Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, gia đình cựu chiến binh Lê Văn Nhân - đại đội 17, tiểu đoàn 564, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 có ba người cùng tham gia. Ba anh em ruột cùng chung một chiến hào nhưng không hề gặp mặt, mãi đến 3 năm sau khi kể chuyện lại mới biết.
Ông Lê Văn Nhân kể lại những ngày tháng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Quang Vinh.
Đã 70 năm trôi qua nhưng với ông Lê Văn Nhân - cựu chiến binh đại đội 17, tiểu đoàn 564, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 những ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn nguyên vẹn. Dù đã bước vào tuổi 90 nhưng người lính Điện Biên năm xưa vẫn còn mạnh khỏe và minh mẫn. Với nụ cười dễ gần, chất giọng trầm ấm, ông Nhân xúc động kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng không thể nào quên ấy.
Tháng 10/1953 khi được tin bộ đội về tuyển quân cho Mặt trận Điện Biên, chàng thanh niên 18 tuổi Lê Văn Nhân và nhiều trai làng Tam Lạc, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa hồ hởi xung phong ra trận. Đợt tuyển quân đó, ông Nhân được gọi tên.
“Khi nhận được tin mấy anh em chúng tôi vui lắm. Đêm chia tay mọi người đều bịn rịn nhưng trong lòng chúng tôi đều quyết tâm phải thắng giặc mới trở về nhà”, ông Nhân hồi tưởng lại.
Sau hai tháng được đưa về huấn luyện ở Phú Thọ, ông Nhân và đồng đội hành quân lên chiến trường Điện Biên và được bổ sung, biên chế vào Đại đội 17, Tiểu đoàn 564, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 bộ binh. Khi được biên chế vào Đại đội 17, đại đội của ông là đơn vị hỗ trợ hỏa lực, được trang bị súng đại liên, súng Bazooka, súng cối 60 và các loại hỏa lực mạnh khác.
Ông Lê Văn Nhân và các thành viên trong Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội, là những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên
xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ôn lại những ký ức năm xưa.
Ảnh: Quang Vinh.
Để chuẩn bị tấn công vào các cứ điểm Điện Biên Phủ, ông và các đồng đội tham gia đào hầm, hào, đào công sự. Đây là giai đoạn rất khó khăn, vất vả, làm việc suốt ngày, đêm, mưa rét, ăn ngủ tại chiến hào dưới mưa bom, bão đạn. Dù vậy nhưng không một ai nao núng, làm việc ngày đêm với ý chí quyết chiến, quyết thắng, mong đợi nhận được lệnh xung phong để tiêu diệt quân thù.
“Để giữ bí mật chúng tôi triển khai đội hình mỗi người cách nhau 2m và đào hào ở mọi tư thế. Có những đêm địch phát hiện ra và tập trung hỏa lực tấn công để ngăn chặn quân ta. Đêm ta đào, ngày địch lấp, địch lấp ta lại đào. Dù vất vả nhưng anh em chúng tôi không chùn bước”, ông Nhân kể và hồi tưởng lại đến đêm ngày mồng 6 tháng 5, toàn đơn vị được lệnh xung phong tấn công tiêu diệt cứ điểm 206 của địch và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị tấn công vào các cứ điểm của địch.
“Sau khi tiếng nổ vang trời của hàng tấn bộc phá đánh đồi A1, đây là hiệu lệnh tấn công, ngày, giờ quyết định trận đánh giải phóng Điện Biên Phủ đã đến, tất cả hỏa lực pháo binh, bộ binh công kích vào các cứ điểm còn lại trong lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên. Một đơn vị của Trung đoàn 209, Sư 312 đã xông vào hầm chỉ huy, bắt tướng Đờ Cát và ra lệnh cho quân Pháp ra hàng. Đến chiều ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954 quân địch ra hàng đông như kiến cỏ, lúc đó chúng tôi vui mừng lắm” ông Nhân nhớ lại.
Các phóng viên Báo Đại Đoàn Kết chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong,
dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Nhân xúc động kể thêm, điều vinh dự hiếm có là trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, gia đình ông khi đó có ba người cùng tham gia chiến đấu. Ngoài ông còn anh trai cả: Lê Văn Đằng, Sư đoàn 304, anh trai thứ hai Lê Văn Thành, Sư đoàn 308. Ba anh, em chúng tôi cùng chung một chiến hào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng không gặp mặt nhau, mãi đến 3 năm sau, chúng tôi cùng về quê chịu tang bố, khi kể chuyện ra mới biết.
“Gia đình tôi tự hào lắm, vì 3 anh em tôi đã được sống, chiến đấu, hy sinh trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đã góp phần nhỏ bé làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ông Nhân xúc động nói.
Ông Nhân hy vọng rằng, qua cuộc gặp mặt ý nghĩa này, các thế hệ đi trước như ông sẽ tiếp tục truyền lửa để lớp trẻ mai sau sẽ mãi tự hào và viết tiếp nên một “Điện Biên Phủ mới” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường và tươi đẹp.