Tiến tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 Bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật (Báo HNM)

25/03/2016 - 09:48 AM
Thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai các bước để bảo đảm ngày bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử thành phố Phùng Văn Thiệp về công tác chuẩn bị của thành phố.

- Ông có thể cho biết về công tác chuẩn bị bầu cử tính đến thời điểm này?

- Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã đi được hơn nửa chặng đường. Không khí sôi nổi đón chào ngày hội lớn của toàn dân đang lan tỏa khắp nơi. Mọi hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử cũng đang được khẩn trương triển khai từ thành phố tới cơ sở bảo đảm đúng luật, đúng tiến độ, an toàn, tiết kiệm. Những công việc chính đã triển khai như tổ chức hội nghị hiệp thương lần một, hiệp thương lần hai đều diễn ra thành công, tốt đẹp.
 

Công an phường Đồng Xuân (Hoàn Kiếm) cùng cán bộ cơ sở tuyên truyền về công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Khánh Huy

Thành phố Hà Nội được Hội đồng Bầu cử quốc gia phân bổ số ĐBQH là 30 người và phê duyệt 10 đơn vị bầu cử ĐBQH. Sau nhiều vòng chuẩn bị, đến nay, Ủy ban Bầu cử các cấp của thành phố cũng đã ấn định và công bố đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu HĐND được bầu của mỗi đơn vị bầu cử đúng luật định. Theo đó, HĐND thành phố được bầu 105 đại biểu ở 30 đơn vị bầu cử; HĐND cấp huyện được bầu 1.185 đại biểu ở 288 đơn vị bầu cử; HĐND cấp xã được bầu 16.045 đại biểu ở 4.370 đơn vị bầu cử.

Với tư cách là cơ quan thường trực của Ủy ban Bầu cử thành phố, Sở Nội vụ đã tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ban, ngành và của Ủy ban Bầu cử thành phố. Những thắc mắc của các quận, huyện, từ việc trường hợp nào không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri; quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu HĐND đến việc chuẩn bị phiếu bầu, hòm phiếu, thông tin tuyên truyền cho bầu cử, công tác an ninh trật tự bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử cũng đều được giải thích rõ.

- Số người tự ứng cử của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước. Làm thế nào để chọn được những ứng cử viên có trình độ, tâm huyết, thưa ông?

- Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội rất ủng hộ việc tự tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Việc này thể hiện rõ quyền của mọi công dân Việt Nam mà Hiến pháp đã quy định, cũng thể hiện một xã hội dân chủ với mong muốn nhiều người có đức, có tài sẵn sàng và tự nguyện đứng ra cùng chung tay xây dựng và phát triển đất nước, đem lại lợi ích cho nhân dân. Tuy nhiên, điều quan trọng hàng đầu vẫn là chất lượng của người ứng cử, chứ không phải là số lượng. Do vậy, con số 56 người tự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND TP Hà Nội mới chỉ là bước đầu, bởi sau đó còn phải thông qua các cuộc lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú, nơi làm việc và cuối cùng là thông qua tại hội nghị hiệp thương lần 3 của MTTQ nhằm lựa chọn được những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND có chất lượng, tiêu biểu, xuất sắc nhất.

- Như vậy, càng nhiều người ứng cử, người dân, MTTQ và các cơ quan liên quan càng có cơ hội lựa chọn "hạt nhân ưu tú"?

- Đúng vậy. Thành ủy đã có hướng dẫn cụ thể về quy định, tiêu chuẩn của người tham gia ứng cử. Đó phải là những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và hơn hết là có năng lực, điều kiện để thực hiện tốt trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó. Đồng thời, Thành ủy yêu cầu không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng. Để tìm được các hạt nhân ưu tú thì trước tiên các cơ quan hiệp thương cần phải rà soát hết sức chặt chẽ và nghiêm túc lý lịch của các ứng viên. Tiếp đó, cử tri phải thực sự sáng suốt trong việc lựa chọn ra người tiêu biểu, xuất sắc, xứng đáng đại diện cho mình.

- Làm thế nào để cử tri thấy rõ được trách nhiệm lựa chọn ra người đại diện tiếng nói của mình trước Quốc hội, HĐND, thưa ông?

- Ban Chỉ đạo bầu cử và Ủy ban Bầu cử thành phố đã chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền đến từng thôn, tổ dân phố, cụm dân cư cũng như các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền không đại trà, mà phải phù hợp với tiến độ và thời gian từng giai đoạn của cuộc bầu cử nhằm bảo đảm từng người dân, công nhân lao động hiểu rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong việc chung tay xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trong đó, đi sâu vào các nội dung mới về cơ cấu thành phần, tiêu chuẩn và số lượng ứng cử viên. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã và đang tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân" ở cấp cơ sở, đến tháng 4 sẽ tổ chức cuộc thi chung khảo cấp thành phố. Các cơ quan báo chí của Hà Nội cũng đã vào cuộc rất tích cực, cập nhật thường xuyên thông tin, mở chuyên trang, chuyên mục, chương trình riêng về bầu cử, tạo không khí tin tưởng, nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, thái độ tích cực của cử tri trong việc lựa chọn ra người đại diện tiếng nói của mình trước Quốc hội, HĐND.

- Xin cảm ơn ông!
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020