Đc Đào Văn Bình – Chủ tịch UB MTTQ Thành phố và các đồng chí Phó Chủ tịch UB MTTQ Thành phố điều hành Hội nghị
Luật hóa hoạt động của Đảng
Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Thành phố GS. TS Vũ Hoan khẳng
định Điều 4 nói về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là cần thiết. Hiến
pháp khẳng định: Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Theo
ông Hoan, nói về Đảng được ghi vào trong Hiến pháp, vậy ngôn từ không
nên giống hệt trong điều lệ Đảng mà phải được viết rõ hơn để nhân dân
thấy rõ bản chất của Đảng là luôn đổi mới, tự hoàn thiện để lãnh đạo Nhà
nước và xã hội.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội của MTTQ Thành phố Đinh Hạnh
cho rằng: Điều 4 nói dài mà chưa đủ. Cần sửa đổi lại ngắn gọn, trong đó
khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng "Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò
lãnh đạo đất nước. Đảng trung thành với lợi ích của đất nước, của nhân
dân.”
Vấn đề cơ bản là đổi mới thể chế Đảng cầm quyền thông qua hệ thống chính
trị được cụ thể hóa ở các chương, các điều như thế nào? Đặc biệt cần
luật hóa. Đảng lãnh đạo đất nước như thế nào? Lãnh đạo thông qua luật
pháp chứ không phải can thiệp trực tiếp, không phải làm thay. Cụ thể nên
có điều quy định: Quốc hội thông qua luật hoạt động của Đảng Cộng sản
Việt Nam mặc dù Đảng đã có điều lệ hoạt động, ông Đinh Hạnh phát biểu.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ cũng cho rằng, sau khi Hiến pháp được sửa đổi bổ
sung, Quốc hội cần sớm ban hành một đạo luật về hoạt động của Đảng.
Theo yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, mỗi quy định trong Hiến pháp phải
được luật hóa.
Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng không làm thay Nhà
nước. Vậy ranh giới giữa lãnh đạo và làm thay khác nhau như thế nào?
Đảng thực hiện quyền lãnh đạo của mình với Nhà nước và xã hội một cách
tuyệt đối, toàn diện. Trong khi đó mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân
dân; Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền
lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Vậy ranh giới giữa sự
lãnh đạo của Đảng và quyền của nhân dân, quyền lực cao nhất của Quốc hội
như thế nào? Cần phải được luật hóa, để tránh sự hiểu nhầm, ảnh hưởng
đến uy tín của Đảng cũng như hạ thấp vai trò của nhân dân, của Nhà
nước.” Luật sư Tỵ khẳng định.
Xem xét các trường hợp thu hồi đất
Tiếp tục đóng góp ý kiến, Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng điều 21 Dự thảo ghi: “Mọi người có quyền sống”.
Theo ông Tỵ, một điều trong Hiến pháp ghi gọn lỏn 5 từ, có gì chưa ổn.
Chưa thấy có quốc gia nào không cho con người quyền sống. Cần ghi thêm:
quyền học tập, quyền lao động, sáng chế, phát minh và quy định thêm
Khoản 2: Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để mọi người thực hiện quyền
ấy.
Hay như Điều 30 về quyền công dân trong đó có quyền biểu quyết khi Nhà
nước tổ chức trưng cầu dân ý. Theo Luật sư Tỵ quyền này Hiến pháp quy
định từ lâu nhưng chưa có Luật trưng cầu dân ý. Công dân chưa bao giờ
thực hiện quyền ấy. Thiết nghĩ sau khi Hiến pháp lần này được sửa đổi bổ
sung, Quốc hội cần sớm ban hành Luật Trưng cầu dân ý.
Đặc biệt về điều 58, khoản 3, “Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp
thật cần thiết vì lý do an ninh hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích công
cộng”. Nên bỏ đoạn "và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Bởi lẽ dự
án nào không phát triển kinh tế - xã hội. Nếu tất cả mọi trường hợp đều
do Nhà nước dùng quyền lực thu hồi đất đã giao cho dân là trái với nội
dung khoản 2 điều này.”, ông Tỵ nói.
Theo GS. TS Trần Quỵ những nội dung quan trọng trong Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp lần này đã quy định cụ thể hơn các phương thức để nhân dân thể
hiện quyền dân chủ bằng trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc
hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Như vậy quyền dân
chủ của nhân dân được mở rộng hơn thể hiện được Nhà nước là nhà nước
pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì nhân dân.
Điều 9 và 10 đã xác định rõ hơn vai trò của MTTQ, công đoàn và các tổ
chức chính trị - xã hội trong việc động viên nhân dân thực hiện quyền
làm chủ của mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của dân
nhân.
"Mặc dù một số tổ chức xã hội nghề nghiệp đã có trong MTTQ tuy nhiên nên
có một câu để động viên tập hợp những tổ chức xã hội nghề nghiệp để họ
có vai trò tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” ông Quỵ đề
nghị.
Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UB MTTQ Thành phố Đào Văn Bình cho biết,
đây là phiên họp đầu tiên của UB MTTQ Thành phố góp ý vào Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992. Qua bước đầu góp ý, UB MTTQ Thành phố sẽ tập hợp
đầy đủ trung thực để báo cáo lên Thành phố và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ
Việt Nam theo quy định.
Thành lập tổ tiếp nhận góp ý của nhân dân
Ông Đào Văn Bình, Chủ tịch UBMTTQ TP khẳng định, sau kỳ họp này, MTTQ
Thành phố sẽ tổ chức các kỳ họp tiếp theo lấy ý kiến của các tầng lớp
nhân dân vào Hiến pháp, cùng với đó UB MTTQ Thành phố cũng thành lập một
tổ túc trực thường xuyên tiếp nhận góp ý của các tầng lớp nhân dân tại
trụ sở UB MTTQ Thành phố (số 15 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Trung Hiếu