Ông Nguyễn Đình Thường - Trưởng thôn Thanh Chiểu cho biết “ Để giữ vững
và phát huy làng văn hóa cấp tỉnh hơn 10 năm qua, cán bộ và nhân
dân thôn Thanh Chiểu luôn đoàn kết, bàn bạc dân chủ để cùng nhau xây
dựng làng ngày một phát triển toàn diện, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc”.
Hoạt động văn nghệ tại Hội nghị Đại biểu nhân dân thôn Thanh Chiểu năm 2013
Là một thôn có 657 hộ với 2.930 nhân khẩu, 91% người
dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp nên nhân dân trong thôn đã mạnh dạn
đưa các giống lúa mới chất lượng cao
vào canh tác như : Khang dân 18, khang dân đột biến, TBR45, dùng phương
pháp gieo sạ lúa theo hàng bằng giàn kéo tay…Vì vậy hàng năm năng suất
lúa bình quân luôn đạt 60 tạ/ha, năng suất lúa cao nhất, nhì huyện Ba
Vì. Ngoài ra các cây màu như ngô, lạc, các loại cây rau được đưa vào sản
xuất, các giống tiến bộ như ngô lai NK
6654, lạc VD118. Năng suất ngô luôn đạt 220 kg/sào, lạc đạt từ 70 đến
90kg/sào. Bên cạnh tập trung vào sản xuất, nhân dân trong thôn còn tập
trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, các nghề phụ như may công
nghiệp, làm nấm rơm, đem lại lợi nhuận và giải quyết công việc lúc nông
nhàn. Đến nay, số hộ nghèo trong thôn chỉ còn 6,5%, số hộ khá và giàu
hơn 50%. Để giữ vững làng văn hóa, cán bộ và nhân dân trong thôn luôn
thực hiện tốt quy ước làng văn hóa đã đặt ra như trong việc cưới không
mở loa đài quá 11 giờ đêm và trước 5 giờ sáng, lễ ăn hỏi và dạm ngõ kết
hợp trong buổi sáng, tổ chức cưới gọn nhẹ tiết kiệm, không mời thuốc lá,
đến nay mỗi đám cưới đã tiết kiệm cho gia chủ từ 7 đến 10 triệu đồng.
Về việc tang: không tổ chức ăn uống tràn lan mà chỉ trong nội bộ con
cháu gần gũi, bỏ hủ tục lăn đường, chống gậy, tích cực động viên chuyển
từ hung táng sang hỏa táng đối với người quá cố, đã tiết kiệm cho gia
chủ từ 10 đến 12 triệu đồng. Việc mừng thọ đã đi vào nề nếp, nhiều năm
nay, các cụ tuổi tròn tổ chức mừng thọ theo quy định từ 4 đến 6 Tết, chỉ
làm vài mâm cơm mời con cháu. Tiền mừng thọ đã góp phần chăm sóc người
cao tuổi và tiết kiệm cho con cháu từ 5 đến 10 triệu đồng. Về lễ hội đã
tổ chức đơn giản đảm bảo trang trọng tiết kiệm, có đầy đủ phần lễ và
phần hội. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao, các câu
lạc bộ như cầu lông, thể dục dưỡng sinh, cờ tướng và các trò chơi dân
gian được duy trì và phát triển. Ngoài các phong trào trên, các dòng họ
trong thôn còn xây dựng quỹ khuyến học với số tiền hơn chục triệu đồng,
hàng năm các dòng họ đều trích quỹ để khen thưởng các em học sinh giỏi
và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, vì vậy hàng năm số lượng học
sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong thôn từ 19 đến 23
em. Công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo, nhân dân luôn gìn giữ cảnh
quan chung, không vứt rác bừa bãi, trồng cây xanh tại khuôn viên
của thôn và tại gia đình. Điều đặc biệt là 10 năm qua, mỗi hộ dân ở đây
đã đóng góp mỗi hộ từ 3 đến 5 triệu đồng để bê tông hóa đường làng, ngõ
xóm. Đến nay, 100% hệ thống đường giao thông đã bê tông hóa phục vụ tốt
nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế ở đây. Điều đáng nói nữa là, trong
khi một số thôn, làng sau khi được công nhận làng văn hóa vẫn phát sinh
tệ nạn xã hội, thôn Thanh Chiểu đã không có tệ nạn xã hội, an ninh trật
tự, an toàn xã hội luôn ổn định, nhân dân luôn chấp hành tốt mọi chủ
trương đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà Nước, quy định
của địa phương. Qua đánh giá bình xét số hộ đạt gia đình văn hóa trong
thôn hàng năm luôn đạt 85% trở lên. Để giữ vững và phát huy danh hiệu
Làng văn hóa, trong thời gian tới cán bộ và nhân dân Thanh Chiểu tiếp
tục thực hiện có hiệu quả các nếp sống văn hóa trong việc cưới, tang,
mừng thọ, lễ hội, đóng góp tài sản, công sức trong xây dựng nông thôn
mới, đặc biệt là việc dồn diền đổi thửa trong năm 2013.
Hồng Đạt (Đài Truyền Thanh huyện Ba Vì)