Người có vinh dự được giao phụ trách công tác chuẩn
bị và tổ chức Đại lễ này là Thượng tọa Thích Thanh Nhã, Ủy viên Hội
đồng Trị sự TƯ Giáo hội Phật
giáo Việt Nam, Phó Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, Chánh ban Đại
diện Phật giáo quận Tây Hồ, Trụ trì chùa Trấn Quốc. Với nguồn kinh phí
được giao vẻn vẹn hơn 300 triệu đồng, làm sao tổ chức một đại lễ hoành
tráng? Vừa nghiên cứu nghệ thuật, kiến trúc của các đời trước để thiết
kế được 16 xe rước, Thượng tọa vừa tự mình đi quyên góp kinh phí để đảm
bảo nghi lễ thật sự trang trọng.
Thượng tọa Thích Thanh Nhã là vậy, kiên trì, bền bỉ
và quyết đoán, không bao giờ chùn bước trước việc khó, đặc biệt là việc
tăng sai. Không chỉ riêng việc góp phần công sức tổ chức thành công Đại
lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thượng tọa còn là
người có công lớn trong việc xây dựng ngôi chùa Trấn Quốc (Quận Tây Hồ)
trở thành danh thắng nổi tiếng của Hà Nội.
Sinh ra tại quê hương Thái Bình, xuất gia từ năm 13,
được cố Đại lão hòa thượng Kim Cương Tử, Thành viên Hội đồng chứng minh
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực HĐTS Giáo hội Phật
giáo Việt Nam nhận làm đệ tử duy nhất, Thượng tọa Thích Thanh Nhã cả
đời đã nỗ lực phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp phật môn. Lúc cùng thầy
đặt chân đến ngôi chùa Trấn Quốc (năm 1983), tất cả còn hoang sơ, cơ
ngơi chưa có gì, con đường
vào chùa nước ngập đến đầu gối - Thượng tọa chia sẻ. Nhà sư phải vào tận
huyện Đan Phượng để mua tre kè con đường vào, về tận Hải Phòng mang cau
lên trồng. Như con ong chăm chỉ, cùng với sự chia sẻ của phật tử,
Thượng tọa cùng thầy mình đã một tay xây dựng lên ngôi chùa Trấn Quốc
như hôm nay.
Gần 50 năm gắn bó với nhà Phật, Thượng tọa Thích
Thanh Nhã luôn đau đáu một tâm nguyện, làm sao để phụng sự đạo pháp,
đồng hành cùng dân tộc. Thầy cố gắng hết sức mình để mang những điều
Phật răn dạy, mang giáo lý của Phật đến với các phật tử. Tại ngôi chùa
Trấn Quốc, Thượng tọa đã mở một lớp thiền cho các phật tử. Đã 14 năm
nay, cứ vào ngày thứ bảy, các phật tử từ bốn phương lại tụ hội về chùa
để luyện thiền và nghe thầy giảng đạo. Trong những buổi như thế, khi thì
thầy vận động các phật tự phải làm theo lời dạy của Phật, giữ gìn cảnh
quan, môi trường, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, khi thì thầy
bảo ban mọi người chú tâm lo việc thiện, cứu khổ, cứu nạn, mang lại lợi
ích cho quần sinh. Đặc biệt, Thượng tọa luôn khuyên nhủ các phật tử
thành tâm làm việc thiện, việc tốt cho đời chứ tuyệt đối không được mê
tín dị đoan.
Với cương vị là Chánh đại diện Phật giáo quận Ba
Đình trước đây, nay là quận Tây Hồ, Thượng Tọa Thích Thanh Nhã đã nỗ lực
làm tốt việc phật sự và làm từ thiện. Hiện nay, các thầy đang đảm nhận
việc nuôi dưỡng cho 40 cháu học sinh nghèo và tàn tật. Ngoài ra, ai khó
khăn, hoạn nạn đến với cửa phật đều nhận được sự giúp đỡ. Là thành viên
của Hội Chữ thập đỏ quận, Thượng tọa không nề hà việc đi vận động các tổ
chức, cá nhân ủng hộ xây dựng quỹ. Tổng kết mấy khóa thầy tham gia, Hội
đã nhận được hàng tỷ đồng để giúp người nghèo và đồng bào vùng thiên
tai, bão lũ. Chỉ riêng chùa Trấn Quốc đã ủng hộ 200-300 triệu đồng cho
hoạt động từ thiện.
Còn nhiều điều để nói về Thượng tọa Thích Thanh Nhã.
Với cương vị là Hiệu trưởng Trường trung cấp Phật học của Hà Nội, thầy
cũng đóng góp tích cực vào việc đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ
tăng, ni của TP để chăm lo việc đạo, việc đời cho phật tự. Hơn 60 năm
tuổi đời, gần 50 tuổi đạo, Thượng tọa Thích Thanh Nhã đã, đang và vẫn sẽ
cố gắng hết sức mình để sự nghiệp của phật giáo luôn đồng hành cùng dân
tộc.
Lê Hoàn