Hỏi thăm nhà ông từ đầu ngõ, chúng tôi được
người dân nơi đây cho biết, ông Dĩnh là Trưởng Ban Công tác Mặt trận,
luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào, là tấm gương sáng
về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông Dĩnh được
người dân ở Giang Biên gọi là “ông Mặt trận với tấm lòng nhân ái từ
những đồng tiền lẻ”.
Ở tuổi 73, ông Dĩnh trông vẫn khỏe mạnh, đôi bàn tay
vẫn săn chắc, nhanh nhẹn lạ thường nhưng ít ai biết trong người ông đang
mang nhiều thương tích của chiến tranh, mỗi khi trái nắng trở trời
người ông lại đau ê ẩm. Vượt qua những nỗi đau về thể xác, được sống
trong bầu trời hòa bình tự do, người cựu chiến binh ấy lại hăng say lao
động sản xuất. Sáng sáng, ông vẫn thường xuyên đi vun ngô, trồng đỗ, góp
phần phát triển kinh tế gia đình.
Tận mắt chứng kiến những đồng đội của mình đã hy sinh xương máu để bảo
vệ quê hương đất nước, nhìn những đứa trẻ tật nguyền bị nỗi đau chất độc
da cam ông Dĩnh không cầm được nước mắt. Nhà ông cũng chẳng phải khá
giả cho mấy, cũng không giúp được cho con
em những đồng đội mình. Ông cảm thấy buồn khi mình là những người may
mắn được sống sót trở về mà không làm được điều gì có ý nghĩa đối với
những đồng đội đã ngã xuống. Từ những suy nghĩa đó, Ông bàn với bà hàng
năm bớt 1 chút chi tiêu tham gia ủng hộ vào quỹ Chữ thập đỏ của địa
phương.
Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh”, năm 2007 ông Dĩnh bắt đầu học Bác và làm theo Bác Hồ, ông đã nhờ 1
người hàng xóm làm gò hàn cho ông 1 cái hòm sắt để ông tiết kiệm. Bằng
số tiền trợ cấp bệnh binh ít ỏi, hàng ngày, cứ sau bữa ăn tối, ông lại
bỏ vào hòm tiết kiệm 1000 đồng. Cứ thế cho đến năm 2009, mỗi năm ông đã
tiết kiệm được 365.000 nghìn ủng hộ vào quỹ Chữ thập đỏ. Lúc đầu, thấy
ông đổi tiền lẻ, vợ ông hỏi ông chỉ cười và bảo là “để tiêu cho dễ”.
Nhưng khi biết chuyện, vợ ông đã rất cảm động với việc làm đầy ý nghĩa
của ông. Tay bện chổi, từ ngoài sân, giọng bà vọng vào nhà bảo “Cô ơi,
có người cười ông ấy và bảo nhà đã nghèo lại còn tiết kiệm đấy” Tôi lặng
người đi trước câu nói vô tư của bà và chỉ biết mỉm cười vì cảm phục.
Từ năm 2010 đến nay, mỗi ngày ông Dĩnh bỏ 2000 đồng bỏ vào hòm tiết kiệm
(có lẽ ông cũng tính trượt giá). Ông ngồi tính nhẩm nhẩm số tiền tiết
kiệm cũng đã tăng lên gấp đôi. Nhưng không hiểu sao đôi mắt của ông lại
buồn như vậy. Ông nói “Quanh chúng ta còn nhiều người ủng hộ nhiều hơn
tôi lắm. Chúng tôi cũng hoàn cảnh nên chỉ ủng hộ được như vậy thôi.
Những việc làm của tôi không có gì đáng nói, tôi chỉ làm bằng cái tâm
của mình, đồng cảm với những người còn khó khăn hơn mình thôi”. Hỏi về
lý do tại sao ông lại tiết kiệm mỗi ngày bằng những đồng tiền lẻ mà
không để cuối năm ủng hộ quỹ Chữ thập đỏ cả thể cho đỡ mất công. Ông nói
rằng, mỗi đồng tiền lẻ đó đều là tấm lòng của tôi, của gia đình tôi, là
ý thức để chia xẻ với những người còn khó khăn hơn chúng tôi. Nhìn ông
bỏ 2000 đồng vào hòm tiết kiệm, tôi mới thấy những đồng tiền lẻ đó sao
mà đáng quý, đáng trân trọng vậy. Thậm chí nó còn có ý nghĩa nhân văn
hơn cả hàng trăm, hàng triệu đồng nếu không sử dụng đúng.
Hàng năm vào đầu tháng 11 ông lại háo hức mở hòm tiết kiệm mang những
đồng tiền lẻ mà mình tiết kiệm được ủng hộ vào quỹ Chữ thập đỏ của
phường. Mỗi lần như thế, ông lại cảm thấy vui vui trong lòng và càng
hăng say làm công việc bình dị, đơn giản, hết sức ý nghĩa mà có lẽ không
ai dễ dàng kiên trì làm được. Ông Dĩnh quả là một tấm gương sáng để mọi
người chúng ta học tập và làm theo.
Ngô Hằng