lâu dài, ở tầm vĩ mô lại là có hại”, GS Quý phân tích.
GS Quý khẳng định, khó có một chính sách xã hội nào lại có thể đạt đến tối ưu hay thật sự có hiệu quả nếu bỏ qua sự phản biện, thẩm định về mặt chuyên môn. Nếu không dựa vào cơ chế dân chủ thì không một pháp luật nào, một thứ đạo đức nào hay một loại công cụ nào có thể ngăn chặn hữu hiệu sự thao túng của các nhóm lợi ích, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Chỉ có một cách vừa nhân văn vừa bền vững là phải thích ứng và chung sống với tự do, dân chủ. Tất nhiên điều này không dễ nhưng không thể làm ngơ và buộc phải thực hiện. Về lâu dài, chắc chắn, đó không phải là con đường tăm tối, hay ngõ cụt, mà là cách hợp lý để đi tới tiến bộ xã hội, điều mà Thủ tướng Chính phủ gọi là xu thế khách quan. Bởi hiện nay, Việt Nam cùng với hơn 162 nước thuộc Liên Hợp Quốc đã tự nguyện ký và cam kết thực hiện Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền.
“Trên 30 triệu người Việt Nam sử dụng công cụ Internet, vào loại mạnh nhất thế giới Chúng ta cần sử dụng như một công cụ hữu hiệu hơn nữa, chứ không phải là tâm lý e ngại. Càng chủ động sử dụng thì hiệu quả càng lớn, nếu ngăn cản sẽ nảy sinh những hệ lụy”, GS Hồ Sỹ Quý nhấn mạnh.
PGS-TS Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, muốn phát huy dân chủ, thì vấn đề hết sức quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Giám sát và phản biện xã hội là một hoạt động rất phổ biến trong các xã hội hiện đại. Nó đã phổ biến đến mức người ta không thể tưởng tượng được sự tồn tại của xã hội hiện đại sẽ như thế nào nếu không có hoạt động này. Chính hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả. Vấn đề đặt ra là ai giám sát và phản biện, giám sát cái gì và như thế nào và những điều kiện đảm bảo sự thành công của hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Theo PGS Võ Đại Lược, giám sát, phản biện xã hội phải là việc của các tổ chức đoàn thể vì bộ máy chính quyền, dù có lực lượng chức năng nhưng không phát hiện được. PCTN chẳng hạn, chủ yếu do người dân, xã hội phát hiện. Công tác giám sát và phản biện xã hội chưa được quy định thành luật buộc các cơ quan nhà nước phải thực hiện. Thiếu quy định của luật pháp nên các cơ quan nhà nước có thể tùy ý đặt ra yêu cầu giám sát và phản biện xã hội trong một số chứ không bao gồm tất cả các lĩnh vực.
PGS Võ Đại Lược phát biểu tại Tọa đàm.
Tuy nhiên theo PGS Lược, các tổ chức xã hội cũng chỉ tham gia giám sát và phản biện xã hội trên những vấn đề mà dân chúng bức xúc, ít hây hấn, không cần đòi hỏi nhiều hiểu biết về chuyên môn, dễ được các cơ quan nhà nước chấp nhận như các vấn đề về doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, thuế thu nhập, ô nhiễm môi trường. Còn có những vấn đề muốn giám sát, phản biện cần đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu, tốn công sức, thời gian, tài chính mới làm được, nghĩa là vượt quá khả năng của các tổ chức xã hội thì nhường họ không làm.
Để giám sát hiệu quả theo PGS Lược phải có những tổ chức xã hội độc lập thì mới có thể giám sát được những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Từ đó ông kiến nghị cần có luật về giám sát để quy định cơ quan công quyền phải làm gì, tạo điều kiện cho dân chúng được giám sát ra sao, phải cấp kinh phí để các tổ chức họ thực hiện giám sát-phản biện xã hội, Nhà nước phải khuyến khích việc giám sát, phản biện.
“Phải có văn hóa giám sát, phản biện. Thái độ giám sát, phản biện phải với ý thức xây dựng, để Đảng, nhà nước mạnh hơn chứ không phải để công kích nhau. Báo chí là công cụ rất quan trọng để thực hiện giám sát, phản biện nên phải được tăng cường.”, PGS Lược đề nghị
GS-TS Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng Viện khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, dân chủ hóa xã hội là nguồn lực, động lực để các quốc gia hội nhập quốc tế, tham gia vào cuộc chơi toàn cầu; đồng thời dân chủ hóa cũng là kết quả của quá trình toàn cầu hóa. Dưới tác động của toàn cầu hóa được dẫn dắt của kinh tế thị trường hiện đại trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin, dân chủ hóa xã hội là một tất yếu khách quan, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của nhân loại.
GS. TS Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng Viện khoa học vật liệu,
Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đóng góp ý kiến tại Tọa Đàm.
Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và dưới tác động của toàn cầu hóa thì dân chủ hóa xã hội vừa tạo ra nguồn lực, động lực to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước, vừa là yêu cầu tất yếu để hội nhập quốc tế thành công.
Theo GS Liêm sự phát triển bùng nổ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin là động lực thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Dân chủ hoá thông tin được xem là một trong những lĩnh vực dân chủ hoá quan trọng bậc nhất trong thời đại ngày nay, là tiền đề để thúc đẩy quá trình dân chủ hoá trở thành thực sự trong đời sống xã hội hiện đại.
“Dân chủ hóa xã hội ở Việt Nam là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập. Việt Nam là thành viên của các tổ chức quốc tế, do đó, hệ thống pháp luật phải phù hợp với các điều ước của các tổ chức đó. Do đó, hệ thống pháp luật phải từng bước được hoàn thiện theo lộ trình đã cam kết tham gia. Mà các quy định của các tổ chức đó mang tính tự do hóa và dân chủ hóa thì đương nhiên hệ thống pháp luật của Việt Nam phải thể hiện tinh thần tự do hóa, dân chủ hóa xã hội.”, GS Liêm khẳng định.
Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm:
Ông Lê Bá Trình Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.
Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại Tọa đàm
Trung Hiếu
Ảnh: Hoàng Long