Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Nguyễn Phú Trọng "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" đã khẳng định tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sự nỗ lực sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng; đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện, chuyển biến tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 - 2020) và chuẩn bị tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng với tiêu đề "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới".
Bài viết một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sự nỗ lực sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng; đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện, chuyển biến tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tin tưởng và đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đảng.
Từ bài viết, các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có những đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng tâm nhất trí, chung sức đồng lòng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc
|
Đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. |
Một trong những bài học kinh nghiệm lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với chức năng tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và các thành phần trong xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đã hiệu triệu, quy tụ nhân dân thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, chung sức, chung lòng làm nên những thắng lợi vĩ đại, viết nên những trang sử hào hùng của cả dân tộc, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ, trở thành chủ nhân của đất nước; mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội.
Bằng việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam”, hệ thống Mặt trận các cấp đã kịp thời cung cấp thông tin, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chương trình công tác của Mặt trận đến với các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận và ủng hộ cao trong nhân dân. Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã thực hiện nề nếp, ngày càng thiết thực nhiệm vụ “Mặt trận lắng nghe ý kiến của Nhân dân” để kịp thời nắm bắt tình hình, tập hợp ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của Nhân dân, phản ánh định kỳ đến các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đây là kênh tập hợp, phản ánh trung thực, khách quan và đa dạng để các cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý minh bạch, hiệu quả, hướng tới phục vụ tốt hơn đời sống của Nhân dân.
Việc ban hành và triển khai thực hiện các kết luận của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc”, “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo”, “Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài”… đã góp phần quan trọng tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sau gần 20 năm triển khai, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hằng năm (18 tháng 11) đã được tổ chức nền nếp, rộng khắp, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, củng cố tình làng, nghĩa xóm, phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo sự gắn bó, liên hệ mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với Nhân dân, củng cố khối đoàn kết toàn dân ngay từ mỗi cộng đồng dân cư.
Trong nhiều năm qua, các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện đã lan tỏa rộng rãi, ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Đó là các phong trào, cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (trước đây là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”), “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của MTTQ Việt Nam đã lôi cuốn, cổ vũ, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực trong xã hội, nhân lên truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Gần đây nhất, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã có những cách thức triển khai kịp thời, quyết liệt và đổi mới phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, huy động được sự tham gia rộng rãi, to lớn của các tổ chức thành viên, nguồn lực của nhân dân tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh; giám sát quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền vận động ở Trung ương và địa phương về phòng chống dịch Covid-19 là trên 2.000 tỷ đồng. Trên cơ sở số tiền và hàng tiếp nhận, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ, phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các cơ quan, bộ, ngành liên quan kịp thời phân bổ tiền và hiện vật đến đối tượng sử dụng.
Trong những năm gần đây, công tác Mặt trận đã khẳng định bước phát triển mới trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Mặt trận đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, từ tham gia xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; thực hành dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở; tăng cường tổ chức tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; thực hiện 12 chương trình giám sát toàn quốc và gần 500.000 cuộc giám sát, gần 87.000 cuộc phản biện xã hội ở các cấp; ban hành “Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020”, triển khai Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tổ chức tốt các hoạt động tiếp xúc cử tri, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Việc chủ động đề xuất tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan nhà nước; hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam; sắp xếp tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ bảo đảm hoạt động hiệu quả; phát huy vai trò các tổ chức tư vấn, chuyên gia, cộng tác viên; ứng dụng công nghệ thông tin… đã tạo nền tảng, cơ sở vững chắc để nâng chất công tác Mặt trận trong những năm vừa qua.
Hoạt động đối ngoại của Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng mở rộng và đa dạng, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; mở rộng đoàn kết trong nước với đoàn kết quốc tế.
Có thể khẳng định, những hoạt động nêu trên không chỉ có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, huy động sức mạnh của mọi tầng lớp trong xã hội, mở rộng dân chủ, mà còn góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2020, cùng với các sự kiện trọng đại của Đảng, của dân tộc, cũng là năm kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Phát huy truyền thống và sứ mệnh của mình, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên sẽ tổ chức sáng tạo nhiều hoạt động hơn nữa nhằm khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp quan trọng của MTTQ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Theo đó, chú trọng vào những nội dung trọng tâm như: đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; nắm bắt đầy đủ và quan tâm phối hợp giải quyết tốt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; chú trọng nhiệm vụ đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; tham gia vào quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Đại hội thi đua yêu nước của MTTQ Việt Nam và các hoạt động hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19”; tổ chức tốt các hoạt động, sự kiện cấp quốc gia kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020).
