Sửa Điều 60 Luật BHXH (sửa đổi): Tạo cơ chế linh hoạt trong chính sách bảo hiểm xã hội (báo Đại Đoàn Kết, ngày 22/05/2015)

22/05/2015 - 09:06 AM
Sáng 21-5, ĐBQH làm việc tại Hội trường nghe báo cáo về một trong những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm - đó là đề xuất sửa đổi Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (BHXH).



Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền
Ảnh: Hoàng Long

Vấn đề của lần sửa đổi này là do Luật BHXH vừa được thông qua chưa có hiệu lực thi hành thì người lao động tại một số địa phương (chủ yếu ở phía Nam) lại có ý kiến được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trình bày rõ quan điểm sửa đổi điều luật này. Theo Bộ trưởng Chuyền, quan điểm sửa đổi là nhằm mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; là một trong những giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH được đặt ra tại Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và  Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020.

Làm rõ những mặt tích cực của quy định này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, bảo lưu thời gian đã đóng BHXH người lao động sẽ có nhiều lợi ích như: Khi trở lại làm việc thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu. Trường hợp không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu với nhiều quy định mới tạo thuận lợi cho người lao động, như bổ sung phương thức đóng một lần cho nhiều năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động; chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì với quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp người lao động vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới. Khi người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng thì quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế cho người lao động. Trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH, nếu không may người lao động từ trần thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất bao gồm: trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần với mức trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp BHXH một lần.

Trong lần sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH 2014, Chính phủ đề nghị  Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Việc sửa đổi như trên sẽ tạo cơ chế linh hoạt trong chính sách BHXH, đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận người lao động không có điều kiện và khả năng tiếp tục tham gia BHXH để được hưởng lương hưu hàng tháng- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trình bày.

Trên cơ sở nguyện vọng của một bộ phận người lao động chỉ làm việc ở khu vực chính thức trong một thời gian ngắn, trong điều kiện sự dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm, việc làm của người lao động chưa thật sự bền vững, đa số thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ là, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH, bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy ban trình bày.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban cũng đề nghị, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH  một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già (năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu). Để tổ chức thực hiện chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, công đoàn, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ và có nhiều giải pháp phù hợp hơn nữa để tuyên truyền, phổ biến và giải thích đúng bản chất, ý nghĩa, mục tiêu, quan điểm của chính sách bảo hiểm xã hội - chính sách trụ cột của an sinh xã hội nhằm tăng số lượng người lao động tham gia BHXH theo mục tiêu đã đề ra vào năm 2020 (50% lực lượng lao động).

Nhóm PV
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020