Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao: Nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận (theo báo Đại Đoàn Kết, ngày 10/06/2015)

10/06/2015 - 10:27 AM
Chiều qua, 9-6, với 85,25% số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 3 về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với 85,25% ĐBQH tán thành; thông qua Điều 26 về đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát với 83,23%  ĐBQH tán thành; thông qua Điều 33 về đối tượng, nội dung, phạm vi phản biện xã hội với 83,64% ĐBQH tán thành.



ĐBQH bấm nút thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)
Ảnh: Hoàng Long

Thành lập Ban Công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng
 
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ông Phan Trung Lý- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: Có ý kiến cho rằng, nên quy định cụ thể trong Luật về MTTQ Việt Nam giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên. Nhiều ý kiến đề nghị không quy định cụ thể việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng. Trước vấn đề trên, UBTVQH cho rằng: Việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng là một chủ trương lớn của Đảng nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia góp ý của nhân dân, đã và đang được thực hiện bình thường, ổn định trong thời gian qua theo quy định của Đảng. Tuy nhiên, theo UBTVQH, do đây là những nội dung mới được triển khai thực hiện theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (được ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị), cho nên cần có thêm thời gian để tổng kết thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục, phương thức thực hiện rồi mới thể chế hoá trong Luật. Do đó, xin phép Quốc hội chưa nên luật hóa nội dung này trong Luật. 

Về Ban Công tác Mặt trận, UBTVQH cho biết: Qua thảo luận, hầu hết ý kiến của các vị ĐBQH đều khẳng định vai trò cũng như những đóng góp quan trọng của Ban Công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng trong thời gian qua. Ban Công tác Mặt trận không phải là một cấp nhưng là phương thức để triển khai hoạt động gắn với nhân dân của Mặt trận ở cấp xã, bảo đảm kịp thời, rộng rãi, hiệu quả. Mặt khác, trong một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật Hoà giải ở cơ sở, Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cũng đã có quy định về Ban Công tác Mặt trận. "Vì vậy, UBTVQH đề nghị QH cho chỉnh lý nội dung này trong Luật MTTQ Việt Nam để tránh cách hiểu Ban Công tác Mặt trận như là một cấp trong hệ thống tổ chức của Mặt trận. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật quy định Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã thành lập Ban Công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng, còn tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận sẽ do Điều lệ quy định”- ông Lý cho hay.

Với việc có ý kiến đề nghị làm rõ hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xử lý và trả lời sau phản biện, UBTVQH nhận thấy: Dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong hoạt động phản biện xã hội cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản là phải trả lời bằng văn bản về việc tiếp thu ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận; trường hợp không tiếp thu kiến nghị thì phải giải trình; báo cáo ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành. Đây là những biện pháp cần thiết để bảo đảm tính khả thi cho hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận.  

Luật Mặt trận lần này đã có một bước tiến rất xa

Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) đã được QH thông qua. Theo ĐB Lê Đắc Lâm- Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Luật đã nhận được sự ủng hộ rất cao của các ĐBQH. ĐB tin tưởng rằng việc khẳng định vai trò của các Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư sẽ giúp các Ban công tác này hoạt động tốt hơn. Đặc biệt vấn đề nhiều người quan tâm đó là chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã được quy định rất cụ thể trong Luật, điều đó không chỉ giúp nâng cao vị thế vai trò của MTTQ Việt Nam mà còn giúp cho hệ thống MTTQ các cấp bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi ích chính đáng của nhân dân.

Còn ĐB Trần Văn Huynh (Kiên Giang) cho rằng, chức năng giám sát, phản biện được quy định trong Luật thì những bức xúc của dân (thông qua những người làm công tác Mặt trận) sẽ đến được với chính quyền nhiều hơn, thông qua kênh giám sát của MTTQ. "Tôi rất kỳ vọng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, của các tín đồ, chức sắc tôn giáo sẽ đến Đảng, Nhà nước để có những điều chỉnh kịp thời. Luật được thông qua sẽ là cầu nối giữa tín đồ, chức sắc tôn giáo và nhà nước, để tiếng nói của dân có thể trực tiếp đến với Đảng”- ông Huynh nói.

Với ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng), Luật Mặt trận lần này đã có một bước tiến rất xa. Nói về Ban Công tác Mặt trận, ĐB chia sẻ: "Chúng tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa là Ban Công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng là một thực thể hiển nhiên tồn tại, gần gũi với đời sống hàng ngày của mọi người dân, đồng hành cùng cơ quan Đảng, chính quyền mọi lúc mọi nơi. Việc quy định chức năng phản biện xã hội của Mặt trận đã có một bước tiến rất xa so với luật trước, thể hiện ở các quy định trao quyền tự chủ cho Mặt trận trong việc lựa chọn nội dung và hình thức phản biện, không còn quy định "khi có yêu cầu” thì MTTQ Việt Nam mới thực hiện phản biện xã hội nữa. "Tức là MTTQ Việt Nam sẽ thực hiện phản biện xã hội khi thấy cần chứ không phải là thụ động ngồi chờ "yêu cầu” từ phía các cơ quan nhà nước”- ông Tâm nói.
 
T.Dương- H.M
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020