GS.TS Hoàng Chí Bảo: Tự hào về những thành tựu đổi mới của dân tộc Việt Nam
Tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đây là khẳng định thành tựu của đổi mới và sự phát triển của cách mạng Việt Nam, của Đảng, của dân tộc ta, mà sự thể hiện rõ nhất là qua 3 thập kỷ đổi mới. Nhờ có đổi mới, Việt Nam đến với thế giới bằng mở cửa, hội nhập. Nhờ có thành tựu đổi mới, thế giới biết đến Việt Nam. Cho nên, thế và lực của đất nước phát triển mạnh mẽ, tương lai, triển vọng của Việt Nam tươi sáng như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói chính là từ thực tiễn đổi mới. Những thành tựu đổi mới có tầm vóc lịch sử, có ý nghĩa lịch sử ấy là do cả dân tộc Việt Nam tạo ra. Nhân dân và Đảng có thể tự hào hiện diện những “đồng tác giả” của đổi mới, “đồng tác giả” của những thành tựu đổi mới chúng ta đạt được vừa qua.
Để tiếp tục tạo nên những thành tựu to lớn hơn, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất là làm sao để Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, luôn xứng đáng với vai trò lãnh đạo cầm quyền, được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Vì vậy, Đảng phải luôn luôn phòng ngừa những nguy cơ thoái hóa biến chất. Nội dung xây dựng Đảng phải gắn liền với chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng cả về đạo đức và văn hóa chứ không chỉ dừng lại ở xây dựng Đảng chính trị, tư tưởng, tổ chức. Trong đó, cần chú trọng đến tổ chức cơ sở Đảng, đến sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp ủy và những người đứng đầu cấp ủy. Điều này sẽ tạo thành tiền đề vững chắc để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và những năm tiếp theo, có bước phát triển mới, hướng tới 100 năm ngày thành lập Đảng, 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Cần thực hiện nhiệm vụ “kép”: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế
6 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta. GDP 6 tháng đầu năm 2020 của nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng dương, tăng 1,81%. Đó là sự nỗi lực to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 hiện nay bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp và khó lường. Vì vậy, trong thời gian tới đây, nhiệm vụ “kép” quan trọng của Việt Nam vừa phải chống và khống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Để làm được điều đó, cần có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường thì nền kinh tế mới phục hồi tốt. Do đó, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, khơi thông và sử dụng một cách hiệu quả nhất các nguồn lực hiện có, đặc biệt là nguồn lực từ đầu tư công. Trong bối cảnh đại dịch, đầu tư công càng phải phát huy được vai trò là một “giải pháp ứng phó” quan trọng, được coi là chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công cần phải được thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.
Thứ hai, cần tiếp tục quan tâm, thúc đẩy gia tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là nắm bắt cơ hội đón “làn sóng” dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc do tác động của dịch Covid-19. Tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn, hàng đầu tên thế giới. Đẩy nhanh có hiệu quả các hoạt động của tổ công tác thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, cần có những cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút và giữ chân các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn.
Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp phải hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa số lao động đang làm việc. Đồng thời, cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng.
Thứ tư, gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện nên kéo dài đến hết tháng 12 năm 2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021. Ví dụ, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và tiền thuê đất.
Thứ năm, cần có các điều chỉnh chính sách tài khóa mạnh hơn để kích thích sản xuất và tiêu dùng. Cũng cần có thêm các hình thức như phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng hoặc Chính phủ mua hàng phân phối cho người dân chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng đang nhận bảo trợ xã hội để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân hoặc mở rộng đối tượng là toàn bộ người dân căn cứ và diễn biến dịch bệnh để kích cầu tiêu dùng nội địa.
Trung tá, TS Hà Sơn Thái, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng: Củng cố niềm tin tất thắng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng
Trước bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước đang có những biến động nhanh chóng, khó lường, có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức mới; nhất là các thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị cả ở trong nước và ở nước đang tìm mọi thủ đoạn để chống phá điên cuồng công tác chuẩn bị và tiến hành Đại hội XIII của Đảng ta.
Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” là một trong những minh chứng thuyết phục, phản bác lại các thông tin xấu, độc của các lực lượng thù địch.
Thứ nhất, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định thành tựu chủ yếu: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tạo dấu ấn nổi bật”. Thứ hai, đồng chí tiếp tục khẳng định, bổ sung và làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ những nhiệm kỳ trước: “Thứ nhất, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (xây dựng tổ chức, xây dựng con người) phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.
Đây là hai vấn đề căn cốt nhất, có ý nghĩa rất lớn: Một mặt, nhận định đó đã xóa tan những hoài nghi về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta trong gần một nhiệm kỳ qua. Hơn ai hết, chúng ta còn nhớ như in và vô cùng xúc động trước hình ảnh đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư nghẹn ngào tự phê bình và nhận khuyết điểm trước Ban Chấp hành Trung ương tại phiên Bế mạc Hội nghị 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, ngày 15/10/2012. Kiểm thảo và đối chiếu với dấu ấn nổi bật trong gần 5 năm qua với khuyết điểm còn tồn tại của 8 năm trước cho phép ta khẳng định một điều chắc chắn rằng: Niềm tin của Nhân dân vào Đảng ta ngày càng được củng cố và tăng cường!
Mặt khác, và hơn thế nữa, đó cũng là lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn dân ta đồng tâm, hợp lực để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới với những thành tựu mới ngày càng to lớn hơn như những điều mong mỏi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra./.
Theo Thu Hằng/Tạp chí Tuyên giáo